15/11/2022 - 15:40

Châu Phi trong cuộc đua sản xuất xe điện của Trung Quốc 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Trong bối cảnh Mỹ và đồng minh cố gắng củng cố chuỗi cung ứng khoáng sản nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, châu Phi sẽ là nơi giúp thu hẹp nguồn cung đối với các loại khoáng sản thiết yếu cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.

Mỏ đồng Tenke Fungurume tại DRC. Ảnh: Reuters

Zayn Jaylan, Giám đốc điều hành Infinity Stone Corp, một nhà cung cấp kim loại cho xe điện, cho rằng các loại khoáng sản quan trọng của châu Phi sẽ giúp giải quyết cuộc cách mạng xe điện và hỗ trợ nhiều công nghệ cần thiết khác trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. “Các mỏ khai thác được tìm thấy ở châu Phi mang đến nhiều lợi ích về mặt kinh tế cũng như ít tác động đến khí hậu mà lại phát thải ra lượng khí nhà kính thấp nhất” - ông Jaylan cho hay. Luisa Moreno, Chủ tịch công ty Defense Metals (Canada), có cùng quan điểm. Bà không nghĩ rằng “chúng ta có thể phát triển hàng trăm mỏ khoáng sản quan trọng và sản xuất một khối lượng lớn các vật liệu này mà không có sự đóng góp đáng kể từ châu Phi”.

Chính tầm quan trọng đó của châu Phi mà nhiều nước đã đẩy mạnh đầu tư khai thác khoáng sản tại châu lục, gồm Trung Quốc - “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất xe điện, không những thống trị việc xử lý các loại khoáng sản quan trọng được sử dụng để sản xuất pin xe điện mà còn trở thành nhà sản xuất và bán ôtô điện hàng đầu. Hiện các công ty Trung Quốc chiếm ưu thế trong việc thăm dò và khai thác các loại kim loại sản xuất pin từ châu Phi, đặc biệt là ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) và Zimbabwe. Ước tính cho thấy, DRC cung cấp hơn 60% coban, một nguyên liệu sản xuất pin xe điện, cho Trung Quốc. Và kể từ năm ngoái, các công ty Trung Quốc đã bắt đầu khai thác lithium ở Zimbabwe. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang “dòm ngó” các quốc gia châu Phi giàu tài nguyên khác, gồm Zambia, Namibia và Nam Phi.

Trung Quốc hiện là “ông trùm” trong lĩnh vực tinh chế và xử lý lithium toàn cầu khi chiếm khoảng 59% tổng sản lượng lithium thế giới. Trong khi đó, Mỹ và Canada hoàn toàn “lép vế” khi chỉ tinh chế lần lượt 3% và 3,5% lượng lithium toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ và một số quốc gia phương Tây khác không chịu ngồi yên trước Trung Quốc. Washington muốn xây dựng chuỗi cung ứng kim loại quan trọng của riêng nước này và cam kết đưa ra các ưu đãi lớn về thuế nhằm làm cho “xe điện mới và đã qua sử dụng có giá cả phải chăng hơn” khi sử dụng khoáng chất và các thành phần sản xuất pin từ Mỹ và đồng minh. Ðáng chú ý, Bộ Năng lượng Mỹ hồi tháng rồi đã phân bổ 2,8 tỉ USD để mở rộng sản xuất pin cho xe điện và lưới điện.

Về phần mình, Anh cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy tinh chế lithium đầu tiên của nước này. Theo đó, công ty Green Lithium mới đây đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy tinh chế lithium trị giá 600 triệu bảng (tương đương 170 triệu USD) để sản xuất khoảng 50.000 tấn lithium hydroxide dùng để sản xuất pin vào năm 2025. Con số này được cho sẽ đủ dùng cho khoảng 1 triệu chiếc xe điện.

Chính nhu cầu về lithium tăng mạnh đã khiến ngành công nghiệp khai thác loại khoáng sản này rơi vào tình trạng quá tải. Theo công ty tư vấn Benchmark Mineral Intelligence, chỉ số giá lithium trong năm nay tăng 140,6%. Theo đó, một tấn lithium hydroxide vốn được sử dụng trong pin có hàm lượng niken cao mới đây được giao dịch với giá 83.200USD tại Sàn giao dịch kim loại Luân Ðôn. Chris Berry, Chủ tịch công ty tư vấn hàng hóa House Mountain Partners (Mỹ) cho biết giá lithium tăng nhanh là kết quả của một số yếu tố, gồm chính sách của chính phủ như trợ cấp mua xe điện; môi trường, xã hội; và “điều quan trọng nhất là các nhà sản xuất ôtô cuối cùng cũng tỉnh giấc và nhận ra rằng việc đảm bảo nguồn cung ứng các loại kim loại như lithium giữ vai trò rất quan trọng đối với mục tiêu bán xe điện của họ”. Theo ông Berry, nhu cầu lithium toàn cầu sẽ tăng gần gấp 5 lần vào năm 2030, một phần là do sự phát triển của ngành kinh doanh pin li-on.

Ðến nay, Trung Quốc đã đầu tư hơn 180 triệu USD khai thác niken ở Venezuela và thêm 580 triệu USD nữa vào các dịch vụ khai khoáng nói chung. Hiện các giao dịch tương tự cũng được Trung Quốc thực hiện ở Chile và Peru. Tập đoàn Nhôm quốc doanh Chinalco của Trung Quốc sẽ nắm quyền kiểm soát đối với 2 mỏ đồng Toromocho và La Bambas của Peru, cũng như một mỏ khác ở Ecuador. Ðáng chú ý, Tập đoàn Công nghiệp Ðiện TBEA của Trung Quốc cũng đã mua lại 49% cổ phần trong ngành công nghiệp lithium của Bolivia.

Chia sẻ bài viết