Trong khi khách du lịch thường được miễn visa (thị thực) trong vòng 30 ngày thì Việt Nam chủ yếu miễn thị thực cho khách du lịch chỉ trong 15 ngày và không cho phép khách đã được miễn thị thực quay trở lại trong vòng 30 ngày.
Ông Trần Trọng Kiên, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia.
Ông Trần Trọng Kiên, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia, đã trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về chính sách miễn thị thực khuyến khích du khách đến Việt Nam.
Thủ tướng đã quyết định gia hạn miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu lên 3 năm thay vì 1 năm như trước đây, từ 1/7. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả bước đầu của việc mở rộng chính sách visa này?
Đầu tiên tôi phải nói rằng, đây là một chính sách rất tốt của Chính phủ trong việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh du lịch của Việt Nam, chúng ta đã có những bước tiến rõ rệt trong 2 năm vừa qua về du lịch và trung bình mỗi năm chúng ta tăng trưởng 30% và lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam năm nay có thể đạt 16 triệu lượt.
Tuy nhiên, chúng ta cần tiếp tục cải thiện hơn môi trường để đảm bảo cho mục tiêu tới năm 2020 đón được 20 triệu lượt khách quốc tế, đặc biệt là thu nhập từ khách quốc tế tăng lên trong các năm tiếp theo. Chính sách miễn thị thực của chúng ta trước kia thì gia hạn vào tháng 6 hằng năm cho 1 năm tiếp theo dành cho 5 nước Tây Âu. Năm nay Thủ tướng đã quyết định gia hạn trong vòng 3 năm đã có hiệu quả rất tốt.
Thứ nhất, cho phép doanh nghiệp du lịch, hàng không lập kế hoạch kinh doanh dài hơi hơn một chút so với trước đây.
Thứ hai là thể hiện chính sách của Chính phủ đối với du lịch rất quan trọng; đó là mở cửa và đón chào khách đến Việt Nam.
Thứ ba là tiền đề tốt để tiếp tục nghiên cứu các chính sách du lịch tiếp theo.
Về chính sách miễn thị thực, Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia đã có thư gửi Thủ tướng trong đó giải thích và phân tích rõ những lợi ích của việc tiếp tục gia hạn và mở rộng chính sách miễn thị thực của Việt Nam.
Tới thời điểm này, đã có một thống kê nào về lượng khách du lịch từ các thị trường tiềm năng trong dịp hè 2018 chưa, thưa ông?
Thị trường Tây Âu hiện tại mỗi năm tới Việt Nam là khoảng 1 triệu khách du lịch. Các thị trường này có sức chi trả rất cao, thời gian lưu trú dài, tăng trưởng ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị và thực sự là thị trường mà hầu hết các quốc gia du lịch trong khu vực đều muốn nhắm đến.
Ba năm gần đây, lượng khách du lịch từ các thị trường Tây Âu mà chúng ta đã miễn thị thực tăng trưởng rất ổn định và đều trên 10%. Đây là mức tăng trưởng rất tốt. Tuy nhiên, phải thấy rằng, chúng ta đang ở mức thấp so với các nước đang cạnh tranh như Thái Lan chẳng hạn. Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng đón 1 triệu khách du lịch đến từ Anh, 1 triệu khách đến từ Đức, hơn 1 triệu khách của Pháp tới Việt Nam nếu chúng ta đặt mục tiêu như ngưỡng của Thái Lan mà chúng ta đang còn rất xa so với ngưỡng như vậy.
Tôi tin rằng chính sách cởi mở thêm 3 năm tới về chính sách thị thực sẽ giúp chúng ta đạt được những mục tiêu như vậy. Theo con số từ Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến nước ta 6 tháng đầu năm 2018 ước tính đạt gần 8 triệu lượt người, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Chúng ta còn phải bảo đảm nhiều việc khác như công tác xúc tiến, quảng bá, môi trường, hạ tầng… phải tốt để đảm bảo du khách đến và quay trở lại. Nhưng bước đầu tiên chúng ta mở được về thị thực đã là rất tốt.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp du lịch đã chuẩn bị được những gì để chờ đón dòng khách này và các hoạt động xúc tiến tại các thị trường Tây Âu ra sao để thông tin rộng rãi tới các thị trường đó, thưa ông?
Hiện tại việc xúc tiến ở tầm quốc gia chúng ta đã làm được nhiều việc ở thị trường Tây Âu. Những hoạt động được quảng bá ở châu Âu như World Travel Market tháng 11/2017… chúng ta có những hoạt động quảng bá dài hơi tới 2020. Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia cũng đang hỗ trợ các hoạt động xúc tiến du lịch sao cho hiệu quả nhất.
Chúng ta cũng đang đầu tư mạnh vào trang thông tin điện tử quảng bá mới về du lịch Việt Nam (portal.travel). Chất lượng trang thông tin đang được cải thiện, lượng truy nhập tăng và 2 năm tới hy vọng sẽ đạt ngưỡng truy nhập ngang với những trang của Singapore, Thái Lan.
Chúng ta cũng đang tăng cường quảng bá qua các chương trình roadshow. Thời gian qua Tổng cục Du lịch đã tổ chức roadshow tại 4 thành phố mới: Zurich (Thụy Sĩ), Vienna (Áo), Praha (Czech) và Budapest (Hungary).
Các công ty và hãng hàng không đã biết chắc chắn là 3 năm tới được miễn thị thực cho du khách, nhiều doanh nghiệp đã tăng ngân sách để đầu tư cho quảng bá tại thị trường Tây Âu cho năm 2018-2020 với mức cao hơn rất nhiều. Như vậy, hiệu quả hiệu ứng rơi vào các năm tiếp theo tôi sẽ rất tốt.
Không chỉ riêng với thị trường Tây Âu, trong đề xuất hồi tháng 3 của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam thì vẫn còn các thị trường tiềm năng mà chúng ta đang chưa có những chính sách visa thông thoáng. Sắp tới các cơ quan có đề xuất với Chính phủ như thế nào về cơ hội này và những hiệu quả mà các thị trường đó có thể đem lại cho du lịch Việt Nam như thế nào thưa ông?
Nghị định 19 của Chính phủ hồi tháng 5 vừa qua đã nói rất rõ mục tiêu mà chúng ta đạt được là tăng năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam trong chỉ số của Diễn đàn Kinh tế thế giới lên 10 bậc tức là từ 67 lên 57. Muốn được như vậy thì một trong những giải pháp có thể làm và làm nhanh là tiếp tục mở rộng chính sách miễn thị thực.
Hiện tại chúng ta mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia mức 15 ngày và không được quay lại trong thời gian 3 tháng. Chúng ta có thể cải thiện chuyện đó, không hạn chế việc 15 ngày mà mở rộng thành 30 ngày vì hầu hết khách đến từ các nước Tây Âu, vùng xa tới thì họ thường phải lưu trú dài hơn 15 ngày. Kỳ nghỉ các nước châu Âu nói chung là dài, Australia cũng vậy, đều trên 3 tuần. Và chúng ta kỳ vọng họ sẽ ở lại Việt Nam trên 15 ngày.
Chúng ta không nên hạn chế việc quay lại mà còn phải mong muốn họ quay lại nhiều hơn. Đây cũng là chỉ số quan trọng trong du lịch, muốn vậy thì phải mở chính sách thị thực. Bên cạnh đó, một số thị trường có mức rủi ro thấp trong an ninh an toàn thì hoàn toàn có thể động viên họ bằng cách mở rộng chính sách visa. Chúng tôi có đề xuất với Chính phủ cân nhắc một số thị trường như Australia, New Zealand, Canada, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan – là các thị trường tiềm năng cao; vì vậy nên miễn thị thực với mức 30 ngày và không hạn chế quay lại thường xuyên. Nếu thực hiện được như vậy, tôi tin rằng, thị trường đó sẽ phát triển rất bền vững.
Australia cũng có thể đạt 1 triệu khách du lịch tới Việt Nam trong 5-10 năm tới, các thị trường khác có thể kỳ vọng mức tăng trưởng là 20% bằng chính sách thị thực tốt.
Ngoài ra, chúng ta cần thay đổi các vấn đề khác liên quan tới chính sách visa với du khách nước ngoài như thế nào để đảm bảo mục tiêu Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đề ra thưa ông?
Chính sách e-visa của chúng ta trong những năm qua rất tốt, với việc thực hiện e-visa cho 44 nước và có thể tiếp tục mở tiếp, cải thiện tốc độ truy cập, cải thiện cách tiếp thị website e-visa, cải thiện quy trình để đơn giản và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và Tổng cục Du lịch cần tiếp tục quảng bá cho vấn đề này một cách mạnh mẽ hơn nữa.
Thứ hai, phải cải thiện chính sách cấp visa tại cửa khẩu. Hiện tại việc này rất phức tạp và không hiệu quả, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể làm đơn giản hơn.
Tiếp đó, cần cân nhắc “visa transit” (thị thực quá cảnh) cho khách đến Việt Nam có cơ hội trải nghiệm trong vòng 72 tiếng hoặc 48 tiếng mà không cần thị thực. Hầu hết các nước có hàng không phát triển đều có chính sách này. Họ cho phép du khách trải nghiệm đất nước của họ trong bằng đó thời gian mà không cần bất kỳ yêu cầu gì. Việc này sẽ giúp nhiều cho các hãng hàng không Việt Nam, các hãng hàng không đang muốn tiếp cận Việt Nam, cũng tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm Việt Nam trong thời gian ngắn và sau đó sẽ đặt kế hoạch quay lại nghỉ dưỡng dài hơn.
Theo Báo Điện tử Chính phủ