09/02/2019 - 10:19

Cho đời thêm vui 

Dù là công chức Nhà nước, nông dân hay cựu chiến binh, mỗi người đều lặng thầm làm việc và cống hiến để đời có thêm nhiều niềm vui. Ở họ, luôn tràn đầy năng lượng, không ngại khó, không sợ thiệt, luôn nghĩ cho việc chung và lợi ích tập thể…

1. Hơn 10 năm nay, trên đường Nguyễn Việt Dũng, khu vực 3, phường An Thới, quận Bình Thủy, trước khi công nhân vệ sinh quét dọn đường phố mỗi đêm, có một người thầm lặng tiếp sức cho họ bằng cách quét lá cây, rác trên vỉa hè gọn gàng, sạch sẽ. Đó là ông Phạm Văn Hòa, cựu chiến binh và cũng là người cư ngụ trên tuyến đường này.

Ông Phạm Văn Hòa cần mẫn quét đường hơn 10 năm qua. Ảnh: CÁT ĐẰNG

Ông Phạm Văn Hòa cần mẫn quét đường hơn 10 năm qua. Ảnh: CÁT ĐẰNG

Tầm 9-10 giờ tối, khi đường sá đã thưa người, nhiều nhà đóng cửa, ông Hòa lại cầm chổi quét từ nhà ra đến ngã ba đường Nguyễn Việt Dũng và Cách Mạng Tháng Tám. Sau mỗi bước chân ông qua, từng nhịp chổi ông đưa, vỉa hè được trả lại vẻ sạch sẽ, thoáng đãng để sáng mai tuyến đường lại nhộn nhịp. “Trên đường có 2 trường học, 1 trạm y tế, phần vỉa hè 2 bên đường những chỗ này kéo dài và không có nhà dân nên không ai quét dọn, lá cây rụng nhiều. Tổ dân phố hay hội phụ nữ cũng định kỳ quét dọn vệ sinh chung nhưng tôi thấy quét mỗi ngày vẫn tốt hơn nên tự mình làm thôi!” – ông Hòa giải thích.      

Chưa hết, cứ vài ngày, ông Hòa lại đi cạo những giấy quảng cáo trái phép dán trên cột điện, bờ tường và phát những bụi cỏ bên đường. Đặc biệt, bà con trong khu phố còn nhớ những năm đầu đường Nguyễn Việt Dũng mới được tráng nhựa, trồng cây xanh, ông Phạm Văn Hòa và ông Ngô Quang Quỳnh là những người xin cây bằng lăng, xà cừ, cây bàng về trồng và chăm sóc, tưới nước mỗi ngày. Giờ đây, hai hàng cây đã cao lớn, tỏa bóng rợp mát hai bên đường.

Gần đây, khi khu vực 3, phường An Thới được quận Bình Thủy chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng mô hình “Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau”, gồm nhiều tổ với nhiều hoạt động ý nghĩa, ông Hòa được mọi người tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ quản lý chăm sóc cây xanh và xây dựng đường “Sáng - xanh - sạch - đẹp” và Tổ trưởng Tổ buôn bán lẻ trên tuyến đường Nguyễn Việt Dũng. Thế nên giờ đây ông Hòa còn tuyên truyền, vận động các hộ buôn bán chấp hành quy định của Nhà nước trong kinh doanh, thực hiện nếp sống văn minh đô thị cũng như hỗ trợ nhau trong vay vốn làm ăn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. 

2. Đến xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, hỏi thăm ông Trần Quang Phục, hầu như ai cũng biết, vì ông không chỉ là đại biểu HĐND xã 4 nhiệm kỳ mà còn là người hiến hàng ngàn mét vuông đất cho các công trình cầu, đường, trạm cấp nước sạch.

Ông Trần Quang Phục trên con đường được nâng cấp, mở rộng từ phần đất mà gia đình ông đã hiến. Ảnh: CÁT ĐẰNG

Ông Trần Quang Phục trên con đường được nâng cấp, mở rộng từ phần đất mà gia đình ông đã hiến. Ảnh: CÁT ĐẰNG

7 năm trước, khi bà con trong ấp Đông Mỹ chủ yếu dùng nước khoan hoặc nước sông, việc địa phương được xây dựng trạm cung cấp nước sạch là tin vui với mọi nhà. Tuy nhiên, nan giải là không có mặt bằng để đặt trạm. Không chần chừ, gia đình ông Phục hiến 600m2 đất để thực hiện công trình. Liên tiếp những năm sau, khi địa phương vận động nhân dân hiến đất để mở rộng cầu, đường xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Phục là một trong những hộ đi đầu. Tiêu biểu như hiến 2.000m2 đất để làm đường 4m dọc tuyến kinh Xáng Bộ vào năm 2013; hiến 1.000m2 đất để xây dựng 2 cây cầu bê tông ở kinh Ngang và kinh Đập Đá, thay thế cầu ván vào năm 2016, 2017… Ông Phục chia sẻ: “Từ trước đến nay, gia đình tôi đã hiến tổng cộng khoảng 6.500m2 đất cho các công trình cầu, đường, trạm cấp nước, nạo vét kinh thủy lợi. Tuy đất của mình bị thu hẹp nhưng bù lại đường sá rộng rãi, khang trang, hạ tầng giao thông phát triển, nhà nhà có nước sạch để sử dụng, bộ mặt nông thôn sáng đẹp nên tôi và gia đình rất vui, thấy việc mình làm có ích cho quê hương”.

Tinh thần lạc quan, luôn nghĩ cho việc chung ấy còn được ông Phục áp dụng vào công tác, với vai trò là Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp Đông Mỹ. Ông Phục tích cực cùng địa phương vận động nhân dân nâng cấp, xây dựng cầu đường bằng bê tông, xóa cầu khỉ, cầu ván, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới… Hằng năm, ông còn vận động kinh phí xã hội hóa để tổ chức Trung thu cho thiếu nhi trong ấp; vận động gạo, nhu yếu phẩm tặng hộ nghèo, hộ khó khăn vào dịp Rằm tháng Bảy.

Gia đình ông Phục còn là tấm gương vượt khó đi lên, chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế, con cái học hành đến nơi đến chốn và có việc làm ổn định. Từ năm 2015 đến nay, ông Phục mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái: vú sữa, xoài, dừa. Xen canh giữa vườn cây, ông trồng các loại rau màu: mướp, khổ qua, chuối xiêm, đậu đen để “lấy ngắn nuôi dài”, đồng thời, tận dụng rau màu làm thức ăn nuôi cá, tiết kiệm chi phí. Mô hình này đang phát huy hiệu quả, cho thu nhập cao và được các nông hộ nhân rộng.

3. Những năm qua phong trào văn nghệ của phường Thới An Đông, quận Bình Thủy phát triển mạnh, vừa nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân địa phương, vừa đạt nhiều thành tích cao trong các hội thi, hội diễn, liên hoan. Kết quả đó có sự đóng góp tích cực của chị Bùi Thị Diễm Hương, công chức văn hóa xã hội phường.

 Chị Bùi Thị Diễm Hương (bìa trái) biểu diễn cùng các thành viên CLB Đờn ca tài tử trong một chương trình giao lưu văn nghệ. Ảnh: CÁT ĐẰNG

Chị Bùi Thị Diễm Hương (bìa trái) biểu diễn cùng các thành viên CLB Đờn ca tài tử trong một chương trình giao lưu văn nghệ. Ảnh: CÁT ĐẰNG

Ngoài 30 tuổi, dáng người mảnh khảnh, ở chị Hương luôn toát lên sự năng động, nhiệt huyết, nổi bật nhất là phong trào văn nghệ. Từ việc hỗ trợ các khu vực gầy dựng CLB Đờn ca tài tử, tìm kiếm những nhân tổ có năng lực tham gia phong trào, tham mưu tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử và ca nhạc hằng năm ở phường, đến huy động lực lượng tham gia các hội thi, hội diễn cấp quận… đều không thể thiếu bàn tay quán xuyến, phụ trách của chị Hương.

Nhiều lần chứng kiến Hương làm việc, tập luyện mới thấy sự kiên trì, nhẫn nại, khéo léo và linh hoạt của chị. Để có được những tiết mục hoàn thiện, chương trình chỉn chu, Hương và các thành viên đội văn nghệ bỏ ra không ít thời gian, công sức. Do kinh phí có hạn nên các chương trình thi diễn của phường đều do chị Hương và đội tự biên, tự diễn, không thuê mướn bên ngoài. Nhiều thành viên trong đội văn nghệ kể: “Hương đa năng lắm, mỗi lần thi diễn, Hương là người viết kịch bản, sáng tác lời hát, biên đạo múa, dàn dựng chương trình và có khi tham gia biểu diễn nữa. Hương luôn theo sát và động viên anh chị em tích cực tập luyện, thi diễn dù đêm khuya hay ngày nghỉ, ngày lễ”.

Sự xông xáo, tích cực của Hương cùng sự đồng lòng, cố gắng của cả đội đã mang lại những giây phút ý nghĩa cho sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của địa phương.

* * *

Những gì mà ông Phạm Văn Hòa, ông Trần Quang Phục, chị Bùi Thị Diễm Hương đã và đang đóng góp cho địa phương đều được các cấp, các ngành ghi nhận, khen thưởng trong các phong trào văn hóa cơ sở, gương người tốt, việc tốt… Nhưng có lẽ, điều hạnh phúc nhất của họ chính là sống có ích cho đời, là có được tình cảm trân quý của mọi người.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết