05/05/2016 - 20:41

XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU “GẠO THƠM SÓC TRĂNG”

CHỈ THIẾU DOANH NGHIỆP VÀ CHÍNH SÁCH

Đó là khẳng định của kỹ sư Hồ Quang Cua, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, Trưởng nhóm nghiên cứu, lai tạo các giống lúa thơm Sóc Trăng (lúa ST).

Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, cách nay hơn 1 thế kỷ, gạo Sóc Trăng cùng với gạo Gò Công (Tiền Giang) đã nổi tiếng ở thị trường Hương Cảng (Hồng Kông) – một trung tâm phân phối của khu vực vào thời điểm đó và cũng là điểm trung chuyển gạo đi các nước châu Âu. Kỹ sư Hồ Quang Cua nhớ lại: "Trong số 3 loại gạo chính ở thời kỳ này, gạo Bai Xau (Bãi Xào – Sóc Trăng) với hạt dài và thon được đánh giá là ngon nhất so với gạo Vĩnh Long được sản xuất ở huyện Long Hồ cũng có hạt dài nhưng lớn và gạo Gò Công có hạt lớn và ngắn. Trước giải phóng, các vựa gạo ở Sóc Trăng đều có bán gạo thơm từ đầu mùa lúa chín, hương thơm nức cả một khu vực… Khi kinh tế nước ta phát triển nhanh sau khi hội nhập thế giới, tầng lớp trung lưu có nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp ngày càng gia tăng, nên cần có nguồn gạo thơm ngon để thỏa mãn nhu cầu của họ".

Nhãn hiệu chứng nhận Gạo thơm Sóc Trăng đã được trao cho các doanh nghiệp.

Sau bước đầu sưu tập và tuyển chọn giống lúa nhập từ nơi khác về kéo dài trong 10 năm, từ năm 2001, Sóc Trăng bắt đầu chọn được giống tại chỗ. Đặc biệt, trong khoảng thời gian làm luận án tốt nghiệp (2006 – 2011), Tiến sĩ Trần Tấn Phương (hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Sóc Trăng) đã cho ra đời 3 giống có hiệu quả kinh tế. Năm 2016, Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí tuyển chọn và phóng thích 4 giống mới: ST21, ST22, ST23 và ST24 từ một tổ hợp lai hợp tác với Tiến sĩ Trần Tấn Phương. Kỹ sư Hồ Quang Cua nhấn mạnh: "Điểm khác biệt trong chọn tạo giống ở Sóc Trăng so với một số nơi khác là chọn tạo được bộ giống đặc thù "ngon cho ra ngon, thơm cho ra thơm". Vì vậy, tạo được nhu cầu cao trên thị trường, dẫn đến hạt gạo có chuỗi giá trị dài, giá trị gia tăng cao".

Bộ giống được phóng thích tuần tự theo yêu cầu xã hội và theo đà nâng cao nghiệp vụ của các chuyên viên kỹ thuật nên việc chuyển giao quy trình canh tác an toàn cho chuyên viên khuyến nông và nông dân đạt được kết quả cao, với độ sai biệt năng suất trong vùng hay trong cùng vụ không lớn. Một tiền đề quan trọng khác là nông dân và doanh nghiệp được liên kết ngay từ đầu, từ trên 20 năm trước. Do ở giai đoạn đầu, mạng lưới trung gian (cò, thương lái) chưa có, nên nông dân muốn an tâm sản xuất phải có hợp đồng tiêu thụ. Kỹ sư Hồ Quang Cua kể lại: "Thật ra, Sóc Trăng tổ chức cánh đồng lớn từ năm 2001 với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA). Đây chính là tiền đề để phát triển hàng trăm cánh đồng chuyên canh sau này, tạo thuận lợi lớn cho hiện đại hóa nông nghiệp".

Qua 3 cuộc tham gia đấu xảo trong nước, gạo thơm Sóc Trăng đã 3 lần đạt hạng nhất. Kỹ sư Hồ Quang Cua không giấu diếm: "Trước mỗi cuộc đấu xảo, tỉnh đều tổ chức tuyển chọn nội bộ thông qua cuộc thi "Cơm nào ngon hơn" để chọn loại gạo ngon nhất tham gia dự thi, nên đều đoạt giải cao trong những lần tham gia". Khi đã ổn định nguồn giống, tỉnh Sóc Trăng bắt tay xây dựng quy trình chứng nhận Nhãn hiệu hàng hóa và được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và cho phép Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cấp chứng nhận cho các doanh nghiệp thỏa mãn quy định được chứng nhận Nhãn hiệu gạo thơm Sóc Trăng cùng logo in trên bao bì. Ngoài ra, các giống lúa thơm ST còn được tổ chức sản xuất theo quy trình GlobalGAP và được cấp chứng nhận cho Hợp tác xã Hòa Lời (Mỹ Xuyên), Hợp tác xã Vĩnh Tiền (Ngã Năm) và Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí.

Từ các hoạt động nêu trên, sau 1/4 thế kỷ, Gạo thơm Sóc Trăng mặc nhiên trở thành một chỉ dẫn địa lý vì theo kỹ sư Hồ Quang Cua, hầu hết các tỉnh đều biết; hầu hết các doanh nghiệp lớn đều biết và những doanh nghiệp nước ngoài có liên hệ cũng biết đến Gạo thơm Sóc Trăng. Kỹ sư Hồ Quang Cua nhận định: "Theo tôi, tiền đề để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu Gạo thơm Sóc Trăng xem như đã có sẵn. Nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào xây dựng thành công thương hiệu cho Gạo thơm Sóc Trăng là do có những tồn tại nhất định".

Những tồn tại đó, theo kỹ sư Hồ Quang Cua là do quy mô của doanh nghiệp trong tỉnh còn nhỏ và chưa có doanh nghiệp nào có ý định xây dựng thương hiệu. Gạo thơm Sóc Trăng chưa được đấu xảo quốc tế, doanh nghiệp cũng chưa biết quy trình làm thương hiệu ra sao. Nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh có ý định xây dựng thương hiệu, nhưng nhiều mục tiêu quá, nên họ chỉ tập trung vào những món nào cho lợi nhuận cao, còn những món lợi nhuận thấp thì xao lãng, cũng có nhiều doanh nghiệp quảng cáo hết sức quy mô nhưng chưa hề bước tới đồng ruộng.

Có thể nói, những tiền đề hết sức thuận lợi cho việc xây dựng thương hiệu Gạo thơm Sóc Trăng đã có. Vấn đề còn lại chính là chính sách thu hút, hỗ trợ, kêu gọi doanh nghiệp đến với Sóc Trăng để đầu tư xây dựng thương hiệu, nhằm đưa gạo thơm Sóc Trăng ngày một vươn xa trên thị trường thế giới.

Bài, ảnh: Xuân Trường

Chia sẻ bài viết