16/08/2009 - 20:48

Các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long

Chủ động và nỗ lực cứu lúa

Bộ đội giúp dân thu hoạch lúa ở Đồng Tháp Mười, Long An.
Ảnh: PHONG TRẦN

Lũ về sớm đã làm gần chục ngàn héc-ta lúa hè thu ở 2 tỉnh Long An và Đồng Tháp ngập nước. Các địa phương này đang tích cực huy động lực lượng để cứu lúa. Ở TP Cần Thơ, tuy diện tích trồng lúa chưa bị ảnh hưởng, nhưng ngành chức năng và các địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp chủ động để sẵn sàng ứng phó...

* CHI PHÍ THU HOẠCH TĂNG, GIÁ LÚA GIẢM

Nông dân các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh tỉnh Long An đã và đang phải thu hoạch lúa còn xanh lá, do nước thượng nguồn đang lên nhanh đã làm nhiều đoạn bờ bao nội đồng bị vỡ. Ông Bùi Văn Lý, ấp Vĩnh Bửu, xã Vĩnh Đại, Tân Hưng, tiếc rẻ: “Hơn chục héc-ta lúa thơm mới vừa đỏ lá, khoảng 10 ngày nữa mới đủ tuổi thu hoạch. Nhưng cả tuần mưa kéo dài, tôi đổ 20 lít dầu chạy 2 máy liên tục để bơm nước nhưng vẫn không xong vì bờ bao nội đồng bị vỡ, nước tràn ngập lút bông lúa”. Thế là 2 triệu đồng mua dầu bơm nước cứu lúa của ông Lý xem như công dã tràng và đành thuê nhân công thu hoạch với giá công cắt “leo thang” lên 400.000 đồng/công”.

Hiện tại, huyện Tân Hưng còn khoảng 1.400 ha lúa đang ngậm sữa bị nước lũ đe dọa. Dọc theo con đường đất đỏ dài chừng 30 km từ huyện Tân Thạnh (Long An) sang huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), hai bên lề, lúa hạt vẫn còn xanh do bà con thu hoạch lúa sớm để chạy lũ đang đổ xá chờ có nắng để phơi. Nhưng tệ hại hơn, lúa ướt nên bán không có thương lái mua. Còn lúa khô cũng rất khó bán, mặc dù khu vực này có chợ nông sản lúa gạo rất lớn. Hiện giá lúa chỉ khoảng 3.500 - 4.000 đồng/kg tùy theo giống lúa và đường vận chuyển...

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Long An, năm nay Đồng Tháp Mười nước lũ về sớm hơn 1 tháng. Lượng nước mưa tại chỗ và nước từ thượng nguồn đổ về mạnh nên mực nước trong kênh rạch trong vùng dâng cao hơn cùng kỳ. Cụ thể, tại Tân Hưng, Vĩnh Đại, Mộc Hóa (Long An) từ 0,08 đến 0,74 m khiến nhiều hộ dân không kịp thu hoạch lúa. Ông Nguyễn Văn Trình, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, canh tác 3 ha với giống lúa VND 95 - 20 đã bị ngập nước khoảng 0,5m, tuy còn khoảng 10 ngày nữa mới có thể thu hoạch. Ông đã tốn 1 triệu đồng để mua dầu bơm tháo nước, tuy nhiên tình hình không ổn nên ông đành phải thuê lao động thu hoạch lúa còn xanh.

Vĩnh Hưng có đến 85% nông dân canh tác giống lúa thơm, thời gian sinh trưởng dài và đang đối phó với nước lũ tràn đồng. Hiện tại, trà lúa vừa chín tới là nông dân tranh thủ thu hoạch và lẽ dĩ nhiên năng suất, chất lượng lúa sẽ giảm, chưa nói đến giá lúa đang giảm do thương lái lợi dụng cơ hội ép giá. Vĩnh Hưng còn khoảng 4.500 ha lúa hè thu sạ muộn (dứt điểm phải đến 15-8-2009) và khả năng bị nước lũ gây ngập đã và đang xảy ra.

Tại huyện Tân Thạnh, nằm dưới nguồn nước lũ, có gần 9.000 ha ngập từ nửa thân cây lúa trở lên, trong đó có 50% diện tích nằm ngoài đê bao ngăn lũ. Huyện đang huy động lực lượng bộ đội và vận động nông dân tranh thủ thu hoạch sớm để chạy lũ, bảo vệ mùa màng. Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, nói: “Nước lũ dâng nhanh đang làm cho bà con gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hoạch lúa. Máy gặt đập liên hợp không thể hoạt động, còn lực lượng lao động thủ công lại rất khan hiếm và giá công cắt tăng lên đến mức 300.000 đến 350.000 đồng/công. Lực lượng thương lái chèn ép, khiến giá lúa giảm xuống dưới 3.000 đồng/kg lúa ướt, thấp hơn giá thành sản xuất, còn lúa khô tùy theo loại, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì chỉ khoảng 3.800 đồng/kg”. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, toàn tỉnh hiện đã có gần 500 ha lúa hè thu thiệt hại trắng, khoảng 2.000 ha chìm trong nước, năng suất giảm từ 1 - 2 tấn/ha.

Tại TP Cần Thơ, diện tích lúa hè thu và thu đông (vụ 3) không bị ảnh hưởng bởi lũ. Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đến ngày 10-8-2009 nông dân đã thu hoạch được hơn 83.500/84.129 ha lúa hè thu. Như vậy, đến ngày 12-8-2009, diện tích lúa hè thu của thành phố cơ bản đã thu hoạch xong. Đến nay, toàn thành phố đã xuống giống vụ thu đông hơn 34.500 ha; tập trung chủ yếu ở các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và quận Thốt Nốt.

* HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG, SẴN SÀNG CỨU LÚA

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch UBND huyện huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Trong tuần qua, mực nước sông Tiền đã tăng trên nửa mét đang đe dọa toàn tuyến đê bao và có khả năng vỡ đê cục bộ của trên 2.000 ha chưa thu hoạch tập trung ở hai xã Thường Thới Hậu A và Thường Thới Hậu B. Huyện đã chỉ đạo các địa phương đã tăng cường hai chiếc xáng cạp và lực lượng tại chỗ túc trực tu bổ các tuyến đê bao xung yếu. Đưa thêm 34 máy gặt đập liên hợp và máy gặt xếp dãy vào hoạt động cả ngày lẫn đêm để thu hoạch lúa tránh lũ.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Hiện tỉnh Đồng Tháp đã thu hoạch khoảng 80% trong tổng diện tích 195.000ha lúa hè thu, năng suất 5,1-5,2 tấn/ha. Tuy nhiên, vụ lúa này nhà nông thu hoạch gặp cảnh mưa dầm liên tục, nước lũ lên nên thiếu nơi phơi sấy lúa, chi phí sản xuất tăng cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hầu hết chỉ mua gạo nguyên liệu do khả năng kho dự trữ có hạn.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, đến thời điểm này, nông dân ĐBSCL thu hoạch hơn 600.000 ha lúa hè thu, năng suất bình quân 4,8 tấn/ha. Khả năng của các lò sấy lúa trong vùng chỉ đáp ứng tối đa 30% - 35% nhu cầu của nông dân. Khả năng dự trữ, bảo quản lúa của nông dân rất thấp, không quá 3 tháng. Trong điều kiện mưa dầm như hiện nay, nếu trữ lúa trong nhà khoảng 1-2 tháng là chất lượng sụt giảm, thất thoát rất lớn. Chính vì vậy giải pháp giúp nhà nông đảm bảo chất lượng, giảm giá thành, giảm thất thoát đang là vấn đề bức xúc ở ĐBSCL...

Đến nay, tại TP Cần Thơ, phần lớn diện tích lúa thu đông hơn 34.500 ha đang trong giai đoạn đẻ nhánh trở lên (từ hơn 40-50 ngày tuổi), một số diện tích đã trổ bông, chỉ có khoảng 1.000 ha lúa ở giai đoạn mạ (khoảng nửa tháng tuổi). Các địa phương và ngành chức năng đã chủ động để ứng phó với nước lũ.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, mực nước lũ ở TP Cần Thơ đang lên bình thường và không vượt so với trung bình hàng năm nên diện tích lúa thu đông của thành phố chưa bị ảnh hưởng. Ngoài ra, từ trong vụ lúa hè thu, ngành nông nghiệp đã vận động các địa phương và người dân nạo vét kênh và gia cố đê bao; các vùng có đê bao, đảm bảo ăn chắc mới xuống giống lúa hè thu; còn vùng Vĩnh Thạnh không đảm bảo, hạn chế tối đa diện tích xuống giống. Chúng tôi đang theo dõi tình hình diễn biến của nước lũ. Ngành nông nghiệp sẽ đề xuất hỗ trợ kinh phí cho nông dân bơm tác nếu có sự cố xảy ra, nước lũ đe dọa lúa thu đông...”.

PHONG TRẦN - ANH KHOA

Bộ đội giúp dân thu hoạch lúa ở Đồng Tháp Mười, Long An. Ảnh: PHONG TRẦN

Chia sẻ bài viết