28/09/2019 - 19:45

Chủ động phòng tránh mất cân bằng giới tính 

Hiện nay, TP Cần Thơ vẫn trong giới hạn cho phép về tỷ số giới tính khi sinh, từ 103 đến 107 bé trai/100 bé gái. Trong thời gian qua, ngành chức năng thành phố đã chủ động nhiều giải pháp phòng tránh tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh do sự can thiệp chủ quan từ cộng đồng.

Lựa chọn giới tính thai nhi là hành động pháp luật nghiêm cấm. Ảnh minh họa: Cán bộ y tế BV Phụ sản TP Cần Thơ siêu âm kiểm tra thai cho thai phụ.

Lựa chọn giới tính thai nhi là hành động pháp luật nghiêm cấm. Ảnh minh họa: Cán bộ y tế BV Phụ sản TP Cần Thơ siêu âm kiểm tra thai cho thai phụ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Đảnh, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) TP Cần Thơ cho biết, mới đây, Chi cục phối hợp với Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ tổ chức tuyên truyền cho khoảng 700 học sinh, sinh viên của nhà trường về chủ đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Bởi đây là nhóm đối tượng trong độ tuổi sinh sản, các bậc cha mẹ tương lai này cần ý thức rõ về thực trạng thừa nam thiếu nữ đáng báo động của các nước trên thế giới nói chung, một số tỉnh, thành nước ta nói riêng. Các em cũng là đội ngũ cán bộ y tế tương lai, có liên quan mật thiết đến việc chấp hành pháp luật về tiết lộ giới tính thai nhi, cũng là các tuyên truyền viên tích cực, góp phần tư vấn, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cộng đồng.

Chương trình truyền thông về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh được thực hiện ở TP Cần Thơ từ nhiều năm trước, đến cuối năm 2018, thành phố cấp kinh phí thực hiện Đề án nhằm đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền đa dạng đến cộng đồng. Năm 2019, Đề án tập trung tuyên truyền đến các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, phổ biến rộng rãi đến hệ thống ban ngành đoàn thể các cấp, công đoàn các đơn vị, tuyên truyền cho công nhân các công ty, xí nghiệp,... Bên cạnh đó, ngành chức năng còn cung cấp nhiều tài liệu trang bị cho góc truyền thông các trung tâm y tế quận, huyện. Chi cục DS-KHHGĐ TP Cần Thơ định kỳ tổ chức sơ, tổng kết, lồng ghép khen thưởng những hộ gia đình sinh con một bề là gái. Song song đó, thường xuyên đào tạo, tập huấn, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động của mạng lưới cộng tác viên dân số, về chủ đề mất cân bằng giới tính khi sinh.

Theo kết quả tổng điều tra dân số hằng năm, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra muộn nhưng tốc độ gia tăng nhanh. Đến năm 2012, tỷ số giới tính khi sinh là 112,3 bé trai/100 bé gái. Việc mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở nhiều vùng địa lý, trong đó, tỷ số giới tính khi sinh trên 108 bé trai/100 bé gái xảy ra ở 43 tỉnh thành năm 2009 và tăng lên 49 tỉnh thành năm 2012. Còn tỷ số giới tính khi sinh ở mức 115 bé trai/100 bé gái diễn ra ở 10 tỉnh, thành trong cả nước vào năm 2009 và tăng lên ở 12 tỉnh, thành năm 2012.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh do nhiều nguyên nhân. Nhiều nghiên cứu ghi nhận, tỷ số giới tính khi sinh cao thường tập trung ở những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả. Tỷ số giới tính khi sinh thấp nhất (105) ở nhóm 20% dân số nghèo nhất và tăng dần khi mức sống được nâng lên. Ở nhóm dân cư giàu, tỷ số giới tính khi sinh lên tới 112. Tỷ số giới tính khi sinh cao ở những phụ nữ có trình độ học vấn cao. Bởi lẽ, họ biết chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai và điều chỉnh số con mong muốn, có điều kiện kinh tế tốt hơn để chi trả dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh và thỏa mãn được cả hai mục tiêu: quy mô gia đình nhỏ và có con trai. Mặc dù pháp lệnh dân số có quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, tuy nhiên, việc thực hiện các quy định này trong thực tiễn chưa nghiêm. Một số nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính có thể kể đến như mô hình gia đình truyền thống chuộng con trai nói dõi tông đường hoặc do nhu cầu các công việc nặng nhọc đòi hỏi sức khỏe lao động cơ bắp của nam giới.

Do vậy, một số giải pháp được đề ra là: tăng cường sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vấn đề này. Tăng cường tuyên truyền vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao sự nhận thức và ủng hộ, chuyển đổi hành vi của người dân, làm cho người dân thấy được nguy cơ, hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Đây là giải pháp bền vững của chương trình, đòi hỏi quá trình bền bỉ, kiên trì và lâu dài. Đồng thời, giải pháp khác cần thực hiện là điều chỉnh mức sinh hợp lý với từng địa phương, huy động các nguồn lực cho các giải pháp về kinh tế, như: chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao vị thế của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới, tạo cơ hội việc làm,… Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giới tính khi sinh; nâng cao y đức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ y tế; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các ấn phẩm, báo chí, website, các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân.

Bài, ảnh: Thu Sương

Chia sẻ bài viết