05/03/2016 - 13:59

BÌNH THỦY

Chủ động ứng phó, phòng, chống thiên tai

Ban chỉ huy Phòng, chống Thiên tai – Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN) quận Bình Thủy vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016. Qua đó nhiều giải pháp được các ngành, phòng, ban nỗ lực thực hiện để giảm thiểu ảnh hưởng thiên tai, nhất là hạn chế thiệt hại tính mạng và tài sản người dân mùa mưa, bão năm nay.

ẢNH HƯỞNG THIÊN TAI

Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN quận Bình Thủy, do tác động biến đổi khí hậu, thiên tai thất thường và cực đoan hơn so với thời gian trước, gây thiệt hại nặng nề, năm 2015, quận Bình Thủy xuất hiện nhiều trận mưa lớn kèm theo gió lốc, làm 8 căn nhà sập, tốc mái, sụp đổ xuống sông, ước thiệt hại trên 100 triệu đồng. Trong năm, địa bàn quận xuất hiện 36 điểm có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng giao thông, thủy lợi và đời sống nhân dân. Ông Lê Tâm Niệm, Chủ tịch UBND, Trưởng ban PCTT-TKCN quận Bình Thủy, cho biết: "Khi sự cố thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận có mặt tại hiện trường, cùng các phường huy động lực lượng, phối hợp với bà con hỗ trợ, giúp các hộ bị ảnh hưởng nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống".

Công trình nạo vét, khai thông dòng chảy, gia cố đê bao, bảo vệ vườn cây ăn trái ở quận Bình Thủy.

Người dân phường Long Hòa (quận Bình Thủy) còn nhớ vụ sạt lở nghiêm trọng tại bờ sông khu vực Bình Yên B, làm căn nhà ông Phạm Minh Hồng sụp đổ hoàn toàn xuống sông Rạch Cam và ảnh hưởng giao thông khu vực. Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận Bình Thủy, vụ sạt lở không gây thiệt hại về người nhưng ước thiệt hại tài sản khoảng 70 triệu đồng. Ngay sau khi sạt lở, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận Bình Thủy, Ban chỉ huy Quân sự và chính quyền địa phương huy động lực lượng gồm: bộ đội, công an, dân quân tự vệ..., giúp gia đình ông Hồng trục vớt đồ đạc, di dời tài sản đến nơi an toàn và khắc phục sạt lở, tạo lối đi mới cho người dân địa phương. Ban chỉ huy PCTT-TKCN quận Bình Thủy và lãnh đạo một số phòng, ban liên quan đến thăm hỏi, động viên, an ủi và hỗ trợ chi phí để gia đình ông Hồng xây dựng nhà mới, ổn định cuộc sống. Ông Hồng cho biết: "Nhà bị sụp đổ xuống sông khiến gia đình càng thêm khó khăn, thắt ngặt. Các cấp chính quyền địa phương huy động lực lượng giúp gia đình tôi trục vớt tài sản, kịp thời hỗ trợ xây dựng nhà mới, an tâm tiếp tục làm ăn, sớm ổn định cuộc sống".

Nhiều hộ dân tại hẻm liên tổ 7 và 8 (phường Trà Nóc) cũng chịu ảnh hưởng sạt lở bờ sông nặng nề xảy ra tháng 6-2015. Vụ sạt lở làm tuyến đường giao thông dài 27m sụp đổ xuống sông, ảnh hưởng giao thông khu vực. Bờ sông có dấu hiệu sạt lở dài khoảng 273m, đe dọa 22 hộ dân…

NHIỀU GIẢI PHÁP PHÒNG, TRÁNH

Những năm gần đây, Bình Thủy là một trong các địa phương thuộc TP Cần Thơ chịu ảnh hưởng thiên tai nặng nề. Địa bàn quận xuất hiện mưa lớn, kèm theo lốc xoáy, làm sập, tốc mái, xiêu vẹo nhà cửa; nhiều điểm sạt lở bờ sông, các cồn trên sông Hậu... Để chủ động ứng phó thiên tai, năm 2015, quận Bình Thủy xây dựng nhiều công trình, gia cố, khắc phục hậu quả thiên tai, với mức đầu tư trên 4,44 tỉ đồng. Trong đó quận gia cố, hạn chế sạt lở tại 19 điểm, tổng chiều dài khoảng 408m, kinh phí đầu tư trên 500 triệu đồng từ nguồn Quỹ Phòng, chống lụt bão thành phố, quận và vận động xã hội hóa; hoàn thành 2 công trình lắp đặt cống phục vụ thủy lợi nội đồng và đê bao khép kín phường Long Hòa, phường Thới An Đông; 7 công trình nạo vét, khai thông dòng chảy, xây dựng đê bao tại các phường Thới An Đông và Long Tuyền; gia cố nhiều đoạn đê bao tại cồn Sơn, cồn Khương…, với tổng kinh phí gần 4 tỉ đồng…

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2016, tình hình thời tiết, thủy văn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, cần chủ động đề phòng bão mạnh, mưa lớn trên diện rộng, lũ cao tại các đợt triều cường trên các sông và nước dâng vùng ven biển… Để chủ động ứng phó, UBND quận Bình Thủy ban hành Quyết định số 3334/QĐ-UBND ngày 11-9-2015 về việc thành lập Ban Chỉ huy PCTT-TKCN do Chủ tịch UBND quận Bình Thủy ông Lê Tâm Niệm, làm Trưởng ban; thành viên là lãnh đạo các phòng, ban trực thuộc. Năm 2016, quận triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường kiểm tra, khảo sát thực địa để rà soát các nơi có nguy cơ sạt lở cao và biện pháp khắc phục, đề phòng; kiên quyết vận động và tổ chức di dời dân nơi có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn với mục tiêu lâu dài là giảm tải, giải phóng mặt bằng, trả lại bờ sông, kênh, rạch thông thoáng theo phương châm "Bốn tại chỗ"; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để không ngừng nâng cao nhận thức người dân về phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai cũng như ý thức phòng, tránh sạt lở bờ sông, kênh, rạch; kiểm tra đê bao các cồn để kịp thời phát hiện và gia cố trước khi có sự cố xấu xảy ra. Đầu mùa mưa, địa phương quan tâm kiểm tra các công trình, nhà cửa, nhất là các nơi trống trải để chằng, chống, tăng độ vững chắc, nhằm hạn chế tốc mái, sập nhà khi giông gió, lốc xoáy xảy ra; thực hiện gia cố, chằng, chống các trụ điện hạ thế, tiến hành phát quang cây cối dọc theo các tuyến đường dây tải điện để hạn chế việc đứt dây, ngã đổ trụ điện do gió lốc đi qua; kiểm tra, tổ chức đốn cây, chặt cành các cây nội ô quận có nguy cơ gió lốc làm gãy đổ, tránh gây thiệt hại về người và tài sản…

Tại hội nghị tổng kết công tác PCTT-TKCN năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016, ông Lê Tâm Niệm yêu cầu: "Ban chỉ huy PCTT - TKCN các cấp khẩn trương tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác PCTT-TKCN năm 2015, làm rõ hạn chế, yếu kém để chấn chỉnh, khắc phục. Đồng thời các ngành, các cấp xây dựng phương án, nhiệm vụ sát với thực tế địa phương, đơn vị, trong đó quan tâm yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu; củng cố, kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp để điều hành, xử lý kịp thời các tình huống khi thiên tai xảy ra…".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết