29/01/2023 - 07:39

Chợ Cái Răng xưa 

Nguyễn Hữu Hiệp

Sơ thời, ngày 1-1-1868, huyện Phong Phú được sáp nhập với vùng Bãi Sào/Xàu (Sóc Trăng) lập thành quận, lập Tòa bố tại Sa Ðéc. Hạt Sa Ðéc (phủ Tân Thành) đặt lỵ sở tại Sa Ðéc gồm 3 huyện: Vĩnh An, An Xuyên và Phong Phú. Trong đó, huyện Phong Phú được phân cấp hành chính cơ sở gồm 8 tổng (3 tổng cũ, 5 tổng mới phía Nam sông Hậu). Vào thời điểm này ở huyện Phong Phú có 5 chợ chính là: Cần Thơ, Ô Môn, Bình Thủy, Trà Niềng và Cái Răng.

Nhà lồng chợ Cái Răng xưa. Nguồn ảnh: Sách "Cần Thơ phố cũ nét xưa".

An Hà nhựt báo mô tả: Năm 1897, toàn Cần Thơ có 10 chợ thì Cái Răng là 1 trong 10 chợ ấy. Chợ Cái Răng tại làng Thường Thạnh, tổng Ðịnh Bảo, ở bên phía hữu sông Cần Thơ. Từ chợ Cần Thơ đàng bên tả đi vô khỏi rạch Ðầu Sấu, qua cầu sắt bắc ngang sông Cần Thơ, đi tới nhà chợ, trước cửa công sở, ước chừng 6.000 thước. Chợ này khởi đầu do người Việt, người Hoa xúm nhau cất nhà xay lúa, bán hàng xén. Lần lần càng ngày càng thạnh, thiên hạ ở đông, bán buôn nên chợ, đến khi Pháp cai trị, mới lấy bạc công nho của làng Thường Thạnh, cất nhà chợ lớn, trở mặt qua vàm rạch Cái Răng, dọc theo mé sông và hai bên chợ đều cất phố lầu, trữ hàng hóa, bán buôn mạnh mẽ đặng đông giàu, đàng sá cống mương đều sạch sẽ, lại có năm cái nhà máy mua lúa, trên phố phường xe ngựa lớp lại lớp qua, dưới sông rạch thoàn tàu chiếc đi chiếc đậu, cất nhà trường một cái, xây công sở hai tầng, có nhà Dây thép, có bót Sơn đầm, có chùa Ðẩu công thờ chung Quan Ðế, trên bực thạch mé bờ xây kế kè, dưới ghe Chà bán thuốc đậu liền liền. Thơ xưa ca ngợi Phong cảnh chợ Cái Răng: Trên bờ hàng hóa luôn đầy dẫy / Dưới bến ghe xuồng đậu sáp giăng / Người nhóm buổi mai như biến núi / Ðèn lòa đêm tối giống sao trăng / Phép nghiêm đã có quan ra lịnh / Trừ lũ côn đồ hết khuấy nhăng.

Lý giải về tên chợ Cái Răng, nhiều tài liệu còn ghi lại, cho biết chợ nhộn nhịp trên bến dưới thuyền nên các ghe bán cà ràng ở "miệt trên" không thể không đến đây chọn bến cắm sào. Trước ít sau nhiều, nhiều mãi đến mức cà ràng trở thành mặt hàng "ngoại nhập" được người tiêu dùng ưa thích, chiếm tỷ trọng áp đảo, nên bến chợ này được bà con đặt gọi chợ "Cà Ràng" (âm từ tiếng kran hay karan), sau nói trại ra là "Cái Răng". Cụ Vương Hồng Sển cũng có ghi trong sách "Tự vị tiếng Việt miền Nam" (NXB Văn hóa, 1993) ở mục từ  "Cái Răng", trang 98: "Cà Ràng hình thù như con số 8 để nằm, một đầu là ba ông Táo lú đầu lên cao để đội nồi ơ siêu trách, còn một đầu kia nắn cái bụng chang bang dài dài vừa vặn với cây củi chụm, bụng này chứa được tro nhiều không rơi rớt ra ngoài, lại ấm cúng che kín gió, mau chín mau sôi. Truy nguyên ra, trong sách Pháp, Le Cisbassac chẳng hạn, và nhiều sách khác đã có từ lâu vẫn ghi Krôk Kran: rạch Cái Răng, nay cứ lấy điển này làm chắc, một đàng khác hỏi thăm người cố cựu bản xứ thuật rằng ngày xưa, không biết từ đời nào, nguyên người Thổ (Cơ Me) ở Xà Tón (Tri Tôn) chuyên làm nồi đất và "karan" chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông cái đến đậu ghe nơi chỗ này để bán, năm này qua năm nọ, chầy ngày người mình phát âm "karan" biến ra "Cái Răng" rồi trở nên địa danh thiệt thọ của chỗ này luôn".

Chợ Cái Răng "trên bến dưới thuyền". Ảnh: DUY KHÔI

Vì bán đủ các mặt hàng nông lâm thủy sản nên chợ Cái Răng xưa được xem là chợ chánh, sầm uất hơn cả chợ Cần Thơ - lỵ sở huyện Phong Phú (lúc bấy giờ thuộc làng Tân An, tổng Ðịnh Bảo). An Hà nhựt báo ghi nhận về sự sầm uất bậc nhất này của chợ Cái Răng thời xưa: "Chợ Cần Thơ chẳng hề hơn đặng, nhứt là ngày Tết, từ ngày 25 cho tới ngày 29 tháng Chạp, bán dưa, bán quýt, ghe cửa, ghe lồng, neo đậu chật sông, đông hơn các chợ!".

Sự sầm uất của chợ Cái Răng xưa có nguyên nhân từ việc trong những năm 1890-1929 Pháp đã xúc tiến đào các con kênh quan trọng nối liền giao thông thủy giữa Cần Thơ với các tỉnh khác trong vùng ÐBSCL như kinh xáng Ô Môn, kinh Xà No, Lái Hiếu, Xẻo Vong, Cái Sắn, Nàng Mau... Chỉ tính 2 thập niên đầu của thế kỷ XX, Pháp đã đào được 350km kinh nằm trong địa phận Cần Thơ. Do có kinh đào, nước ngọt phù sa từ sông Hậu đưa vào, tưới mát ruộng đồng, xổ phèn, công cuộc khai khẩn ruộng đất ngày càng nhanh, việc đi lại mua bán giao lưu tấp nập, sinh khí nông thôn Cần Thơ ngày càng nhộn nhịp hơn. Công cuộc khai hoang và phát triển sản xuất nông nghiệp thúc đẩy sự ra đời các cơ sở công nghiệp, chế biến nông sản và các ngành thương mại dịch vụ khác. Từ năm 1941, nhiều nhà máy xay xát, chành lúa thu mua chế biến gạo xuất khẩu được lập nên. Thị trấn Cái Răng và các vùng phụ cận trở thành kho tồn trữ chế biến cho các tỉnh miền Tây. Việc khai khẩn đất sản xuất nông nghiệp không ngừng mở rộng. Từ năm 1908 đến năm 1945 đất trồng lúa của Cần Thơ đạt từ 165.000 đến 189.000ha hằng năm. Trong 5 năm (1901-1906) sản lượng lúa bình quân của tỉnh đạt 116.000 tấn, đứng đầu trong khu vực, năng suất bình quân từ 1,2 tấn-1,3 tấn/ha.

Ngay từ những thập niên đầu thế kỷ XX, khi nông nghiệp xứ Cần Thơ đã cho thấy sự vươn lên rất đáng kể, thì việc buôn bán ở chợ Cái Răng lúc bấy giờ không chỉ sầm uất trên bến dưới thuyền, mà còn là ngôi chợ được mô tả rất chi là trữ tình, hào hoa. Sách "Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca", xuất bản năm 1909 hết lời khen tặng:

"Chợ Cái Răng xứ hào hoa,

Phố lầu hai dãy xinh đà quá xinh.

Có trường hát cất rộng thinh,

Ðể khi hứng cảnh thích tình

xướng ca".

Chia sẻ bài viết