24/05/2021 - 09:37

Châu Phi thiệt hại hàng ngàn tỉ USD do sinh vật ngoại lai 

Sự xâm nhập của sinh vật ngoại lai do hoạt động của con người khiến ngành nông nghiệp châu Phi thiệt hại khoảng 3.660 tỉ USD/năm, tương đương  1,5 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của tất cả các quốc gia lục địa đen.

Nông dân châu Phi điêu đứng vì sự phá hoại của sinh vật ngoại lai. Ảnh: AFP

Nông dân châu Phi điêu đứng vì sự phá hoại của sinh vật ngoại lai. Ảnh: AFP

Kết quả trên được đúc kết sau phân tích của nhóm các nhà khoa học ở Ghana, Kenya, Anh và Thụy Sĩ dựa trên dữ liệu nguồn mở về sự xâm hại của nhiều giống cỏ dại, côn trùng và những loài sâu không thuộc bản địa. Các nhà khoa học cũng khảo sát với hơn 1.000 bên liên quan bao gồm nông dân, giới chuyên môn và quan chức chính phủ về tác động tài chính của các loài xâm lấn.

Trong số 54 quốc gia châu Phi, 2 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Nigeria (bị tổn hại khoảng 1.000 tỉ USD/năm) và Cộng hòa Dân chủ Congo (317 tỉ USD/năm).

Theo số liệu cụ thể, 99,2% tổng thiệt hại do sinh vật ngoại lai (tương đương 3.630 tỉ USD) xuất phát từ sự xâm lấn của nhiều loài cỏ dại làm giảm diện tích gieo trồng. Trong đó, cỏ dại ảnh hưởng trên ngũ cốc chiếm 72% (2.610 tỉ USD), bắp và cây lấy củ chiếm 14% (508 tỉ USD), rau màu chiếm 3,3% (120 tỉ USD). Cùng với cỏ dại, thiệt hại do côn trùng ngoại lai trên cây lương thực (bắp, khoai mì), cây ăn trái chủ lực như xoài và những loại có múi ước tính hơn 21,5 tỉ USD/năm. Bên cạnh đó còn có nhiều loài sâu bệnh, trong số này thì sâu bướm có tên khoa học Phthorimaea Absoluta được phát hiện gây mất mùa nhiều nhất, đặc biệt là bệnh hại trên cây cà chua với tổn thất khoảng 11,4 tỉ USD mỗi năm.

Công bố trên tạp chí Nông nghiệp và Sinh học CABI, nhóm nghiên cứu cảnh báo các con số thiệt hại đối với ngành nông nghiệp châu Phi trên thực tế chưa tính đến chi phí trong công tác quản lý, kiểm soát các loài xâm lấn. Nhưng dù sao, kết quả này cũng phơi bày cuộc “đại chiến” mà lục địa đen phải đối mặt trong nỗ lực cải thiện đời sống của người dân, Giám đốc tổ chức tư vấn Power Shift Africa, Mohamed Adow nhận định. Theo ông, đây là bằng chứng cho thấy những quốc gia giàu có cần hỗ trợ khu vực này nhiều hơn nữa, có thể thông qua việc hủy bỏ các khoản nợ không thể trả, tăng cường ngân sách viện trợ bên cạnh nguồn quỹ chống biến đổi khí hậu để giúp người dân châu Phi giải quyết khó khăn và thích ứng với hàng loạt thách thức khác trong tương lai. Đồng quan điểm, người phụ trách mảng chính sách khí hậu của tổ chức phi chính phủ Christian Aid, Kat Kramer đề nghị nên đưa những vấn đề thường bị xem nhẹ đối với châu Phi như thế này vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) dự kiến diễn ra vào tháng tới tại Anh.

WB đầu tư 2 tỉ USD hỗ trợ phục hồi kinh tế châu Phi

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 19-5 thông báo sẽ đầu tư 2 tỉ USD hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại châu Phi, cũng như đẩy mạnh hoạt động thương mại tại khu vực.

Cuối năm 2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng châu Phi đang đối mặt với khoản thâm hụt lên tới gần 300 tỉ USD vào cuối năm 2023 trong khi phải nỗ lực phục hồi sau suy thoái do đại dịch COVID-19. IMF đang xem xét đề xuất kêu gọi thành lập quỹ hỗ trợ thanh khoản trị giá 30 tỉ USD nhằm giúp các nền kinh tế châu Phi phục hồi sau đại dịch và một quỹ khác trị giá 100 tỉ USD giúp giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở đây.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa tuyên bố xóa hoàn toàn khoản nợ gần 5 tỉ USD cho một quốc gia châu Phi là Sudan.

MAI QUYÊN (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết