09/03/2014 - 12:42

Chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông

Gần đây, dư luận ASEAN lại lo ngại về căng thẳng trên biển Đông. Trước thời sự này, mời bạn đọc cùng tham khảo hai cuốn sách tư liệu do Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao phối hợp với NXB Tri Thức ấn hành vào cuối năm 2013: "Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" và "Những vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên biển Đông".

Cuốn thứ nhất in song ngữ Việt - Anh, gồm 3 chương: Các nhà nước phong kiến Việt Nam thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong thời Pháp thuộc; Việc bảo vệ và thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Trong phần Phụ lục, sách giới thiệu tóm tắt việc khẳng định chủ quyền này tại 3 hội nghị quốc tế trong lịch sử: Hội nghị Posdam (26-7-1945), Hội nghị San Francisco (từ 4 đến 8-9-1951) và Tuyên bố Cairo (27-11-1973).

Sách còn in kèm nhiều tư liệu lịch sử quý khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, như: Bản đồ hàng hải của người Bồ Đào Nha thế kỷ XVI; Toàn tập Thiên Nam Tứ Chi Lộ Đồ Thư (vẽ vào thế kỷ XVII); Giáp Ngọ Bình Nam Đồ (1774); An Nam Đại Quốc Họa Đồ; Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ (1838)… Sách còn trích Đại Nam Nhất Thống Chí của triều Nguyễn in năm 1882, có miêu tả: "Đảo Hoàng Sa: ở phía Đông cù lao Ré huyện Bình Sơn... Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn Lý Trường Sa...".

Ở phần Kết luận, sách khẳng định: "Nhà nước Việt Nam luôn luôn bảo vệ tích cực các quyền và danh nghĩa của mình trước mọi mưu đồ và hành động xâm phạm tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".

Cuốn sách thứ nhì, in kèm nhiều bản đồ, sơ đồ, hình vẽ… như một cẩm nang phân tích rạch ròi những vấn đề có tính lịch sử và pháp lý liên quan đến chủ quyền biển, đảo của nước ta trên biển Đông. Sách gồm 5 phần: Khái quát về biển Đông; Một số văn bản pháp lý về biển của quốc tế và khu vực; Các văn bản pháp lý cơ bản về biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tình hình biển Đông trong thời gian gần đây; Chủ trương của Việt Nam trong vấn đề biển Đông.

Ở trang 41, trong mục "Yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc", sách viết: "Đường lưỡi bò" hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và lịch sử; được vẽ ra một cách tùy tiện, mơ hồ, không có tọa độ và luôn thay đổi (lúc đầu là 11 đoạn, sau chỉ còn 9 đoạn, đến nay lại là 10 đoạn). Yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý chiếm 80% diện tích biển Đông, xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của 5 nước là Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia và Brunei; trái với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một bên tham gia".

Hai tập sách như nhắc người đọc luôn nhớ rằng, Việt Nam là một quốc gia ven biển có bờ biển dài 3.260 km với hàng nghìn đảo lớn nhỏ đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - từ hàng nghìn năm nay, biển và đảo đã gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; vì thế, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng đối với mỗi người Việt Nam.

HUỲNH KIM

Chia sẻ bài viết