30/06/2020 - 06:00

Chủ động đón sóng đầu tư 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 850/QĐ-TTg ngày 17-6-2020 thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài (FDI). Cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa ra các giải pháp cấp bách, quan trọng sẵn sàng đón làn sóng chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia.

Các doanh nghiệp Nhật Bản giao thương với doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long tại Chương trình giao lưu Văn hóa Thương mại Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5 tại TP Cần Thơ.

Tổ công tác do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm tổ trưởng. Tổ phó Thường trực là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm tổ phó. Tổ có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách, tiêu chí, chuẩn mực hợp tác đầu tư mang tính cạnh tranh quốc tế và các giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác sẽ chủ động bằng các biện pháp linh hoạt, phù hợp để có thể tiếp cận, đàm phán với các tập đoàn lớn, có công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành chuỗi giá trị; đồng thời, thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài nhằm thu hút các dự án có chất lượng, quy mô vốn lớn… tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, đầu tư vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao gắn với hợp tác đào tạo nhân lực... Bên cạnh đó, tổ chức điều phối liên ngành, liên cấp và liên vùng để thúc đẩy việc hình thành các chuỗi dự án liên kết và hỗ trợ, triển khai thuận lợi, hiệu quả.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do đa tầng nấc. Đến nay, khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận cấu thành của nền kinh tế, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội, tạo việc làm, thu ngân sách cũng như thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam… Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 5 tháng đầu năm 2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,9 tỉ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm ước tính đạt 6,7 tỉ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh hoạt động đầu tư toàn cầu suy giảm mạnh do ảnh hưởng dịch COVID-19, con số đó còn cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là rất mạnh mẽ và đó chỉ là sự sụt giảm tạm thời.

Ngay trong giai đoạn cao điểm ảnh hưởng dịch COVID-19, Cục Xúc tiến đầu tư (Bộ Công Thương) cũng đã chủ động tìm hướng thúc đẩy xúc tiến đầu tư phù hợp trong mùa dịch: Xúc tiến thương mại thông qua nền tảng số, trên môi trường thương mại điện tử, khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin...; đẩy nhanh tiến độ hoạt động thông tin, truyền thông quảng bá sản phẩm xuất khẩu, kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu... Theo đó, Cục đã thực hiện nhiều hoạt động giao thương trực tuyến với các đối tác nước ngoài: Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ... Cùng đó, nhiều chương trình tập huấn trực tuyến cũng được thực hiện. Qua đó, doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, duy trì cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên, kết nối chặt chẽ với hệ thống cơ quan Thương vụ, Trung tâm Xúc tiến thương mại của Việt Nam ở nước ngoài để có thể tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đang và sắp có hiệu lực. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp gây khó khăn trong việc tổ chức xúc tiến đầu tư tại nước ngoài cũng như tổ chức các hội nghị xúc tiến gặp gỡ nhà đầu tư, đây được xem là giải pháp hiệu quả.

Việc thành lập Tổ công tác đặc biệt về thu hút FDI chỉ là một trong những động thái quan trọng đầu tiên. Để thu hút được các tập đoàn, nhà đầu tư lớn, có công nghệ cao, vẫn còn nhiều việc phải làm. Nhất là cần phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đưa ra chính sách nhanh chóng, ổn định, minh bạch và dễ tiên lượng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn đòi hỏi sự công khai, minh bạch, thể chế thực thi nghiêm minh; đòi hỏi cao về các vấn đề như: an toàn lao động, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ... 

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết