Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số là một trong những nội dung của chương trình cải cách hành chính nhà nước được các cấp, các ngành TP Cần Thơ tập trung triển khai thực hiện. Bên cạnh giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), việc chuyển đổi số (CÐS) trong các cơ quan hành chính góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch.

Cán bộ Chi cục Thuế quận Ninh Kiều hướng dẫn hộ kinh doanh cài đặt ứng dụng eTax Mobile trên điện thoại, kết hợp tuyên truyền các TTHC lĩnh vực thuế. Ảnh: CTV
Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương nỗ lực triển khai nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, từ phát triển xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu đến các nền tảng, dịch vụ quản trị, điều hành của cơ quan hành chính và phục vụ người dân. Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, đến nay, tất cả sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã thành lập ban chỉ đạo về CĐS. Tất cả xã, phường, thị trấn đã thành lập và kiện toàn tổ công nghệ số cộng đồng, đồng thời thiết lập mạng lưới hạ tầng hỗ trợ tổ công nghệ số cộng đồng từ cấp thành phố đến người dân thông qua 5 cấp nhóm trên nền tảng Zalo. Về kết quả xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật, đến cuối năm 2024, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn, các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội. 65% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã thực hiện đầu tư mua sắm, bố trí trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ CĐS và Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030).
Nhiều nền tảng số phục vụ người dân, doanh nghiệp được hoàn thiện, như: tổng đài Cổng dịch vụ công (DVC) thành phố 1022, nền tảng trợ lý ảo nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thực hiện TTHC và DVC trực tuyến. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố được kết nối, khai thác thông tin, dữ liệu dân cư với các dịch vụ của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần để người dân thuận lợi hơn khi thực hiện TTHC. Anh Nguyễn Văn Trường, hộ kinh doanh ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, cho biết: “Tôi được cán bộ hướng dẫn cài đặt ứng dụng eTax Mobile để đóng thuế trên điện thoại di động và các kỹ năng thanh toán điện tử, khai và nộp thuế điện tử; hướng dẫn cách thức thực hiện TTHC qua DVC trực tuyến. Tôi thấy việc thực hiện hồ sơ qua mạng rất tiện ích vì vừa tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí và có thể theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ của ngành chức năng”. Chị Lê Thị Ngọc Bích ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, cho biết, chị thực hiện thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông qua Cổng DVC của Bộ Công an và chọn dịch vụ bưu chính công ích nên không phải đến trực tiếp Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP Cần Thơ.
Các cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực tiếp tục được hoàn thiện gồm dữ liệu về dân cư, hộ tịch, y tế, đất đai, doanh nghiệp, bảo hiểm. Kho dữ liệu dùng chung đã tích hợp các cơ sở dữ liệu: công dân, doanh nghiệp, TTHC, hồ sơ, danh mục dùng chung, quản lý văn bản, đất đai… Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giúp nâng cao chất lượng cung cấp DVC, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, năm 2024, các DVC trực tuyến đạt kết quả khả quan: tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 74%, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến có ký số đạt 70,1%, tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên tổng số hồ sơ có thu phí đạt 52,7%, tỷ lệ hồ sơ có ký số kết quả và thành phần hồ sơ đạt 82,5%.
Bên cạnh kết quả đạt được, nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn. Đó là các cơ sở dữ liệu của bộ, ngành chưa được chia sẻ toàn bộ dữ liệu hoặc chưa tích hợp về Kho dữ liệu thành phố; trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ CĐS tại một số cơ quan, đơn vị đang xuống cấp, chưa được đầu tư đồng bộ. Nguồn nhân lực quản lý, triển khai CĐS trong các cơ quan, đơn vị còn thiếu. Công chức, viên chức tại Bộ phận Một cửa các cấp chủ yếu kiêm nhiệm phải phụ trách nhiều công việc chuyên môn, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC còn hạn chế nhất định. Điều kiện tiếp cận công nghệ số, kỹ năng số của một bộ phận người dân còn hạn chế, đặc biệt là vùng nông thôn trong việc tiếp cận sử dụng các DVC trực tuyến.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện cải cách hành chính và CĐS của các cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò ban chỉ đạo cải cách hành chính và CĐS các cấp. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng DVC trực tuyến; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần thúc đẩy CĐS trong các cơ quan hành chính nhà nước.