Theo các chuyên gia y tế, nhiều bệnh truyền nhiễm như ho gà, bạch hầu, uốn ván đã được thanh toán, thậm chí các bác sĩ trẻ cũng chưa từng gặp, nhưng nay lại nổi lên và nguy cơ cao bùng phát thành dịch. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, đòi hỏi ngành chức năng và cả cộng đồng cần chủ động ứng phó để dịch bệnh không lây lan diện rộng, nhất là thời điểm trước thềm năm học mới.
Vaccine là một biện pháp rất hiệu quả trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm. Trong ảnh: Nhân viên y tế BV Phụ sản TP Cần Thơ tiêm ngừa cho trẻ.
Các tổ chức y tế phân nhóm các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát gồm: bệnh mới nổi, bệnh tái nổi và bệnh lưu hành. Theo PGS.TS Trần Ðắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Ðáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, trước đây bệnh bạch hầu rất phổ biến, ở bệnh viện lúc nào cũng có bệnh nhân. Từ khi thực hiện công tác tiêm chủng từ năm 1981, mấy chục năm nay, nước ta không còn bệnh nhân bạch hầu.
Song hiện nay, cùng với bạch hầu, các bệnh sởi, ho gà đã xuất hiện trở lại ở một số địa phương. Thống kê của Cục Y tế dự phòng, 5 tháng đầu năm 2024 cả nước ghi nhận 127 ca mắc ho gà, tăng gần 8 lần so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan chức năng cũng nhận định, tỷ lệ mắc ho gà còn có xu hướng tăng nhanh. Ðây là một bệnh lây theo đường hô hấp và lây rất mạnh, rất nhanh. Những trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, tiếp xúc với nguồn bệnh đều có thể mắc ho gà. Trước đây, bệnh chỉ xảy ra ở những vùng sâu, vùng xa, nhưng vừa qua, ở các tỉnh đồng bằng, thành phố, trong đó có Hà Nội, có trẻ em mắc ho gà. Còn với bệnh sởi, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam lo ngại gia tăng các ca và chùm ca bệnh sởi ở một số tỉnh thành và nguy cơ bùng phát trên diện rộng nếu như các giải pháp về y tế công cộng khẩn cấp không được thực hiện, đặc biệt là khi trẻ em chuẩn bị tựu trường trong thời gian tới.
PGS Trần Ðắc Phu cho biết thêm, bệnh sởi lây theo đường hô hấp, lây lan rất mạnh. Gần như 100% trường hợp mắc bệnh có triệu chứng. Bên cạnh đó, tình trạng bùng phát dịch liên quan đến yếu tố dịch tễ, theo chu kỳ 5 năm. Năm 2014 dịch sởi đã xảy ra với quy mô lớn, tiếp đến là năm 2019 và năm 2024 là thời hạn lặp lại của chu kỳ. Ngoài ra, cũng cần lưu ý về khoảng trống vaccine, mặc dù tỷ lệ tiêm ngừa đạt trên 90%, nhưng còn 10% chưa tiêm trong cộng đồng là nhóm nguy cơ dẫn đến bùng phát dịch.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Nhi Trung ương, trẻ khỏe mạnh bình thường không may mắc sởi, nếu được chăm sóc tốt thì sẽ hồi phục tốt, không đáng lo ngại. Tuy nhiên, khoảng 20-30% trường hợp có biến chứng và thường ở mức độ nặng, gồm bội nhiễm, viêm tai, viêm phổi, viêm não, viêm loét giác mạc, nhiễm trùng huyết… Thậm chí có trường hợp vài năm sau khi mắc bệnh sởi vẫn bị biến chứng. BV Nhi Trung ương đã tiếp nhận nhiều trường hợp nặng trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng tái nổi và nhiều ca trở nặng, diễn biến nhanh. Ðiều lưu ý là trong năm nay, các bệnh truyền nhiễm nối tiếp nhau, vào cùng thời điểm, ảnh hưởng đến công tác cách ly cũng như năng lực, hiệu quả chăm sóc điều trị của đội ngũ nhân viên y tế.
Trong Chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề “Những lưu ý cần thiết để phòng, chống dịch bệnh mùa hè” do Báo Sức khỏe và Ðời sống phối hợp Văn phòng Bộ Y tế thực hiện, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn các dịch bệnh truyền nhiễm trong năm nay, nhất là các bệnh tái nổi, liên quan đến yếu tố khí hậu, thời tiết, kể cả yếu tố xã hội và vấn đề miễn dịch cộng đồng. Theo PGS Trần Ðắc Phu, miễn dịch cộng đồng giảm là điều kiện thuận lợi để nhiều dịch bệnh bùng phát. Các bệnh sởi, ho gà, bạch hầu xuất hiện trong cộng đồng thời gian qua là một minh chứng. Thực trạng này liên quan đến giai đoạn thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng xảy ra năm ngoái, dẫn đến giảm tỷ lệ tiêm ngừa. Nhiều trường hợp trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi vaccine là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh có thể dự phòng bằng vaccine, trong đó có ho gà, sởi, bạch hầu…
PGS Trần Ðắc Phu cho rằng, cần thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương các giải pháp và kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế đã ban hành. Mỗi gia đình, từng người dân trong cộng đồng cần chung tay, có trách nhiệm chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG