Ðồng chí Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả TP Cần Thơ (BCÐ 389/TP) đã nhấn mạnh như trên tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024 BCÐ 389/TP. Theo đó, các thành viên Ban Chỉ đạo cần củng cố lực lượng, các sở, ngành liên quan phối hợp tốt để quản lý, kiểm soát chặt thị trường, đặc biệt tập trung vào những loại hàng hóa phục vụ tiêu dùng của người dân trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
BCÐ 389/TP kiểm tra hàng hóa tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố.
Giữ ổn định thị trường
Theo Văn phòng Thường trực BCÐ 389/TP, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại sản xuất, buôn bán hàng giả trong 6 tháng đầu năm 2024 được các lực lượng chức năng thành phố kiểm tra, xử lý giảm so với cùng kỳ 2023; trên địa bàn thành phố không xuất hiện các vụ việc phức tạp, không phát sinh điểm nóng; tình hình an ninh, chính trị, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố nhìn chung tương đối ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chậm hơn so với kế hoạch đề ra, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, nhiều doanh nghiệp phải giải thể dẫn đến tình trạng thiếu việc làm. Lợi dụng tình hình trên, các đối tượng tăng cường hoạt động buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, hàng giả nhằm thu lợi bất chính với những thủ đoạn tinh vi, phức tạp.
Nổi lên trong thời gian qua đó là tình hình buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, các đối tượng mua hàng trôi nổi hoặc nhập với số lượng lớn từ TP Hồ Chí Minh nhiều mặt hàng như mỹ phẩm, đồ điện, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quần áo… rồi trưng bày chung với hàng hóa đã đăng ký với cơ quan chức năng, các hàng hóa vi phạm về nhãn ghi không đúng quy định, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng,... Ðáng chú ý là hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển và trở nên phổ biến, chủ yếu là các hành vi bán hàng qua mạng với đầy đủ tất cả mặt hàng,… Ðây là những hành vi tiếp tay cho buôn lậu, trốn thuế, kinh doanh hàng kém chất lượng, mà đòi hỏi sự vào cuộc và phối hợp thường xuyên của nhiều cơ quan chức năng.
Hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm trên địa bàn chủ yếu là thuốc lá điếu nhập lậu các loại, nguồn hàng từ biên giới Campuchia được các đối tượng vận chuyển để tiêu thụ trên địa bàn thành phố. Các đối tượng thiết kế riêng trên các xe mô tô, ô tô khách, ô tô tải nơi để cất giấu hàng cấm, hàng nhập lậu và thường xuyên thay đổi thời gian di chuyển, thời gian giao nhận hàng hóa nhằm qua mặt lực lượng chức năng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng đã phát hiện và xử lý trong kỳ 653 vụ, giảm 171 vụ so với cùng kỳ năm trước; tổng số tiền xử lý vi phạm trên 23,9 tỉ đồng, giảm 82,46% so với cùng kỳ, năm 2023. Trong đó, tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 13,7 tỉ đồng; truy thu thuế trên 10,2 tỉ đồng, tiền bán thanh lý hàng tịch thu gần 35 triệu đồng; khởi tố 3 vụ...
Tăng cường kiểm soát
Ðại tá Trần Hoàng Ðộ, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho rằng, cùng với kiểm soát hoạt động buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại và sở hữu trí tuệ, lực lượng Công an thành phố đẩy mạnh kiểm soát hoạt động mua bán mặt hàng thuốc lá điện tử, đây là mặt hàng được dư luận quan tâm. Nhằm thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát thị trường, Ban Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Công an các quận, huyện xây dựng kế hoạch sát với tình hình thực tế tại địa phương; xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá không để hình thành các tụ điểm tập kết hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm với số lượng lớn; kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Ðẩy mạnh công tác điều tra các vụ án về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, phối hợp chặt chẽ với viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân và các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử nghiêm theo quy định pháp luật; xử lý dứt điểm những vụ việc theo quy định, không để tồn đọng. Ðồng thời nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng như Hải quan, Thuế, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành,… thực hiện hiệu quả công tác phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt đối với mặt hàng vàng; thuốc tân dược, thực phẩm chức năng nhập khẩu; thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Nguyễn Hùng Em, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố, nhận định, mặc dù tình hình thị trường thành phố nhìn chung ổn định, nhưng tình trạng buôn lậu, gian lận vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Trong những tháng cuối năm, lực lượng QLTT đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn; tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội (facebook, zalo,…) và các hành vi vi phạm về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ, đầu cơ găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý. Chú trọng các mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, thuốc lá, đường cát, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thủy sản, mỹ phẩm, khí dầu mỏ hóa lỏng,… các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm.
Ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết, Sở phối hợp với UBND các quận, huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các quận, huyện chủ động theo dõi, dự báo nguồn cung, cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn quản lý để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định thị trường hàng hóa; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch; có cơ chế ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các nơi vùng sâu, vùng xa,… nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.