29/08/2011 - 21:42

Chỉ số giá tiêu dùng đã giảm tốc

Cục Thống kê TP Cần Thơ vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 – 2011 của thành phố chỉ tăng 0,55% so với tháng trước đó. Chi phí xăng dầu, lãi suất ngân hàng còn ở mức cao, ga sắp bước vào giai đoạn tiêu thụ mạnh ở nhiều nước trên thế giới, học phí các cấp học nhân mùa khai giảng năm học mới... được nhận định là các yếu tố tác động tăng đến CPI trong tháng 9- 2011.

Giá xăng, ga, lãi suất ngân hàng,… ở mức cao được dự báo là những tác động chính đến mức độ tăng của CPI trong tháng 9-2011. 

Trong “rổ hàng hóa” đưa vào tính CPI tháng 8 – 2011 của TP Cần Thơ, có 2/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng hơn 1%. Đó là: nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng1,81%); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 1,28%). Các nhóm hàng: lương thực và thực phẩm; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón và giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục, có mức giá tăng từ 0,08-0,84%. Đáng ghi nhận ở các nhóm hàng còn lại có đến 3/11 nhóm hàng trong tháng 8 có chỉ số giá giảm. Đó là: nhóm hàng giao thông (giảm 0,67%); bưu chính viễn thông (giảm 0,33%); văn hóa, giải trí và du lịch (giảm 1,01%).

Theo phân tích của các ngành hữu quan, CPI giảm nhiệt trong tháng 8 chủ yếu do mức tăng giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (chiếm hơn 40% trong cơ cấu CPI) đã giảm tốc. Nếu như tháng 7, nhóm này có chỉ số giá tăng 2,06% so với tháng trước thì trong tháng 8 mức độ tăng chỉ còn 0,83%. Nguyên nhân của việc giảm tốc này, theo ghi nhận của Cục Thống kê TP Cần Thơ, hàng thực phẩm trong cơ cấu của nhóm hàng lương thực và thực phẩm tháng 8 – 2011 chỉ tăng 0,5% (tháng 7 tăng đến 3,17%). Đáng lưu ý là giá nhiều loại thịt trên thị trường đã giảm. Trong đó, thịt heo ba rọi giảm 1,13%; thịt nạc giảm 0,17%; các loại gia cầm và trứng gia cầm giảm tương ứng 2,63% và 6,43%. Trong tháng, giá các loại rau tăng 3,66% nhưng tăng chủ yếu là hàng rau củ Đà Lạt, các loại rau của địa phương hàng dồi dào, giá không tăng mạnh.

Giá lúa bình quân trong tháng 8 được ghi nhận tăng nên hầu hết giá gạo bán lẻ cùng thời điểm tại các chợ và điểm bán gạo đã tăng từ 500-1.000 đồng/kg. Giá phần lớn các loại gạo thường phổ biến trên 11.000 đồng/kg; gạo thơm trên 12.500 đồng/kg; các loại gạo nếp từ 17.000 – 18.000 đồng/kg. So với tháng trước, giá khoai lang, khoai mì trong thời điểm này từ 6.200 - 9.000 đồng/kg, được ghi nhận tăng hơn 4%; giá các loại thực phẩm chế biến như: bún, miến, bánh mì... tăng 1,23%... Các mức tăng vừa nêu đẩy chỉ số giá của nhóm hàng lương thực trong tháng 8 tăng 1,74% so với trước.

Theo báo cáo mới đây của Sở Công Thương TP Cần Thơ, trong tháng 8-2011, kinh tế nội và ngoại thương của thành phố vẫn trong xu thế tăng trưởng khá khả quan. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố ước thực hiện được 1.892,208 tỉ đồng, tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 14,37% so cùng kỳ năm 2010. Hàng hóa bán ra tháng của thành phố ước thực hiện 6.279 tỉ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2011; bán lẻ ước đạt 3.273 tỉ đồng, tăng 2,8% so tháng trước và tăng 19,1% so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng hóa tháng 8-2011 đạt khoảng 98,07 triệu USD, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 3% so cùng kỳ năm 2010...

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, sẽ có nhiều yếu tố tác động tăng đến CPI của tháng 9 – 2011. Trong đó, chi phí đầu vào sẽ là bài toán khó với đời sống của người dân và doanh nghiệp, khi xăng dầu chưa giảm, ga sắp bước vào giai đoạn tiêu thụ mạnh của nhiều nước... Ngoài ra, lãi suất ngân hàng vẫn đang còn ở mức khá cao, học phí các cấp học nhân mùa nhập học năm học mới... cùng với đó là tình hình bão lũ, dịch bệnh... sẽ là những biến số rất phức tạp, có thể ảnh hưởng mạnh đến CPI. Trước những tiên liệu này, Cục Thống kê TP Cần Thơ cho rằng: CPI tháng 9-2011 của thành phố có khả năng tăng từ 0,8-1% so với tháng trước. Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, ổn định giá cả hàng hóa trên thị trường, theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, tháng 9-2011, ngành công thương sẽ chủ động phối hợp với các ngành hữu quan tăng cường công tác chống buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả. Đồng thời, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm quy định về đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại. Đồng thời, tăng cường kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa thực phẩm về ghi nhãn hàng hóa, kém chất lượng, quá hạn sử dụng...

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết