14/03/2016 - 20:47

ỨNG PHÓ HẠN HÁN, XÂM NHẬP MẶN

Chủ động đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không để đất sản xuất bị bỏ phí

Nông dân TP Cần Thơ đã và đang bước vào vụ sản xuất hè thu 2016 trong điều kiện phải đối mặt với nhiều bất lợi do hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến gay gắt tại ĐBSCL. Đặc biệt, nhiều diện tích đất nông nghiệp tại thành phố trong vụ sản xuất này được dự báo sẽ thiếu nước tưới. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp chủ động, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân trên địa bàn thành phố quyết tâm không để đất sản xuất bị bỏ phí.

* Phát triển đa dạng các loại cây trồng

Sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2015-2016, nông dân tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố tích cực làm vệ sinh đồng ruộng, làm đất để sản xuất vụ hè thu 2016. Ông Nguyễn Văn Lùn ngụ ấp Trường Đông, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, cho biết: "Dù biết gặp nhiều bất lợi do tình hình nắng hạn đang diễn ra gay gắt nhưng bà con ở đây quyết tâm không để đất trống. Sau khi thu hoạch lúa đông xuân, gia đình tôi đã gieo sạ lại hết 6 công lúa. Do vùng này bà con chưa có kinh nghiệm, thiếu nhân công, lại chưa biết chắc đầu ra của rau màu nên hầu hết bà con ở đây đều trồng lúa trong vụ hè thu 2016. Ai cũng làm vệ sinh đồng ruộng thật kỹ, tích cực nạo vét kênh mương nội đồng để đảm bảo nước tưới cho lúa và nhất là gia cố lại bờ ruộng để tránh thất thoát nước. Vừa qua, các cấp chính quyền cũng đã hỗ trợ nông dân nạo vét kênh mương tạo nguồn phục vụ cho bà con dẫn nước tưới vào đồng ruộng nên không lo thiếu nước".

Nông dân tại phường Long Hưng, quận Ô Môn chăm sóc ruộng mè trong vụ sản xuất hè thu 2016.

Trước tình hình nắng nóng và nhiều diện tích đất sản xuất được cảnh báo sẽ thiếu nước tưới, nông dân đã cân nhắc phát triển sản xuất các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thủy lợi và sản xuất thực tế tại địa phương. Bên cạnh duy trì sản xuất lúa, nông dân mạnh dạn chuyển một phần diện tích sang trồng các loại rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày. Anh Phạm Thanh Hai ngụ phường Long Hưng, quận Ô Môn, cho biết: "Vụ hè thu 2016 nhiều nông dân chuyển sang trồng mè trên chân ruộng lúa. Sau khi thu hoạch lúa đông xuân, gia đình tôi cũng chuyển hết 7 công ruộng để trồng mè. Đến nay, ruộng mè được 17 ngày tuổi, cây đang phát triển khá tốt. Tôi hy vọng sẽ có vụ mùa thắng lợi. Các năm trước, nhiều bà con ở đây phát triển trồng mè đạt mức thu nhập cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa".

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, vụ hè thu 2016, các địa phương dự kiến xuống giống gần 78.000ha lúa. Đến ngày 7-3-2016, toàn thành phố đã xuống giống được hơn 30.000ha lúa, sớm hơn so với cùng kỳ năm trước hơn 21.600ha. Lúa hè thu đang chủ yếu giai đoạn mạ đến đẻ nhánh. Nông dân chủ yếu sử dụng các giống lúa như: OM4218, OM5451… Bên cạnh đó, nông dân cũng đã gieo trồng hơn 8.900ha rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày các loại, như: đậu xanh, đậu phộng, mè, bắp, dưa hấu, rau củ quả và rau ăn lá các loại. Diện tích gieo trồng cây công nghiệp ngắn ngày đã đạt trên 4.700ha, với cây trồng chủ lực là mè với diện tích hơn 4.600 ha (tăng hơn 11,6% so với cùng kỳ), tập trung nhiều ở quận Thốt Nốt và Ô Môn. Diện tích trồng rau, màu và đậu các loại đạt trên 4.200ha, tăng 2,54% so với cùng kỳ, trong đó diện tích rau các loại hơn 2.800ha, bắp đạt hơn 280ha. Năm nay, thành phố có kế hoạch gieo trồng khoảng 15.000ha rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày các loại, tăng 3.000ha so với năm trước.

*Kịp thời có các khuyến cáo cho nông dân

Trước tình hình nắng hạn, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ kịp thời có các khuyến cáo cho chính quyền các địa phương và nông dân thực hiện những biện pháp chủ động ứng phó ngay khi chuẩn bị bước vào vụ sản xuất hè thu 2016. Trong đó, Sở yêu cầu sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2015-2016, các địa phương tích cực vận động nông dân chuyển đổi trồng các loại rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày trên nền đất lúa kém hiệu quả. Đối với những địa phương không xuống giống được vụ màu, nên cày ải, phơi đất để tiêu diệt mầm bệnh lưu tồn trên đồng ruộng và giảm nguy cơ ngộ độc hữu cơ cho vụ lúa kế tiếp… Lưu ý đảm bảo thời gian cách ly giữa vụ đông xuân và vụ hè thu ít nhất 3 tuần. Sử dụng các giống ngắn ngày, cực ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận lợi cho việc cung cấp nước tưới, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt, cần tập trung xuống giống lúa, rau màu theo lịch khuyến cáo của ngành nông nghiệp để hạn chế chi phí bơm tưới. Khuyến cáo nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật tổng hợp chăm sóc lúa, rau màu, bón phân cân đối và hợp lý. Thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra thực tế để kịp thời chỉ đạo vận hành hệ thống thủy lợi, đảm bảo cấp đủ nước tưới cho lúa, rau màu và cây ăn trái. Chủ động tập trung huy động mọi nguồn lực và ưu tiên bố trí vốn để thực hiện công tác thủy lợi nội đồng, sửa chữa, khôi phục các công trình thủy lợi hư hỏng, nạo vét lại các hệ thống kênh mương bị bồi lắng, tháo dỡ chà nò, vật cản trên kênh rạch, đảm bảo khai thông dòng chảy tạo nguồn…

Để đảm bảo hiệu quả sản xuất trong vụ hè thu 2016, ngoài việc làm tốt công tác thủy lợi gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nông dân cần tăng cường ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong chăm sóc cây trồng và quản lý dịch hại. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, lưu ý: "Nông dân cần quan tâm sử dụng màng phủ công nghiệp trong sản xuất một số loại cây trồng như rau màu nhằm hạn chế cả việc nước bốc hơi cũng như cỏ dại và sâu bệnh phát triển. Đặc biệt, trồng các loại rau màu và cây ăn trái cũng cần tăng cường bón phân hữu cơ, sử dụng rơm rạ tạo lớp màng phủ che chắn, giữ độ ẩm cho đất giúp cây trồng phát triển tốt và tiết kiệm nước tưới. Đối với cây lúa, cần bón phân cân đối NPK, chú ý bón phân lân và kali để kích thích bộ rễ phát triển, tạo cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ và tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường và dịch hại…".

Các quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng đã và đang tích cực có các hoạt động hỗ trợ cho nông dân trong duy trì và phát triển các diện tích sản xuất lúa và rau màu. Ông Trương Văn Phú, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Ô Môn, cho biết: "Bên cạnh việc hỗ trợ nông dân làm tốt công tác thủy lợi, thời gian qua Phòng kinh tế quận cũng tích cực phối hợp các bên có liên quan tăng cường vận động, hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật để nông dân chuyển đổi các diện tích đất lúa kém hiệu quả do thiếu nước tưới sang các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn, nhất là cây mè. Dự kiến vụ hè thu này, nông dân tại quận sẽ gieo trồng đạt 2.650ha mè trên chân ruộng lúa, tăng hơn 30ha so với năm trước". Theo bà Phạm Thị Ngọc Bích, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Lai, với việc quan tâm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất, vụ hè thu 2016 ngoài việc tiếp tục duy trì tốt các diện tích sản xuất lúa, nông dân Thới Lai cũng mạnh dạn phát triển trồng các loại rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, với diện tích gieo trồng dự kiến đạt trên 1.000ha, tăng hơn 210ha so với cùng kỳ năm trước.

Bài, ảnh: Khánh Trung

TP Cần Thơ nằm cặp sông Hậu, cách biển Đông khoảng 80km và cách biển Tây khoảng 60km. Do cách xa biển nên thời gian qua diện tích sản xuất trên địa bàn thành phố chưa bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino, lượng dòng chảy thiếu hụt trên sông Mê Công, nhiệt độ cao, trời nắng nóng đã gây nên tình trạng hạn hán, thiếu nước tại một số nơi, tác động xấu đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Nông dân sản xuất các loại cây trồng trong vụ hè thu phải tốn thêm nhiều chi phí bơm nước. Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, dự kiến sẽ có trên 26.000 ha lúa hè thu 2016 bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước, nhất là tại các vùng nằm cách xa sông Hậu, không thể lợi dụng thủy triều để dẫn nước vào ruộng. Thành phố dự kiến phải chuyển trên 8.600 ha đất lúa kém hiệu quả do thiếu nước tưới sang trồng các loại rau màu trên nền đất lúa.

Chia sẻ bài viết