14/01/2019 - 15:36

Chủ tịch Quốc hội gặp mặt điển hình thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chào mừng. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Sáng 14/1, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết và gặp mặt điển hình tiên tiến thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân giai đoạn 2009-2019; trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 33 tập thể, bốn cá nhân và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ quốc phòng cho 40 tập thể, 67 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân (giai đoạn 2009-2019), góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc. 

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, qua 30 năm thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân, Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã có nhiều chủ trương, giải pháp, lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch tập trung xây dựng khu vực biên giới phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh. 

Các cuộc vận động hướng về biên giới, biển đảo được triển khai rộng khắp trong cả nước, huy động được nguồn lực to lớn giúp đỡ các xã biên giới và các đồn, trạm biên phòng, tăng cường gắn bó đoàn kết quân dân. Thông qua các phong trào đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân; kịp thời cổ vũ động viên đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, biển đảo và cán bộ chiến sỹ Bộ đội Biên phòng khắc phục khó khăn, gian khổ, hy sinh, yên tâm bám trụ nơi biên giới, biển đảo; góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Báo cáo tại Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương đã tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới. Trong đàm phán, thỏa thuận, giải quyết các vấn đề liên quan đến biên giới quốc gia đã có những chủ trương, đối sách phù hợp, vừa giữ vững chủ quyền lãnh thổ, vừa giải quyết tốt vấn đề phức tạp liên quan đến biên giới, chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo với các nước có liên quan; đã phân định được đường biên giới rõ ràng, xây dựng được hệ thống mốc quốc giới kiên cố, hiện đại trên tuyến Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Lào. Công tác phân giới, cắm mốc biên giới Việt Nam-Campuchia, đến nay đã xác định được 265/314 vị trí mốc, đạt 84,39%; phân giới được khoảng 932,7/1.137km đường biên giới, đạt 81,97%...

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Biên phòng triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp công tác biên phòng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Giai đoạn 2009-2019, triển khai các biện pháp chống lấn chiếm biên giới 61 vụ; bắt giữ, xử lý 1.568 vụ/2088 lượt tàu, thuyền nước ngoài vi phạm; tham gia giải quyết 3.315 vụ việc phức tạp ở khu vực biên giới...

Qua các chương trình hành động hướng về biên giới, hải đảo có ý nghĩa thiết thực như “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo," “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới," “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”… đã trao tặng 7.000 căn nhà cho người nghèo ở biên giới, hải đảo, 300 công trình dân sinh ở địa bàn biên giới với tổng giá trị trên 300 tỷ đồng; trao tặng 24.876 con bò giống cho người nghèo biên giới, trị giá 373 tỷ đồng; đỡ đầu 2.844 học sinh ở khu vực biên giới có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với mức hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng đến khi học hết lớp 12…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân duyệt đội danh dự. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, biên cương, bờ cõi của Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh để phát huy sức mạnh tại chỗ làm nền tảng xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Tổ quốc. Thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Qua nghe báo cáo và các ý kiến tham luận tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, trong những năm qua, các ban, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là cấp ủy, chính quyền 44 tỉnh, thành phố biên giới, bờ biển đã có những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân một cách thiết thực, hiệu quả. 

Các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới về ý nghĩa, tầm quan trọng của Ngày Biên phòng toàn dân thông qua những việc làm thiết thực, như: Nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình phối hợp giữa các ban, bộ, ngành Trung ương với Bộ Quốc phòng và Bộ đội Biên phòng; tập trung xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, ưu tiên đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, làm tốt công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng gắn với đối ngoại nhân dân. Qua đó, đã góp phần tích cực vào xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng khu vực biên giới, biển đảo ngày càng vững mạnh; biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển tạo điều kiện thuận lợi để đất nước mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế.

Các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” với nhiều mô hình và cách làm sáng tạo, như Phong trào Thanh niên xung kích bảo vệ biên giới; Phụ nữ vì biên giới; Già làng, trưởng bản gương mẫu; Tổ tàu, thuyền an toàn; Bến, bãi an toàn...

Các lực lượng vũ trang nói chung, bộ đội biên phòng nói riêng được chăm lo xây dựng ngày càng vững mạnh, là lực lượng chuyên trách, luôn đoàn kết, gắn bó mật thiết với cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Bên cạnh đó, các đơn vị bộ đội biên phòng còn tích cực tham gia xây dựng địa bàn khu vực biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh; đã triển khai thực hiện nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tiêu biểu, như: Chương trình Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản; Thầy giáo quân hàm xanh; Nâng bước em đến trường; Đồng hành cùng phụ nữ biên cương...

“Qua đó, phong trào hành động ở cơ sở, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ biên giới được nâng lên. Đồng thời, góp phần làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới ngày càng ổn định, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với các nước láng giềng được củng cố, giữ vững," Chủ tịch Quốc hội ghi nhận.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội biểu dương những nỗ lực, thành tích của các ban, bộ, ngành, địa phương, các lực lượng vũ trang, nhất là Bộ đội Biên phòng trong việc tổ chức có hiệu quả các nội dung Ngày Biên phòng toàn dân giai đoạn 2009-2019.

Theo Chủ tịch Quốc hội, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng cần nghiêm túc nhìn nhận việc thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân vẫn còn một số tồn tại cần rút kinh nghiệm.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện. Tuy nhiên, do những điều kiện địa lý, tự nhiên, lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, nên khu vực biên giới vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Hệ thống chính trị ở cơ sở nhiều nơi còn hạn chế, đặc biệt tổ chức đảng và đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc vừa mỏng vừa yếu. Đội ngũ cán bộ ở cơ sở một số nơi năng lực quản lý, điều hành chưa đáp ứng yêu, cầu nhiệm vụ. Tỷ lệ hộ đói nghèo ở khu vực biên giới vẫn còn cao so với tỷ lệ chung của cả nước. Hạ tầng cơ sở đã được quan tâm đầu tư xây dựng, song nhìn chung vẫn còn thiếu. Cơ sở y tế, giáo dục mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của nhân dân. Tình hình an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội, hoạt động của các loại tội phạm ở khu vực biên giới, vùng biển và những vấn đề an ninh phi truyền thống diễn ra ngày càng gay gắt, phức tạp khó lường...

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, vùng biển là nhiệm vụ chiến lược, đòi hỏi sự tham gia của toàn dân và cả hệ thống chính trị.



Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dânViệt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trao bằng khen cho các tập thể và các nhân điển hình tiên tiến. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Để Ngày Biên phòng toàn dân những năm tiếp theo thực sự thiết thực, ý nghĩa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ 10 một cách sâu sắc, nhất là các Nghị quyết và Kết luận của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa 12 về quốc phòng, an ninh.


Cùng với đó tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc, đầy đủ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân là một cột mốc sống” ở khu vực biên giới, lực lượng vũ trang là nòng cốt, bộ đội biên phòng là chuyên trách; tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế-xã hội địa bàn biên giới, biển, đảo.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sỹ cần coi đây là nhiệm vụ chính trị vừa cơ bản, lâu dài, vừa cấp bách trong tình hình hiện nay. Đi đôi với việc nâng cao nhận thức, phải tích cực đổi mới, đa dạng hóa các nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động để xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện.

Nhấn mạnh địa bàn biên giới, hải đảo có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, là “phên dậu” của đất nước, “phên dậu” có vững thì đất nước mới ổn định để phát triển, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan hữu quan trong thời gian tới là phải hướng mạnh vào việc giúp các địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị; tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; đồng thời chủ động đấu tranh phòng, chống, làm thất bại luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị địa bàn biên giới, hải đảo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu yêu cầu về việc cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về kết quả thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân giai đoạn 2009-2019, cùng những bài học kinh nghiệm được rút ra từ Hội nghị của các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang nói chung, bộ đội biên phòng nói riêng, trong đó bộ đội biên phòng với tư cách là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, thì cán bộ, chiến sỹ phải không ngừng trau dồi phẩm chất, bản lĩnh chính trị, năng lực công tác, nhất là kiến thức xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội; phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ;" nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phát huy tính năng động, sáng tạo, tinh thần khắc phục khó khăn, thực sự gắn bó với cấp ủy, chính quyền và nhân dân biên giới, phải là chỗ dựa vững chắc cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân biên giới trong sự nghiệp biên phòng toàn dân, xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền chủ động làm tốt công tác tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp cho địa bàn biên giới, cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị hướng vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới. Tập trung xây dựng địa bàn biên giới, hải đảo ngày càng vững mạnh, trong đó chú trọng xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới. Tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển với các nước láng giềng.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng các ban, bộ, ngành ở Trung ương, các tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị tuyến sau tiếp tục đẩy mạnh các phong trào, hoạt động hướng về biên giới, biển đảo để động viên, chia sẻ với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện.

Chủ tịch Quốc hội mong các đại biểu điển hình tiên tiến về dự Hội nghị tiếp tục giữ vững và phát huy những thành tích đã đạt được, tích cực tuyên truyền, vận động và tổ chức cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị, địa phương mình thực hiện thắng lợi mọi đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, cùng với cấp ủy, chính quyền, các lực lượng vũ trang xây dựng nền biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng khu vực biên giới ngày càng giàu mạnh.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết