23 tuổi tôi lấy chồng.
Mẹ tôi, những tưởng sẽ chân lấm tay bùn đến cuối đời, bỗng dưng trở thành bà chủ một quán ăn nhỏ. Cuộc đổi đời bắt đầu từ việc mở đường. Con đường chính băng qua cái xóm buồn thiu giống như những cơn mưa giông buổi chiều, đã biến ngôi nhà của chúng tôi trở thành nhà mặt tiền. Tiền đền bù và mảnh đất còn lại, mẹ xây căn nhà như từng ao ước. Căn nhà nằm ngay mặt đường, hằng ngày rộn ràng xe cộ xuôi ngược với hành trình kết nối những nơi chốn xa lạ với nhau. Không còn ruộng, mẹ lính quýnh chân tay, như thể mất đi một thứ thân quen. Rồi mẹ mở một quán tạp hóa nhỏ, gọi là cho có người đi ra đi vào. Thỉnh thoảng, dăm chuyến xe du lịch dừng lại, khách đổ xuống, mua dăm chai nước, bịch bánh hay gói thuốc lá. Họ bảo: "Sao chị không mở một quán nhậu nho nhỏ cho vui". Thế là quán Phương ra đời. Phương là tên của tôi. Mẹ bảo, mẹ là đàn bà nhà quê, cho nên mẹ chỉ đặt cho tôi cái tên chân chất như vậy thôi, chứ nếu mẹ có nhiều chữ, chắc mẹ sẽ đặt cho tôi cái tên mỹ miều như Nhuệ Lan, Hoàng Cát, Chiêu Tường... Tôi phải bụm miệng cười: "Thì cái tên Phương cũng đẹp rồi. May mà mẹ không đặt cho con tên Rớt hay tên Ổi, tên Xoài
".
Khi lớn lên, tôi đã mê trở thành đầu bếp. Tôi muốn chính bàn tay của mình tạo ra những món ăn, nhưng đâu có trường đại học nào dạy nấu ăn, mà thật ra, lúc ấy, mẹ cũng đâu đủ tiền cho tôi học đại học. Đôi khi đến mùa giáp hạt, mẹ còn phải vay đầu này đắp đầu kia để hai mẹ con có bữa ăn qua ngày. Học xong lớp 12, tôi đi học các lớp nấu ăn ở những trung tâm dạy nghề, những khách sạn
Tôi mơ ước một ngày nào đó tôi sẽ có một quán ăn nho nhỏ và món ăn ở quán do chính tay tôi chế biến. Quán Phương ra đời, mơ ước của tôi thành hiện thực. Mẹ bảo: "Thôi, giao quán luôn cho con đó, mỗi ngày chỉ cần cho mẹ hai bữa cơm".
Quán Phương mau chóng đông khách. Đơn giản có thể do thuận lợi giao thông, cũng có thể do món ăn ngon, giá cả phải chăng. Và cũng có thể do cô chủ quán tên Phương là tôi- xinh và hiền. Rồi Ngoạn xuất hiện. Ngoạn lẫn trong đám thực khách đó và mau chóng trở thành chồng tôi sau đúng một năm anh chọn quán tôi làm địa điểm mỗi khi muốn lai rai với bạn bè. Ngoạn đen do tối ngày anh ở ngoài đường với công việc sửa chữa điện. Anh bảo với tôi là đã ăn những món ăn do tôi nấu rồi thì anh không thể ăn ở đâu được nữa. Nhiều khi vắng khách hoặc mưa to gió lớn, anh vẫn tới quán phụ tôi dọn thức ăn, khui bia và cứ ở lì cho đến khi quán đóng cửa. Những lúc đó tôi nói với anh:
- Anh Ngoạn về đi! Bạn gái anh mà thấy anh lo cho em như thế thì em bị tạt a-xit mất.
Ngoạn cười hồn nhiên:
- Anh chưa có bạn gái, ai cũng chê anh vụng, xấu trai.
Tôi buột miệng:
- Hổng dám đâu. Anh đẹp trai thì có.
Ngoạn không tán tỉnh tôi theo kiểu những khách nhậu khác, ép tôi uống một hai ly hoặc giả vờ va chạm. Anh hiền và nghiêm túc đến mức tôi không tin rằng trên thế gian này còn sót lại một người đàn ông như anh.
Một hôm, Ngoạn xuất hiện ở nhà tôi từ sáng sớm, khi quán còn chưa mở cửa.
- Phương. Hôm nay anh đưa mẹ tới chơi.
Tôi tròn xoe mắt nhìn anh. Tôi không thể từ chối cuộc viếng thăm của mẹ anh ngày hôm đó. Rồi hai đứa có dăm lần xem phim, có đi ra quán nước ngồi cà phê, có tay nắm, có môi hôn. Kết thúc là một tiệc cưới.
* * *
Khi tôi phát hiện trên thế gian này còn có một người đàn ông hoàn hảo yêu tôi ngoài Ngoạn là lúc tôi vừa sinh nở xong 6 tháng. Khi ấy, tôi từ một cô gái mảnh khảnh đã vọt lên tới 60 ký. Nhưng với Tân, tôi có tăng bao nhiêu ký cũng chẳng quan trọng, anh cũng chẳng màng tới việc tôi đã có chồng, có con.
Ngay giây phút đầu tiên Tân bước vào quán, trái tim phụ nữ của tôi đã thót lại. Quả thật anh có một sức hút lạ kỳ với tôi, và tôi không thể nào giải thích nỗi điều đó. Tân giống như người đàn ông mà bấy lâu nay tôi thường mơ thấy trong chiêm bao. Khi tôi nghĩ rằng chiêm bao không có thật thì anh lại xuất hiện. Tân nhìn tôi rồi bảo: "Cô có nụ cười rất đẹp". Vậy là tôi không thể ngừng việc nghĩ về Tân.
* * *
Khi nhận lời đi chơi với Tân, tôi phát hiện ra rằng, cả cuộc đời tôi chưa bao giờ đi xe đạp đôi. Và tôi chưa hề đi cùng Ngoạn đạp xe đôi. Giờ đây, Tân đang chở tôi trên chiếc xe đạp đôi, trên những con đường đầy cỏ mướt xanh, những dãy trúc vàng óng ánh và cả những triền núi chìm trong màu tím của hoa cát đằng. Đó là lần đầu tiên tôi tới Hòn Tằm, mặc dù tôi nghe rất nhiều người nói rằng đây là một hòn đảo du lịch rất xinh đẹp. Tân đã rủ rê: "Anh mời em ra đảo chơi một ngày. Buổi chiều anh sẽ đưa em về. Em cứ thử quên cuộc đời thực này một ngày được không?". Tôi không thuyết phục được mình để từ chối lời mời cực kỳ quyến rũ ấy, dù luôn ý thức được rằng mình là gái đã có chồng. Gái có chồng là đã ở trong vòng giới hạn gia đình, không được nhón chân bước qua đường với một người đàn ông lạ, không được quyền để con tim mình bị chao đảo bởi một nụ cười hay một ánh mắt nhìn. Nhưng cuộc sống luôn có ngoại lệ. Tôi tự bao biện rằng mình hẹn với Tân như hẹn với một người bạn. Và tôi bảo Ngoạn là tôi có việc cần đi với một người bạn. Ngoạn chẳng bao giờ chú ý đến chuyện tôi đi đâu, với ai. Anh là hồn nhiên tin tưởng tôi. Và chính sự tin tưởng hồn nhiên ấy của anh đã làm tôi chông chênh. Với anh, Tân cũng chỉ là một người khách như bao người khách khác đến quán Phương.
* * *
Ngày hôm đó, tôi đã thoát khỏi bản thân của tôi. Tôi quên ở bên kia biển là nhà tôi, tôi quên tôi còn có một gia đình. Chiếc xe đạp đôi cứ thong dong trên những con đường dốc. Tân nói trong gió: "Em vui không?". Tôi cười theo gió lả lơi: "Vui lắm anh à!". Tôi cũng chẳng thắc mắc tại sao Tân lại hẹn hò với tôi ở hòn đảo này, Tân cũng chẳng thắc mắc tại sao tôi lại xuống chiếc ca nô cao tốc để từ đất liền ra đây cùng anh. Tất cả cứ tự nhiên như thể cuộc sống vốn cần vậy.
Hai đứa để chiếc xe bên vệ cỏ. Hai đứa ngồi dưới bóng mát của một cây lộc vừng đang thả những chùm hoa kiêu sa. Từ ở độ cao này, chúng tôi nhìn thấy biển bao la trước mặt. Tân dịu dàng choàng tay anh ôm lấy tôi. Tôi không chống cự vòng ôm mà tôi thật sự mong đợi. Khi Tân xoay gương mặt tôi đối diện với gương mặt anh, bỗng dưng tôi hoảng hốt. Tôi thấy gương mặt chờ đợi của Ngoạn và tôi kiên quyết: "Đừng, Tân!".
Tôi đã đánh rơi một chiếc giày trên đảo khi vội vàng leo lên tàu về lại đất liền. Tôi đã về nhà với một chiếc giày. Chiếc giày đánh rơi ấy làm tôi nhớ đến chuyện cô bé lọ lem đánh rơi chiếc giày trong đêm tiệc cùng hoàng tử trong một câu chuyện cổ tích. Nhưng tôi đâu là công chúa lọ lem. Và ngoài đời thật, Ngoạn đang an ủi sẽ chở tôi đi mua lại đôi giày đúng như kiểu mà tôi thích!