26/02/2008 - 09:23

Khai mạc phiên họp thứ 6 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII

Cho ý kiến về dự án Luật năng lượng nguyên tử

* Sẽ tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 25-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XII đã khai mạc phiên họp thứ sáu dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các Phó Chủ tịch Quốc hội.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết: Phiên họp này được tiến hành từ 25-2 đến 1-3-2008, bàn và cho ý kiến về: 4 Dự án Luật: Bảo hiểm y tế, Năng lượng nguyên tử, Công vụ và Luật sĩ quan quân đội Việt Nam (sửa đổi); việc ban hành quy chế làm việc như Quy chế hoạt động đối ngoại của các cơ quan Quốc hội, Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển của nước ngoài tại các cơ quan của Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; phương án phân bổ số vượt thu ngân sách năm 2007 so với báo cáo Quốc hội và phương án sử dụng trái phiếu Chính phủ năm 2008; việc chuẩn bị kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII và một số vấn đề khác.

Trong sáng nay, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật năng lượng nguyên tử với sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên.

Về Dự án Luật này, nhiều đại biểu nhấn mạnh, cần phải có những quy định cụ thể, chi tiết hơn về các vấn đề như chức năng, nhiệm vụ của hai Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia; công tác quản lý nhà nước về an toàn hạt nhân trong các nhà máy điện hạt nhân; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; quỹ phát triển năng lượng nguyên tử; vấn đề bồi thường thiệt hại.... Cho ý kiến về hai Hội đồng Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia và Hội đồng An toàn hạt nhân Quốc gia (quy định tại Điều 9), các ủy viên UBTVQH Trần Thế Vượng (Trưởng ban Dân nguyện), Phùng Quốc Hiển (Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội) và các đại biểu khác đều băn khoăn việc quy định chức năng, nhiệm vụ của hai Hội đồng này là không rõ ràng, cần xem xét lại, nên quy định thêm chức năng thẩm định về chính sách, quy hoạch để đảm bảo phát triển năng lượng hạt nhân được an toàn. Việc thành lập Hội đồng phải có điều kiện cụ thể và cần phải làm rõ thêm. Trong Luật cần quy định rõ hơn về Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia. Sau khi nhà máy điện hạt nhân hoàn thành thì Hội đồng này có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc ra các quyết định có liên quan đến chính sách và các biện pháp bảo đảm an toàn hạt nhân trong sử dụng năng lượng nguyên tử.

Về việc lấy ý kiến của nhân dân trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đa số các đại biểu cho rằng, việc lấy ý kiến nhân dân thông qua hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân thay vì thông qua Ủy ban nhân dân như quy định của Dự thảo Luật, vì như thế sẽ phù hợp hơn với điều kiện thực tế ở nước ta. Một số ý kiến khác lại cho rằng nên bỏ điều kiện này, vì nếu lấy ý kiến của nhân dân sẽ có thể xảy ra những khó khăn như dân chưa hiểu hết về những vấn đề an toàn, an ninh của nhà máy điện hạt nhân sẽ cản trở cho việc Quốc hội quyết định triển khai, thực hiện dự án. Vì vậy, Điều 50 cần sửa lại theo hướng xin ý kiến nhân dân về các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh, các chính sách phúc lợi nhằm đảm bảo lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và dân cư trên địa bàn. Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải cách xa khu dân cư, đảm bảo các tiêu chí về môi trường, sinh thái cho người dân.

Về việc quản lý, thời hiệu bồi thường những người bị ảnh hưởng do chất phóng xạ gây ra, các Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Nguyễn Đức Kiên cho rằng, việc bồi thường này nên kéo dài thêm thời gian, bởi những người bị ảnh hưởng chất phóng xạ phải từ 10 năm sau mới gây hậu quả, vì vậy khó có thể xác minh được mức độ ảnh hưởng chất phóng xạ đối với con người để có thể bồi thường. Hoạt động thanh sát hạt nhân, các đại biểu đề nghị nên sửa đổi thành “Kiểm soát hạt nhân”, vì “thanh sát” là vấn đề nhạy cảm trong các quan hệ quốc tế. Việc quy định cứng trong Luật có thể sẽ khó khăn trong quan hệ quốc tế. “Kiểm soát hạt nhân” là hoạt động thường xuyên và cần thiết trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của cơ quan quản lý nhà nước. Quy định cụ thể về hoạt động kiểm soát hạt nhân giao Chính phủ ban hành.

Kết luận buổi họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu và lưu ý việc lấy ý kiến của nhân dân không phải lấy ý kiến về xây dựng địa điểm mà xin ý kiến nhân dân về các biện pháp và chính sách để đảm bảo an toàn, phúc lợi. Về thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân cần nghiên cứu kỹ, có thể kéo dài thêm thời gian, vì mức độ ảnh hưởng không có di chứng ngay mà nhiều năm sau mới phát hiện.

Cũng trong sáng 25-2, UBTVQH đã cho ý kiến về việc nâng Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử từ cấp phòng lên cấp vụ.

* Chiều 25-2, Ủy ban Thường vụ QH khóa XII xem xét, cho ý kiến về kế hoạch tổ chức và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ QH sắp tới.

Báo cáo tại phiên họp chiều 25-2, Trưởng ban Công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên cho biết, tính đến ngày 20-2, cơ quan này đã nhận được 21 câu hỏi chất vấn của 11 đại biểu QH. Các ý kiến đề nghị chất vấn Thủ tướng Chính phủ, một số thành viên Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ QH. Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho biết đã đủ điều kiện tổ chức chất vấn, trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ QH và các câu hỏi này cũng đã được gửi đến những người được yêu cầu trả lời chất vấn.

Đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH đều cho rằng cần xem xét, chọn lựa những ý kiến để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp tới của Ủy ban Thường vụ QH; tránh những câu hỏi chỉ mang tính nắm bắt thông tin.

Tán thành với việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Dư luận và nhân dân đang rất quan tâm và chờ đợi phiên chất vấn lần tới, đây là việc cần thiết phải thực hiện. Chủ tịch QH lưu ý các thành viên trong Ủy ban Thường vụ QH cần bám sát phạm vi quyền hạn và nhiệm vụ mà QH giao cho Ủy ban Thường vụ QH trong việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn. Việc chọn lựa các vấn đề chất vấn cần tập trung vào những ý kiến mà các đại biểu gửi đến Ủy ban Thường vụ QH giữa hai kỳ họp. Đặc biệt, cần chọn lọc những ý kiến bức xúc, thời sự xung quanh việc thực hiện pháp luật và các Nghị quyết của QH, nhất là những vấn đề như: Giá cả tăng cao trong thời gian qua, đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy…còn những vấn đề lớn khác thì nên đưa ra trong kỳ họp QH đề các đại biểu thảo luận. Chủ tịch QH lưu ý, cần xem xét, quyết định thành phần tham dự phiên chất vấn sao cho hợp lý, một mặt đảm bảo quyền lợi của người chất vấn; việc thực thi trách nhiệm của người trả lời chất vấn; đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch và dân chủ. Tuy nhiên, Chủ tịch QH cho rằng phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ QH chỉ nên tiến hành trong 1 ngày, nếu không trả lời hết có thể trả lời bằng văn bản. Về vấn đề có ra Nghị quyết sau chất vấn không, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đối với những vấn đề bức xúc, liên quan mật thiết đến đời sống của nhân dân thì phải ra Nghị quyết để đảm bảo thực hiện.n

LƯU THỊ THOAN - QUANG VŨ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết