23/07/2019 - 07:32

Chiêu bài phiên bản người đóng của Disney 

Năm 2019, Disney thể hiện thế mạnh khi tung ra hàng loạt tác phẩm phiên bản người đóng, từ “Dumbo” (29-3) đến “Aladdin” (24-5) và bây giờ là “The Lion King” (19-7), sắp tới lại là “Maleficent 2: Mistress of Evil” (tháng 10) và “Lady and the Tramp” (tháng 11).

“The Lion King” phiên bản 2019.

Từ năm 2010, khi phiên bản người đóng “Alice in Wonderland” đạt doanh thu trên tỉ USD, Disney đã có ý tưởng lấy loại hình này làm "át chủ bài" mới của hãng. Chiêu bài của Disney hiệu quả khi phiên bản người đóng của các phim hoạt hình đã thu về hơn 5,3 tỉ USD. Trong đó  không ít tác phẩm có doanh thu khủng: “The Jungle Book” (2016, trên 966 triệu USD), “Beauty and The Beast” (2017, trên 1,2 tỉ USD). Không chỉ lợi nhuận, các phim phiên bản người đóng của Disney còn kiến tạo một thế giới điện ảnh mới. Sean Bailey, Chủ tịch sản xuất của Disney, từng nói: “Iron Man, Thor và Captain America là các siêu anh hùng của Marvel; có lẽ Alice, Cinderella, Mowgli, Belle là các siêu anh hùng của chúng tôi, còn Cruella, Maleficent là những ác nhân”. Disney tham vọng tạo một đế chế mới từ cổ tích, tương tự như Marvel đã tạo ra đế chế siêu anh hùng.

Thực tế, Disney cũng không thành công 100% với các phiên bản người đóng, khi không ít tác phẩm thất bại, nhưng hãng vẫn kiên trì vì ít ra điều này làm cho các thương hiệu cũ sống lại và đây cũng là nét riêng của Disney trước sự cạnh tranh khốc liệt giữa thị trường điện ảnh.

Trở lại năm 2019, đây có lẽ là năm Disney ra mắt nhiều phim người đóng nhất trong thời gian qua, với ít nhất 6 tác phẩm đã lộ diện và ấn định thời gian ra mắt. “Dumbo” mặc dù không thành công như kỳ vọng, nhưng vẫn mang về lợi nhuận gấp đôi (kinh phí 170 triệu USD, doanh thu trên 352 triệu USD). “Aladdin” gây tranh cãi, nhưng là bản phim thành công khi mang về lợi nhuận gấp 5 lần (doanh thu 965 triệu USD, hiện là phim có doanh thu cao thứ ba năm 2019). “The Lion King” đang được kỳ vọng làm nên đột phá mới cho Disney, bởi phim hoạt hình “The Lion King” (1994) là huyền thoại của kho tàng hoạt hình thế giới. Phim đã từng giải Oscar cho Nhạc phim xuất sắc, hai giải Quả cầu vàng cho Phim ca nhạc hay nhất và Nhạc phim hay nhất. Đứng sau bản “The Lion King” (2019) là Jon Favreau - vị đạo diễn làm nên thành công cho phiên bản người đóng “The Jungle Book” (2016).

Ở buổi ra mắt sớm tại Los Angeles, “The Lion King” đã nhận rất nhiều lời khen từ giới truyền thông và các nhà phê bình. Brandon Davis, cây bút của ComicBook, nói: ““The Lion King” mãn nhãn và đáng kinh ngạc. Tôi chưa từng thấy điều gì như thế này trong một phim hoạt hình. Thật sự quá đẹp”. Trong khi đó, Steven Weintraub của tờ Collider, cho biết: “Tôi đã được tham dự nhiều buổi ra mắt phim nhưng chưa bao giờ nghe thấy nhiều tiếng vỗ tay như khi xem “The Lion King”. Phim này chắc chắn sẽ kiếm bội tiền”. Peter Sciretta của SlashFilm chia sẻ đầy ngạc nhiên: “Đây là một thành tựu về công nghệ hình ảnh trên màn ảnh rộng. Tôi không thể tin đây là một phim hoạt hình CGI”. Trước đó, Daniel Garris của BoxOffice đã từng dự đoán rằng: “The Lion King” sẽ là “Một trong những bộ phim lớn nhất năm”. Điều này có vẻ đã được chứng thực khi lượng vé đặt trước của phim đã nhanh chóng hết trong 24 giờ, trở thành phim thứ hai (sau “Avengers: Endgame”) có lượng vé bán đặt trước nhanh nhất trong năm 2019.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Hollywoodreporter, Vulture, Variety)

Chia sẻ bài viết