17/07/2022 - 09:36

Chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương của Pháp 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Trong những năm gần đây, Pháp tăng cường can dự tại khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh khu vực này đã trở thành trung tâm trong sự cân bằng của thế giới, không chỉ về mặt ngoại giao mà còn cả về kinh tế.

Hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle được Pháp đưa đến khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương hồi năm 2019. Ảnh: AFP

Pháp là một trong số ít các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sử dụng khái niệm Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Ðây là một khái niệm mới được đề cập đến trong chiến lược ngoại giao của Pháp và được đề cập thông qua bài diễn văn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại căn cứ hàng hải Garden Island (Sydney, Úc) vào tháng 5-2018. Ðây không chỉ là một sự thay đổi về thuật ngữ chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương của Pháp mà còn phản ánh một tầm nhìn mới và toàn diện hơn về khu vực này. Cách tiếp cận của Pháp về khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương cơ bản phù hợp với tài liệu chiến lược được công bố năm 2016 với tiêu đề: “Pháp và an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương”.

Pháp cũng là quốc gia châu Âu đầu tiên chính thức hóa chiến lược ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Năm 2019, trong cuộc Ðối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng các Lực lượng Vũ trang Pháp công bố “Chiến lược Quốc phòng của Pháp ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương”, được hoàn thành vào tháng 7-2021 trong hội nghị thượng đỉnh Pháp - châu Ðại Dương lần thứ 5. Ngay từ tháng 10-2020, Paris bổ nhiệm ông Christophe Penot làm đại sứ đầu tiên của Pháp tại khu vực. Ðến tháng 2-2022, Pháp cho phát hành phiên bản được cập nhật của Chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, cam kết tăng cường quan hệ với các đảo tại khu vực.

Vị thế sẵn có tại khu vực

Pháp còn là quốc gia  EU duy nhất có lực lượng thường trực ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương và thường xuyên triển khai tàu chiến, tàu ngầm hoặc máy bay. Pháp thực hiện các tương tác cấp cao một cách có hệ thống với các đối tác chiến lược như Ấn Ðộ, Nhật Bản, Mỹ, Indonesia, Singapore và Việt Nam. Pháp cũng có những tài sản để tham gia tích cực vào an ninh hàng hải của khu vực, gồm các tàu hoạt động ở cấp độ toàn cầu, một lực lượng hải quân mạnh (4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo, 1 tàu sân bay và 5 căn cứ hải quân trên toàn thế giới). Cụ thể, Pháp có số lượng lớn tài sản hoạt động ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương mỗi năm (khoảng 15 tàu chiến và 40 máy bay) cũng như mạng lưới ngoại giao và quân sự ở khu vực này.

Pháp có lãnh thổ ở Nam Ấn Ðộ Dương, gồm quần đảo Mayottes và Réunion, quần đảo Eparses và các vùng đất ở châu Ðại dương và Nam Cực. Ở Thái Bình Dương, Pháp có các vùng hải ngoại New Caledonia, Wallis-et-Futuna, quần đảo Polynésie thuộc Pháp và đảo Clipperton. Khu vực này tập trung 1,5 triệu công dân Pháp sống ở các lãnh thổ và vùng hải ngoại, hơn 7.000 quân nhân đang làm nhiệm vụ (trong đó 4.100 ở Ấn Ðộ Dương và 2.900 ở Thái Bình Dương), hơn 200.000 người Pháp sinh sống và gần 9 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế của Pháp (EEZ), lớn thứ hai trên thế giới (sau Mỹ). Trong đó, khoảng 60% vùng đặc quyền kinh tế của Pháp là ở Thái Bình Dương. Pháp cũng duy trì một mạng lưới dày đặc gồm 18 tùy viên quốc phòng thường trú và không thường trú tại 33 quốc gia khu vực. Pháp coi đây là những công cụ nhằm bảo vệ và bảo đảm an ninh quốc gia và vùng lãnh thổ của Pháp, giúp kiểm soát các vùng đặc quyền kinh tế và triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác quốc phòng. Chính vì vậy, Pháp luôn kiên quyết trong bảo vệ nguyên tắc tự do hàng hải tại khu vực, bao gồm Biển Ðông.

Ngoài  ra, sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực là mối quan tâm chung của Pháp và các cường quốc khác, mặc dù Paris xem Bắc Kinh là một thách thức hơn là mối đe dọa. Vào tháng 10 năm ngoái, Viện Nghiên cứu Chiến lược Pháp đã ban hành một báo cáo, trong đó nêu chi tiết các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài, gồm công cụ cũng như cách thức gây ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Cách tiếp cận khác biệt

Ðể phù hợp với chính sách ủng hộ lâu dài với đối chủ nghĩa đa phương, Paris cố gắng đưa ra con đường tách biệt với thế lưỡng cực Mỹ - Trung bằng cách cân bằng quan hệ với cả 2 cường quốc này. Hải quân Pháp có quan hệ hợp tác mạnh mẽ với Hải quân Mỹ. Bên cạnh việc cử các sĩ quan liên lạc tới Bộ Tư lệnh Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, Pháp còn trở thành quan sát viên các cuộc tập trận do Mỹ phát động, gồm cuộc diễn tập hàng hải Hợp tác và Huấn luyện Ðông Nam Á (SEACAT) ở Singapore và cuộc tập trận hải quân Sama-Sama ở Philippines trong giai đoạn 2020-2021. Tuy nhiên, Pháp không phải là thành viên của “Tứ giác kim cương (QUAD)”, gồm Úc, Ấn Ðộ, Nhật Bản và Mỹ.

Trong khi đó, Chuẩn đô đốc Jean-Mathieu Rey, Tư lệnh Liên quân Các lực lượng Vũ trang Pháp ở châu Á - Thái Bình Dương vẫn duy trì mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc. Về phần mình, giới lãnh đạo của New Caledonia và Polynesia (thuộc Pháp) cũng tiến hành chính sách ngoại giao thực dụng đối với Bắc Kinh. Cả 2 đều hoan nghênh hợp tác thương mại với Trung Quốc và mong muốn thu hút khách du lịch và đầu tư của Trung Quốc. Thế nhưng, quan hệ giữa Trung Quốc với các vùng lãnh thổ của Pháp được cho là đã bị phóng đại, bởi chính quyền địa phương luôn cảnh giác với “bẫy nợ” tiềm tàng của Trung Quốc và đang giám sát chặt chẽ các hoạt động của Bắc Kinh tại khu vực.

Rõ ràng, chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương của Pháp cơ bản khác biệt về mục tiêu và nội dung so với chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đưa ra vào tháng 11-2017. Pháp đề xuất một “cách tiếp cận cân bằng” dựa trên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” khôn ngoan với Trung Quốc. Có lẽ vì vậy mà các bước đi của Pháp ở Thái Bình Dương nhận rất ít sự chú ý từ Bắc Kinh so với các cường quốc truyền thống khác như Mỹ, Úc và Nhật Bản. Không những vậy, giới học giả Trung Quốc dường như tiến hành rất ít nghiên cứu về Pháp ở Thái Bình Dương. Ðến nay, chỉ có 2 bài viết của giới học giả Trung Quốc cho rằng các hành động chiến lược của Pháp ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương đặt ra thách thức đối với lợi ích quốc gia của Trung Quốc và làm gia tăng áp lực chiến lược đối với Bắc Kinh.

Chia sẻ bài viết