Khi lên kế hoạch kết hôn, các cặp đôi ở Hàn Quốc phải đối mặt với thực tế khó khăn là chi phí tổ chức đám cưới và căng thẳng tài chính ngày càng tăng, đặc biệt là từ các chi phí tiềm ẩn và phí phát sinh thêm khi chụp ảnh, thuê đồ cưới và trang điểm - được gọi chung là SDM. Áp lực tài chính đó khiến hành trình đi đến hôn nhân của họ trở nên phức tạp hơn.

Một cửa hàng áo cưới ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Giống như trường hợp của cô Kim, một nữ nhân viên văn phòng vừa đi thử váy cưới và bị sốc khi biết phải trả khoản phí bổ sung, từ 500.000 won đến 1 triệu won (375-750 USD), chỉ để thử váy. Còn Lee, một cô dâu tương lai khác, thì bị tính thêm 100.000 won cho “phí bắt đầu sớm” khi đặt giờ trang điểm sớm hơn.
Trong khi đó, nữ YouTuber Bambigirl tiết lộ đã bị tính mức phí hơn 2,4 triệu won tại một cửa hiệu ảnh cưới, nơi sau đó đã hạn chế các lựa chọn chụp ảnh của cô và áp thêm chi phí phát sinh khi có yêu cầu chỉnh sửa ảnh. Còn một cô dâu tương lai khác ban đầu nghĩ chi phí SDM của mình sẽ vào khoảng 5 triệu won, nhưng sau đó lại thấy tổng số tiền tăng vọt lên 8 triệu won vì phải trả thêm cho việc lựa chọn trang phục và các phụ kiện đám cưới khác.
Thực tế, một cuộc khảo sát do công ty mai mối Gayeon thực hiện trên 1.000 người mới kết hôn gần đây cho thấy chi phí SDM trung bình là 4,79 triệu won, với tổng chi phí liên quan đến đám cưới (không bao gồm nhà ở) trung bình là 63 triệu won. Những người trong ngành cho rằng việc chi phí này gia tăng là do hậu quả của đại dịch COVID-19 và tình trạng lạm phát.
Tuy vậy, việc áp dụng các khoản phí bổ sung và sự thiếu minh bạch trong ngành tổ chức đám cưới thường được các nhà tổ chức đám cưới và các nhà cung cấp liên quan xem là “sản phẩm lợi ích riêng” của họ. Cơ chế hoạt động này gây khó khăn cho các cặp đôi trong việc thương lượng hoặc đặt dịch vụ cưới một cách độc lập, nên thường dẫn đến việc chấp nhận các hành vi không công bằng và tính phí đắt đỏ.
Các nhà phê bình cho rằng cách khai thác này của ngành công nghiệp đám cưới đang góp phần làm giảm số lượng người kết hôn, với nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về việc những khoản phí cao liên quan đến quá trình chuẩn bị đám cưới sẽ ngăn cản việc mọi người muốn kết hôn. “Khi tỷ lệ kết hôn giảm và ngành công nghiệp đám cưới có ít khách hàng hơn, giá sẽ tăng để tối đa hóa lợi nhuận, dẫn đến một vòng luẩn quẩn mà trong đó chi phí tăng cao hơn nữa làm giảm sự sẵn lòng làm đám cưới của thế hệ trẻ” - Giáo sư Lee Eun-hee tại Ðại học Inha giải thích.
Tuy số lượng cặp đôi kết hôn đã tăng nhẹ vào năm ngoái, nhưng xu hướng suy giảm tỷ lệ kết hôn vẫn tiếp tục tại Hàn Quốc. Chính phủ nước này đã vào cuộc, với việc lên kế hoạch công bố chi phí liên quan đến đám cưới trên trang web của Cơ quan Người tiêu dùng Hàn Quốc từ năm tới và cân nhắc việc triển khai hệ thống hiển thị giá cả bắt buộc đối với ngành cưới. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng chỉ việc công bố giá là “không đủ để phá vỡ chu kỳ bóc lột” và kêu gọi ngành tổ chức cưới tự điều chỉnh cũng như đưa ra mức giá cạnh tranh và hợp lý hơn.
NGUYỆT CÁT (Theo Korea Times)