28/01/2009 - 09:20

"Chinh phục" lục địa đen

Tôi nhớ trong một hội thảo về cải tạo đất phèn, mặn, bên lề hội thảo, Giáo sư Tiến sĩ Võ- Tòng Xuân bày tỏ: “Không có đất xấu, chỉ có “đất có vấn đề”. Và người làm khoa học phải làm sao giải quyết vấn đề đó để đất xanh lên màu xanh của cây trái, để đất nở hoa…”. Một lần nữa, tôi càng hiểu hơn ý nghĩa khoa học trong lời nói về đất của Giáo sư Xuân khi cùng bước chân của ông, các giống lúa Việt Nam đã và đang trổ bông trên những vùng đất châu Phi xa xôi. Và theo đó, một con đường mới cho nông dân ĐBSCL dần mở ra…

Những cây lúa Việt Nam đã xanh trên đồng đất Nigieria.
Ảnh: Tư liệu của GS Võ – Tòng Xuân 

Nhật ký công tác của GSTS Võ- Tòng Xuân tràn ngập những hình ảnh của đất nước và con người châu Phi. Khởi đầu, đó là ảnh của những vùng đất mênh mông được chụp từ trên cao; ảnh của những người phụ nữ đội dầu cọ đi bán; ảnh những đứa trẻ gầy nhom, trên mình chỉ độc chiếc quần... Và rồi hơn 1 năm sau, trang nhật ký đã có âm thanh của tiếng cười, có màu vàng của những hạt giống đầu tiên được gieo trên đất châu Phi, có màu xanh của lúa... Theo thời gian, những dòng nhật ký càng chan chứa niềm tin và hy vọng...

“Cộng hòa Sierra Leone (Tây Phi châu), từ 31-05 đến 06-06-2006...

Được UBND tỉnh An Giang cho phép và nhận lời mời của Bộ trưởng Nông nghiệp và An toàn lương thực Sama Monde của Sierra Leone, tôi lên đường khảo sát khả năng sản xuất lương thực của quốc gia vùng Tây Phi này, một quốc gia vừa lập lại hòa bình sau hơn 11 năm chiến tranh thảm khốc... Bộ Nông nghiệp và An toàn lương thực của Sierra Leone đã đưa tôi đi khảo sát các vùng đất lúa khác nhau của Sierra Leone, từ thung lũng đến vùng ven sông, ra đến vùng đất lúa ven biển và thăm Trung tâm nghiên cứu lúa Rokupr- một cơ sở nghiên cứu lúa được Anh quốc xây dựng từ năm 1932, có thể là lâu đời nhất ở châu Phi...”.

* Thưa Giáo sư, duyên nợ nào đã đưa ông đến với những vùng đất châu Phi xa xôi, như: Sierra Leone, Nigieria, Ghana...?

- Đất nước mình đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, địa phương nào cũng muốn xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị mới... Đất trồng lúa ngày càng thu hẹp. Chính vì vậy, lâu nay, tôi luôn ấp ủ ý tưởng đưa nông dân xuất ngoại trồng lúa.

Năm 2006, thông qua một nhóm Việt kiều Đức, tôi gặp vị đại sứ Sierra Leone ở Bắc Kinh. Gặp tôi, ông đại sứ kể, Tổng thống nước ông khi lên nhậm chức đã hứa với quốc dân đồng bào trong vòng 5 năm sẽ không để người dân Sierra Leone nào phải chịu bụng đói đi ngủ. Thế nhưng, 3 năm qua rồi mà vẫn chưa có chuyển biến gì. Nghe chuyện của ông đại sứ Sierra Leone, tôi suy nghĩ nhiều lắm. Tôi nghĩ Việt Nam mình từ chỗ thiếu ăn đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới, thì mình có thể đem kinh nghiệm ra giúp Sierra Leone. Vậy là, tôi hứa với ông đại sứ và ông xúc tiến sắp xếp cho tôi sang Sierra Leone để khảo sát đất đai. Chuyến đi đầu tiên, tôi tự xuất tiền túi để trang trải mọi chi phí. Một tuần lễ ở Sierra Leone, tôi đã đi khắp nơi, tiếp xúc, trao đổi với các trưởng bộ lạc và nông dân để tìm hiểu tập quán làm ăn của họ. Tôi cũng thảo luận với các nhân viên nghiên cứu lúa ở Rokupr để tìm hiểu những khó khăn trong nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật.

* Từ khảo sát thực tế, Giáo sư đã nhận ra những triển vọng gì của Sierra Leone?

- Sierra Leone có khoảng 1 triệu ha đất thích hợp trồng lúa, có hai mùa mưa- nắng tương tự như ĐBSCL, có 6 con sông lớn nước ngọt quanh năm. Điều kiện thiên nhiên của Sierra Leone tương đối thuận lợi nhưng khó khăn lớn nhất là họ chưa có kỹ thuật thích hợp như ở ĐBSCL; chưa có hệ thống thủy lợi nào được xây dựng. Qua khảo sát và thảo luận, tôi thấy đại bộ phận nông dân Sierra Leone vẫn trồng lúa quảng canh mỗi năm một vụ. Họ dùng giống lúa cổ truyền dài ngày- từ 140 đến 170 ngày. Nước tưới hoàn toàn lệ thuộc vào nguồn nước trời. Nông dân Sierra Leone cũng chưa nắm được kỹ thuật trồng lúa tiên tiến. Chính vì vậy, năng suất chỉ đạt 2- 3 tấn/ ha. Khi nghe tôi kể ở ĐBSCL, Nhà nước xây dựng hệ thống thủy lợi và nông dân be bờ, chủ động điều khiển nước ruộng để sạ lúa 100 ngày và đạt 4- 7 tấn/ ha, mỗi năm trồng 2- 3 vụ lúa, nông dân Sierra Leone rất ngạc nhiên.

Từ kết quả khảo sát thực tế, tôi bắt tay vào viết dự án sơ khởi, kinh phí 78.000 USD. Sau hơn 1 năm vận động kinh phí đầu tư, “Nhóm công tác An toàn lương thực Sierra Leone” được thành lập và sang quốc gia có 5 triệu dân- 1 triệu ha đất trồng lúa. Chuyến đi nhằm thiết lập một điểm thực nghiệm những kỹ thuật sản xuất lúa của ĐBSCL; xác định khả năng của một số giống lúa triển vọng; xác định qui trình canh tác tối hảo cho những giống lúa đã được tuyển chọn; thử nghiệm một số hệ thống canh tác lúa với các cây trồng cạn có giá trị kinh tế địa phương như: đậu đỗ, rau cải, lúa miến...

*

* *

“Cộng hòa Sierra Leone (Tây Phi châu), từ 21 đến 27-8-2007...

“Nhóm công tác An toàn lương thực Sierra Leone” đến Sierra Leone, trình bày dự án với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp- An toàn lương thực Sierra Leone. Bộ Nông nghiệp- An toàn lương thực Sierra Leone đã đồng ý giao 200 ha đất ở làng Mange Bureh để chúng tôi triển khai các hoạt động nghiên cứu.

Chúng tôi đã chính thức gặp dân làng Mange Bureh trong 2 buổi họp. Khi nghe điểm nghiên cứu lúa của nhóm chuyên gia Việt Nam được Bộ Nông nghiệp- An toàn lương thực đưa về làng mình, dân làng đã nhảy múa vui mừng...

Ngày 23 và 24-8-2007: nhóm chuyên viên- gồm 2 kỹ sư thủy lợi và 2 kỹ sư nông nghiệp- xuống điểm công tác tại Mange Bureh và Trại nghiên cứu lúa Rokupr để bắt đầu công việc”.

* Thưa Giáo sư, ông có nhận xét rằng kỹ thuật và cách làm của phương Tây không được dân bản xứ áp dụng do không thích nghi với điều kiện sinh thái hoặc không thích hợp với đặc tính xã hội. Vậy, Giáo sư sẽ khắc phục những điểm yếu này bằng cách nào?

- Mặc dù Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước phát triển tăng viện trợ cho châu Phi và tập trung kinh phí cho các tổ chức nghiên cứu phát triển nông nghiệp ở vùng đất này, nhưng số người thiếu đói của châu Phi không hề giảm. Thông thường, các tổ chức tài trợ hoặc tư vấn cho các nước châu Phi chỉ đưa chuyên gia sang một thời gian ngắn rồi về, để cho bộ máy khuyến nông của địa phương tự vận động. Họ không chuyển giao kỹ thuật cho nông dân nên nông dân vẫn lạc hậu, châu Phi vẫn thiếu đói.

Tôi nhớ những năm đầu mới giải phóng, các giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ đã đến tận các vùng nông thôn sâu, xa “hùn” khoa học kỹ thuật với bà con nông dân để nâng cao năng suất lúa. Cán bộ kỹ thuật làm việc trực tiếp với nông dân, rồi nông dân này truyền lại cho nông dân kia. Cứ như vậy, từ một lượng nhỏ nông dân ban đầu đã tăng lên hàng ngàn, hàng triệu nông dân được tập huấn kỹ thuật. Tôi thấy cách đào tạo này rất hay, bởi nếu mình tìm một ông cán bộ khuyến nông ở nơi khác mang về địa phương đó đào tạo thì cũng chỉ được một thời gian, ổng sẽ đi mất. Còn mình chọn nông dân để đào tạo thì khi làm xong mình về, nông dân vẫn còn ở lại với đất của họ.

Từ những thực tế trên, tôi nhận thấy, nông dân Sierra Leone cần được hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, nhân viên nông nghiệp của các địa phương phải được huấn luyện tại chỗ. Tôi tin tưởng mãnh liệt rằng Việt Nam sẽ giúp được Sierra Leone thoát khỏi đói nghèo bởi cách giúp của Việt Nam rất độc đáo, chưa một tổ chức nào thực hiện ở Sierra Leone cũng như ở châu Phi. Đó là đưa nông dân Việt Nam sang dạy cho nông dân Sierra Leone trồng lúa theo hình thức tổ sản xuất 1+4 (tức 1 nông dân Việt Nam sẽ kèm cặp 4 nông dân Sierra Leone).

* Hơn 1 năm qua, nhóm chuyên viên Việt Nam đã đạt được những kết quả gì ở Sierra Leone, thưa Giáo sư?

- Hành trang của chúng tôi mang theo sang Sierra Leone là 50 giống lúa cao sản và 10 giống lúa chất lượng cao. Tất cả 60 giống đều là giống của ĐBSCL. Các giống lúa được trồng thử nghiệm tại khu Mange Bureh và tại Trại nghiên cứu Rokupr. Song song đó, các kỹ sư thủy lợi thiết kế hệ thống tưới tiêu 200ha tại khu thực nghiệm Mange Bureh và xây dựng hệ thống tưới tiêu theo thiết kế... Các chuyên gia Việt Nam đã lập nên kỳ tích: trồng được 2 vụ lúa, năng suất đạt khoảng 4,7 tấn/ ha. Thời gian sinh trưởng của cây lúa chỉ từ 95 đến 100 ngày. Không những thế, các chuyên gia còn tích trữ được lượng lúa giống đủ để gieo trồng ở diện rộng.

 GS Võ – Tòng Xuân (thứ 2, từ phải sang) trao đổi với chuyên gia nông nghiệp của Sierra Leone. Ảnh: Tư liệu của GS Võ – Tòng Xuân

Các thí nghiệm tại Trung tâm Mange Bureh cho thấy đất ở đây là đất thịt, giàu hữu cơ nhưng cỏ tranh rất nhiều. Do thiếu phương tiện làm đất nên cỏ mọc lại rất nhanh. Cần phải đầu tư máy cày chảo cho vùng này. Còn ở Trung tâm nghiên cứu lúa Rokupr, lúa phát triển tương đối khá nhưng nở bụi chưa tốt vì bón phân chưa đúng chủng loại và liều lượng. Vùng này là vùng đất phèn, thiếu lân và đạm. Chúng tôi đã xác định được một số giống lúa thích hợp như: MTL 548 và 571, OM 4668 và 5625, MNL 14...

* Thưa Giáo sư, chắc chắn rằng chương trình sẽ không chỉ dừng lại ở cây lúa hay dừng lại ở một đất nước Sierra Leone?

- Sau Sierra Leone, tôi đã tiếp tục khảo sát Nigieria và Ghana, theo đơn đặt hàng của Công ty T4M- một công ty kinh doanh đa lĩnh vực ở Anh quốc. Thổ nhưỡng của Nigieria và Ghana tương đối giống ĐBSCL, nhưng đất đai kém màu mỡ hơn. Đặc biệt, Nigieria có đồng bằng sông Niger rất trù phú. Chính phủ Nigieria đã thành lập Ủy ban phát triển đồng bằng sông Niger và hằng năm đầu tư cho vùng này hàng chục triệu USD. Công ty T4M có năng lực tài chính khá mạnh và đã được Chính phủ Anh đồng ý cho vay 36 triệu USD để đầu tư vào dự án này.

Châu Phi có tiềm năng rất phong phú, đất đai thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng. Thị trường cũng rất rộng lớn. Sau cây lúa, tôi dự định đưa sang cây bắp. Người dân Nigieria rất thích ăn bắp nhưng giống bắp của họ là bắp công nghiệp, không ngon. Ngoài ra, còn có thể trồng rau để cung cấp cho các đô thị lớn; phát triển chăn nuôi, nuôi thủy sản trên vùng đất này.

* Giáo sư tin nông dân ĐBSCL có khả năng “bước ra thế giới”? Và bao giờ những người nông dân đầu tiên sẽ đặt bước chân lên máy bay sang các nước châu Phi, thưa Giáo sư?

- Với những đức tính cần cù, chịu khó học hỏi cộng với những kỹ thuật tiên tiến đã được trang bị và những kinh nghiệm tích lũy được lâu nay, nông dân ĐBSCL hoàn toàn có thể trở thành chuyên gia để hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa cho nông dân châu Phi. Những nông dân tham gia vào dự án cũng sẽ được học ngoại ngữ để có thể giao tiếp thông thường, được trang bị những kiến thức về tổ chức, quản lý sản xuất, con người.

Hiện nay, 25 nông dân ĐBSCL đã có sẵn visa. Lẽ ra các nông dân này đã lên đường, nhưng do có trục trặc một số vấn đề đất đai ở Sierra Leone nên phải chậm lại. Còn ở Nigieria và Ghana thuận lợi hơn. Với những xúc tiến mạnh mẽ của công ty T4M, nếu mọi việc suôn sẻ, từ thủ tục cho đến vấn đề tài chánh, những nông dân đầu tiên của ĐBSCL có thể sang châu Phi vào tháng 4-2009. Tôi tính toán, một nông dân sang châu Phi theo dự án này, ban đầu, mỗi tháng có thể thu nhập khoảng 500 USD, thừa sức gởi về nuôi gia đình.

Về lâu dài, có thể mở rộng dự án cho cả nông dân ở các vùng khác, chứ không chỉ riêng gì ĐBSCL. Để làm được việc này một cách hiệu quả, cần có sự tham gia của Trung ương, cụ thể là của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Ngoại giao. Giữa Việt Nam và các nước châu Phi có nông dân Việt Nam sang làm việc phải ký kết thỏa thuận để đảm bảo an toàn và quyền lợi cho nông dân Việt Nam.

*

* *

“Phó Tổng thống Sierra Leone- Solomon Berewa- nói rằng nếu Việt Nam giúp Sierra Leone thử nghiệm và tổ chức sản xuất lương thực theo kỹ thuật của ĐBSCL thì không những nông dân Sierra Leone được no ấm mà Việt Nam còn có thể cùng Sierra Leone xuất khẩu gạo trực tiếp từ cảng Freetown của Sierra Leone đến các nước Tây Phi.

... Mục tiêu sâu xa của chương trình này: mở đường cho lao động nông nghiệp Việt Nam có thêm đất sản xuất. Nông dân đi sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành khác của nước ta, như: công nghiệp, dịch vụ...”.

Tôi đọc đi đọc lại những dòng nhật ký công tác của Giáo sư Võ- Tòng Xuân. Những ý tưởng thấm đượm tình người đang mở ra những con đường mới để nông dân Việt Nam có cơ hội làm giàu bằng tri thức, kinh nghiệm của mình và cũng để Việt Nam khẳng định vai trò, vị trí trên trường quốc tế.

Sỹ Huiên (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết