Ðây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế TP Cần Thơ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay. Ngành Y tế thành phố cũng nỗ lực kiểm soát, ngăn chặn ca bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào, đồng thời nâng cao năng lực điều trị cho tuyến y tế cơ sở, góp phần giảm ca nặng, nhập viện, chuyển viện.

Nhân viên CDC Cần Thơ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân.
Giám sát chặt ca nhập cảnh
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ Huỳnh Minh Trúc, ngày 24-11-2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp biến thể Omicron là biến thể đáng lo ngại, lây lan gấp 5 lần biến thể Delta. Theo nghiên cứu sơ bộ, chủng Omicron tỷ lệ chuyển nặng và tử vong giảm 80%; tỷ lệ tấn công phổi bằng 1/10 so với chủng trước đó. Tuy nhiên, đây mới là những thông tin ban đầu, cần theo dõi thêm và hết sức thận trọng với chủng Omicron. Nếu chủng gây bệnh nhẹ, nhưng lây lan nhanh, số ca mắc tăng cũng dễ gây khủng hoảng cho hệ thống y tế.
Ðể phòng, chống Omicron, CDC Cần Thơ tăng cường giám sát người nhập cảnh. Nếu ca nhập cảnh, test dương tính với SARS-CoV-2 và CT< 28 thì tiến hành lấy mẫu gởi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để giải trình tự gien xem có phải biến chủng Omicron không. Theo điều kiện của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, CT nhỏ hơn 28 thì mới giải trình tự gien. Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc cho biết thêm: “Mấy ngày gần đây có 2 chuyến bay từ Ðài Loan hạ cánh xuống Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, qua test nhanh, ghi nhận có ca dương tính nhưng CT>30 nên không lấy mẫu giải trình tự gien”.
CDC Cần Thơ đề xuất, với các trường hợp nhập cảnh có điều kiện kinh tế thì có thể cách ly ở khách sạn; với trường hợp không có điều kiện thì cách ly tập trung. Các ca nhập cảnh có kết quả test dương tính sẽ đưa đi điều trị, cách ly tại một khu riêng ở Bệnh viện (BV) dã chiến.
Ngoài các ca nhập cảnh từ đường hàng không, Cần Thơ nhận phản hồi của Cục Y tế dự phòng các hành khách đi cùng chuyến bay với ca mắc chủng Omicron. Cụ thể ghi nhận 4 ca dương tính, đi cùng chuyến bay với ca mắc chủng Omicron, gồm: 1 ca ở phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, có CT>36; 1 ca ở phường Thạnh Hòa (quận Thốt Nốt), CT>33; 2 ca ở xã Thạnh Phú và Trung Hưng (huyện Cờ Ðỏ) CT>30. Do CT trên 28, vì thế không giải trình tự gien. Các ca này cách ly theo dõi tại nhà. CDC Cần Thơ đề nghị y tế địa phương giám sát chặt chẽ các ca này. Ðồng thời, truy vết nhanh triệt để, lấy mẫu người tiếp xúc xét nghiệm PCR mẫu đơn. Nếu CT dưới 28, lấy mẫu gởi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh giải trình tự gien. Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc cũng đề nghị y tế địa phương lưu ý, ca mắc COVID-19 có bất thường như lây lan nhanh, tái dương tính, tử vong nhanh, diễn biến nặng… thì lấy mẫu, gởi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh giải trình tự gien.
Về công tác tiêm chủng, CDC Cần Thơ đề nghị rà soát trẻ em từ 5-11 tuổi trên địa bàn để chuẩn bị tiêm chủng. Trong công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, một vài địa phương không tổ chức tiêm chủng thường xuyên, nên khi người dân bận việc đến trễ lịch tiêm thì không tiêm được. Vì thế, đề nghị các địa phương nên tổ chức tiêm thường xuyên, suốt tuần để sẵn sàng phục vụ người dân.
Vừa qua, CDC Cần Thơ tổ chức giám sát công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 ở tất cả các quận, huyện. Kiểm tra ngẫu nhiên 200 đối tượng tiêm trên 50 tuổi. Qua kiểm tra, cơ bản không bỏ sót đối tượng tiêm. Ða số người chưa tiêm vaccine do không chịu tiêm, các địa phương có lập danh sách nhóm này.
Bảo vệ nhóm nguy cơ cao
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, chiến lược của ngành Y tế là làm giảm tử vong do COVID-19 xuống mức thấp nhất có thể. Hiện thành phố thực hiện điều trị theo mô hình tháp 3 tầng, với 3.140 giường bệnh tại cơ sở y tế và triển khai điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà.
Tầng 1 điều trị F0 tại nhà, trách nhiệm của Trung tâm Y tế, Trạm y tế cùng với CDC. Ở tầng này, cần triển khai ngay chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ theo công văn số 10815/BYT-DP ngày 21-12-2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19. Theo đó, ở cộng đồng, các địa phương cần lập danh sách người có nguy cơ nặng, nguy cơ tử vong nếu mắc COVID-19. Rà soát tiêm vaccine, vận động tiêm 2 liều vaccine và tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại cho nhóm này. Hiện nay, vẫn còn khoảng 20% bệnh nhân F0 nhập viện chưa tiêm vaccine. Ðồng thời, chủ động xét nghiệm với nhóm người có nguy cơ. Nếu nhiễm, ưu tiên điều trị thuốc Molnupiravir cho nhóm này.
Ở tầng 2, thời gian qua chỉ có một số BV điều trị COVID-19. Nhưng sắp tới, tất cả các BV, từ BV quận, huyện, BV chuyên khoa đều là BV điều trị COVID-19 tầng 2. Tức là BV dành 1 phần để điều trị bệnh nhân COVID-19, phần còn lại điều trị các bệnh khác. Các BV nâng cao chất lượng điều trị; chủ động trang thiết bị, thuốc, vật tư… điều trị COVID-19. Về nhân sự hồi sức, các BV chủ động cử ê-kíp hồi sức đến BV Ða khoa TP Cần Thơ học tập kinh nghiệm.
Với các BV ở tầng 3, bác sĩ Nguyễn Ngọc Việt Nga đề nghị các BV chủ động cử nhân sự các khoa đến Khoa hồi sức tích cực tập huấn để có thêm nhân sự làm công tác hồi sức. Thành phố đang xây dựng Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 quy mô 100 giường ở BV Ða khoa TP Cần Thơ để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Bài, ảnh: H.HOA