17/12/2008 - 19:55

Thị trường cá tra năm 2009

Chủ động vượt qua khó khăn, thách thức

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2008, xuất khẩu cá tra ước đạt 1,4 tỉ USD, chủ yếu từ đóng góp của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, bên trong hiệu quả của tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, theo thống kê của Hiệp hội thủy sản các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, có khoảng 20-30% hộ nuôi cá tra bị phá sản; 30-40% mất nguồn vốn tự có; 40-50% không thể trả nợ nguồn vốn vay tại các ngân hàng và 40-50% diện tích ao nuôi đã bị bỏ trống vì không còn khả năng tái đầu tư. Trên cơ sở dự báo chính xác, các hội, ngành và địa phương đang tích cực đề ra nhiều biện pháp nhằm chủ động vượt qua khó khăn trong thời gian tới…

* Năm 2008: Biến động về giá

Bước vào năm 2008, giá cá tra nguyên liệu các loại ở ĐBSCL từ 13.000 – 14.600 đồng/kg, tăng 200-400 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2007. Vài tuần tiếp sau đó, giá cá tra nguyên liệu trên thị trường tiếp tục tăng và đạt mức giá cao nhất là 15.500 đồng/kg. Tuy nhiên, do diện tích nuôi phát triển quá nhanh, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, trong khi đó các ngân hàng thắt chặt cho vay, lãi suất cho vay tăng... để thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát của chính phủ... đã khiến thị trường cá tra nguyên liệu rơi vào khủng hoảng thừa. Từ tháng 2-2008, giá cá tra trên thị trường liên tục giảm, có thời điểm giá bán cao nhất chỉ khoảng 14.000 đồng/kg. Giá bán giảm, trong khi giá thức ăn tăng và đứng ở mức cao, tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi cao... đẩy giá thành nuôi cá tăng cao, người nuôi cá lỗ trung bình từ 2.000 – 4.000 đồng/kg cá nguyên liệu. Hàng chục ngàn tấn cá quá lứa tồn đọng trong dân không tiêu thụ được. Những diễn biến này đẩy nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL cũng như cả nước thua lỗ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững.

 Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam (South Vina) – KCN Trà Nóc.
Ảnh: THU HÀ

Nhiều cuộc họp từ cấp Chính phủ, bộ ngành hữu quan đến cấp địa phương... liên tục được tổ chức và hàng loạt giải pháp cứu nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra cũng được đưa ra. Điển hình như các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục “bơm” hàng ngàn tỉ đồng vốn cho doanh nghiệp chế biến, người nuôi... Những động thái này, cộng với nhu cầu đặt hàng vào dịp cuối năm, tạo động lực cho người nuôi cá đầu tư vào vụ mới, khoảng trung tuần tháng 8 – 2008, các doanh nghiệp ở ĐBSCL đã nâng mức giá cá tra nguyên liệu lên 14.200 – 14.400 đồng/kg. Đầu tháng 9- 2008, giá bán cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng và đạt 17.000 – 18.000 đồng/kg. Cuối tháng 9-2008, đang trên đà tăng, giá cá tra nguyên liệu trên thị trường bất ngờ đảo chiều giảm mạnh, giá cao nhất chỉ còn 16.500 – 17.000 đồng/kg và hiện nay chỉ còn 14.000 – 14.200 đồng/kg. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là quy định của các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe hơn; khủng hoảng tài chính ở Mỹ, ở châu Âu (hai thị trường xuất khẩu chủ lực của cá tra Việt Nam)... đã và đang lan rộng ra toàn thế giới khiến nhiều nhà nhập khẩu không còn khả năng thanh toán. Kéo theo thị trường xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng cuối năm 2008 diễn biến không như thông lệ hằng năm.

* Năm 2009: Dự báo còn nhiều thách thức

Ông Dương Tấn Lộc, Phó Chủ tịch Hiệp hội thủy sản TP Cần Thơ, phân tích: Thông thường, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam được nhiều đơn đặt hàng các nước cho dịp Noel. Tình hình năm nay thì ngược lại, nhiều nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu phải giảm công suất vì nhiều nhà nhập khẩu đang khó khăn về tài chính.

Trong 10 tháng đầu năm 2008, Công ty TNHH Thủy sản Miền Nam (South Vina) xuất khẩu được gần 9.500 tấn cá tra, ba sa đông lạnh với tổng trị giá 20,3 triệu USD sang 26 quốc gia khác nhau trên thế giới. Riêng tháng 10, công ty xuất khẩu được 1.624 tấn sản phẩm với tổng trị giá 3,56 triệu USD. Tuy nhiên, sang tháng 11-2008, South Vina đã giảm 30% công suất chế biến, khối lượng cá tra đông lạnh xuất khẩu của công ty giảm 50%, tổng kim ngạch giảm đến 40% so với tháng trước đó. Nhiều doanh nghiệp cũng đang trong tình trạng như South Vina. Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu Chế xuất và Công nghiệp TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, do khó khăn về đầu ra, các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản – chủ yếu là cá tra trên địa bàn thành phố đã ngừng thu mua nguyên liệu trong dân, chỉ sử dụng nguồn cá do doanh nghiệp nuôi để chế biến và hoạt động cầm chừng”.

Trong khi đó, theo thông tin từ Hiệp hội thủy sản các tỉnh, thành ĐBSCL, tỷ lệ cá tra nguyên liệu cho 1 thành phẩm cá phi lê đang giảm dần nhưng mức lợi nhuận mang lại thì thu hẹp. Trước đây, tỷ lệ này là 3/1, sau đó là 2,7/1, 2/1. Với 2kg cá nguyên liệu để chế biến 1kg cá phi lê, giá bán trung bình khoảng 2,2USD/kg thì mức lãi các doanh nghiệp thu được chỉ ở mức khiêm tốn. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tập trung tăng lượng xuất khẩu để tăng lợi nhuận hơn là việc tăng giá chào bán. Điều này chưa kể tình trạng một số doanh nghiệp hạ chất lượng cá tra kéo theo giá bán giảm. Ngoài ra, theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, tác động khủng hoảng tài chính thế giới có khả năng sẽ kéo dài sang năm 2009.

* Những kiến nghị tháo gỡ khó khăn

Hiệp hội thủy sản các tỉnh, thành ĐBSCL dự đoán, trong năm 2009, sản lượng nuôi cá tra của vùng sẽ giảm 40-50%, kéo theo sự suy giảm của sản xuất chế biến và kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản, ảnh hưởng đến việc làm của hàng trăm ngàn người trực tiếp nuôi và chế biến.

Trước tình hình trên, làm gì để nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra phát triển trong năm 2009? Ông Dương Tấn Lộc, Phó Chủ tịch Hiệp hội thủy sản TP Cần Thơ, cho rằng: “Người nuôi cá phải tìm cách hạ giá thành sản xuất. Để làm được điều này, vấn đề trước tiên là cần quan tâm hạ giá đầu vào, nhất là con giống”. Theo ông Dương Tấn Lộc, trước đây, tỷ lệ hao hụt trong nuôi cá tra mức 5-10% ở khâu giống, nay đã tăng lên 30-80%, kể cả ở khâu thương phẩm. Điều này làm sản lượng có thể giảm 1/2-2/3 và các chi phí khác đều tăng, cộng với tình trạng ô nhiễm môi trường dẫn đến hiệu quả của người nuôi cá đạt thấp. Chính vì thế, cần chọn cơ sở giống cá tra tin cậy, có nguồn cá tra bố mẹ từ tự nhiên, sản xuất giống theo quy trình công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, cần quan tâm chất lượng thức ăn, tăng cường gắn kết giữa các khâu nuôi, giữa các nhà chế biến xuất khẩu với nhau, giữa người nuôi và chế biến xuất khẩu... để nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra.

Tuy nhiên, để giảm giá thành sản xuất thì không thể thiếu nguồn vốn đầu tư. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm hợp tác xã nuôi cá tra xuất khẩu Thới An, kiến nghị: “Các ngân hàng nên tiếp tục khoanh nợ, giãn nợ cho người nuôi cá. Đồng thời, phải thực hiện nghiêm chủ trương của Nhà nước trong việc giảm lãi suất cơ bản cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi...”. Ngoài ra, hội nghề cá và hiệp hội thủy sản các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng thống nhất kiến nghị: Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT sớm dự báo và có thông tin chính thống về thị trường xuất khẩu cá tra năm 2009 cho người nuôi và chế biến xuất khẩu chủ động trong sản xuất. Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế cần áp dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nuôi trong năm 2009 khi mua thức ăn công nghiệp và nguyên liệu làm thức ăn tự chế nhằm giảm giá thành sản xuất...

HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết