Thời tiết đang vào thời điểm chuyển mùa, mưa và nắng nóng bất thường, ảnh hưởng đến đàn vật nuôi. Với thời tiết này, ngành Thú y TP Cần Thơ cảnh báo dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có thể xảy ra, nhất là dịch cúm gia cầm... Do đó, công tác phòng tránh, ngăn ngừa dịch bệnh xuất hiện, lây lan đang cần các ngành chức năng và người chăn nuôi tập trung thực hiện.
Khả năng xuất hiện dịch bệnh

Chăn nuôi heo theo mô hình an toàn sinh học được phát triển tại huyện Vĩnh Thạnh.
Theo Cục Thú y, giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thất thường là nguyên nhân có thể làm xuất hiện và lây lan nhiều dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh vào đầu mùa mưa, như: cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, dịch lở mồm long móng ở heo... Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4, trên cả nước đã xuất hiện khoảng 40 ổ dịch cúm gia cầm ở 14 tỉnh, thành phố. Nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 tiếp tục lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao, nhất là trong giai đoạn thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, đặc biệt là ở các địa phương có ổ dịch cũ và có sự lưu hành của virus cúm gia cầm.
Hiện đã có khoảng 10 ổ dịch lở mồm long móng tại 7 tỉnh, như: Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nghệ An, Lạng Sơn và Kon Tum. Về dịch tả heo châu Phi, cả nước có 134 ổ dịch tại 59 huyện của 30 tỉnh, thành phố với số heo tiêu hủy lũy kế từ đầu năm trên 6.300 con. Bệnh viêm da nổi cục xuất hiện với 58 ổ dịch tại 34 huyện của 15 tỉnh với tổng số gia súc mắc bệnh trên 1.000 con, số gia súc đã tiêu hủy 172 con… Công tác dập dịch, ngăn ngừa lây lan đang được các địa phương nêu trên tập trung thực hiện.
Tại TP Cần Thơ, từ đầu năm 2021 đến nay trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều hộ dân, cơ sở chăn nuôi thì thời điểm chuyển mùa, từ mùa khô sang mùa mưa, dịch bệnh thường xuất hiện trên đàn gia súc, gia cầm. Anh Trần Thanh Tâm, ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: “Hằng năm vào mùa này, thời tiết nắng nóng, mưa, lạnh xuất hiện bất thường nên dịch cúm trên đàn gia cầm, gia súc thường hay xảy ra. Do đó, nuôi gà, vịt, heo… trong thời gian này phải hết sức cẩn trọng, phòng ngừa. Gia đình tôi có trên 500 con gà, vịt nên trong mùa này tôi cảnh giác dịch bệnh rất cao và tiêm phòng, ngừa bệnh theo đúng hướng dẫn của ngành thú y địa phương”.
Hiện nay, TP Cần Thơ có tổng đàn heo trên 126.100 con, tăng 25% so cùng kỳ; đàn bò 4.747 con, giảm 3,6% so cùng kỳ; đàn gia cầm 1.906.937 con, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng trong quý I-2021, đàn vật nuôi trên địa bàn thành phố đã cung cấp sản lượng thịt hơi gia súc khoảng 8.382 tấn, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 27% kế hoạch năm; sản lượng thịt gia cầm 3.412 tấn, tăng 14% so với cùng kỳ, đạt 43% kế hoạch; sản lượng trứng 23.701.000 quả, tăng 1% so với cùng kỳ, đạt 25% kế hoạch… Các sản phẩm trên cung cấp cho thị trường, người tiêu dùng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.
Phòng tránh
TP Cần Thơ hiện có 56 cơ sở sản xuất và mua bán sản phẩm giống vật nuôi. Trong đó có 32 cơ sở chăn nuôi heo sản xuất con giống, 15 cơ sở chăn nuôi heo sản xuất tinh, 5 cơ sở chăn nuôi heo vừa sản xuất con giống và tinh heo, 4 cơ sở chăn nuôi vịt sản xuất con giống… Các cơ sở sản xuất con giống trên có khả năng cung cấp khoảng 40.000 con heo giống/năm, 350.000 con vịt giống/năm và trên 100.000 liều tinh heo/năm. Đây là những cơ sở sản xuất giống vật nuôi theo tiêu chuẩn an toàn sinh học, cung cấp con giống an toàn, sạch bệnh cho người chăn nuôi trên địa bàn TP Cần Thơ.
Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng con giống cung cấp cho cơ sở, hộ chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ còn yêu cầu Trạm Chăn nuôi và Thú y quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn; khuyến cáo người dân khi phát hiện đàn gia súc, gia cầm có biểu hiện bất thường cần báo ngay cho ngành chức năng để kịp thời xử lý, không giấu dịch để dẫn đến hậu quả lây lan trên diện rộng. Địa phương chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn, nhất là những khu vực từng xảy ra dịch bệnh, khu vực có nguy cơ cao nhằm ngăn chặn, xử lý dịch bệnh khi xuất hiện; phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y tiêm phòng bệnh cúm gia cầm, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tất cả các hộ chăn nuôi…
Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, hiện nay tại các quận, huyện ngoại thành, công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm cũng được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc. Đặc biệt, nếu có ổ dịch xảy ra, ngành Thú y phải thông báo đến Sở Y tế, ngành Nông nghiệp tại địa bàn xảy ra dịch bệnh và cùng phối hợp tiêu độc, sát trùng ổ dịch và khu vực xung quanh; tiêm phòng bao vây ổ dịch cho đàn gia cầm khỏe mạnh tại địa phương và các khu vực lân cận; giám sát tình hình dịch bệnh, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ…
Bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, khẳng định: “Ngoài các hoạt động tiêm phòng vắc-xin ngăn ngừa dịch cúm trên đàn gia cầm, ngành Nông nghiệp huyện Cờ Đỏ còn chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở giám sát tình hình chăn nuôi trên địa bàn và báo cáo kịp thời về Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện nếu phát hiện đàn vật nuôi có dấu hiệu mắc bệnh; hướng dẫn người dân vệ sinh, tiêu độc tại chuồng trại chăn nuôi, ngăn ngừa tốt nhất các dịch bệnh có thể xảy ra trong mùa mưa…”.
Để chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và ngăn ngừa lây sang người, TP Cần Thơ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng, chống. Trong đó, đơn vị chuyên môn tiếp tục rà roát, tổ chức tiêm ngừa, phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố; thực hiện vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu độc trước các thời điểm có nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở quận, huyện (nơi có mật độ chăn nuôi cao, nơi có ổ dịch cũ...); hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi và tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng bảo vệ đàn vật nuôi; chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh xuất hiện; xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp giấu bệnh, không báo cáo kịp thời dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây hậu quả nghiêm trọng...
Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Giải pháp ngăn ngừa, phòng tránh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phải được đơn vị chuyên môn, các địa phương triển khai, thực hiện nghiêm túc. Đây là hoạt động góp phần bảo vệ tốt đàn gia súc, gia cầm, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra và ngăn chặn dịch cúm lây sang người…”.
Bài, ảnh: HÀ VĂN