18/07/2021 - 09:44

Châu Phi chìm trong khủng hoảng COVID-19 

Biến thể Delta đang càng quét trên khắp châu Phi. Trong đó, Namibia và Tunisia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trên đầu người nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Các bệnh viện trên khắp lục địa đen đang trong tình trạng quá tải, thiếu hụt nguồn ôxy cũng như nhân viên y tế, trong khi số ca tử vong được ghi nhận tăng 40% hồi tuần trước.

Chỉ số ít người dân châu Phi được tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: AFP

“Số ca tử vong do COVID-19 tăng cao trong vòng 5 tuần qua. Ðây là dấu hiệu cảnh báo cho thấy hệ thống y tế ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất đang trong tình trạng báo động. Họ đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên y tế, vật tư, thiết bị và cơ sở hạ tầng cần thiết để chăm sóc cho những bệnh nhân nặng” - Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi, cho biết.

Thiếu hụt vaccine trầm trọng

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1% người dân châu Phi được tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ. Ngay cả mục tiêu khiêm tốn mà Liên minh châu Phi đặt ra là 20% dân số được tiêm ngừa vào cuối năm nay dường như khó đạt được, bởi các nước giàu đã thâu tóm phần lớn lượng vaccine. Theo dữ liệu của Công ty nghiên cứu Airfinity (Anh), hầu hết số liều vaccine được lên kế hoạch sản xuất trong năm nay đều đã được bán hết, trong khi tổ chức toàn cầu ONE Campaign cho biết, tính đến cuối tháng 8, các nước giàu trên thế giới dự trữ lượng vaccine COVID-19 nhiều hơn khoảng 1,9 tỉ liều so với nhu cầu thực tế. Theo ONE Campaign, số vaccine này có thể “đủ tiêm cho toàn bộ dân số trưởng thành của châu Phi”, khiến giới lãnh đạo, các nhà khoa học và các nhóm nhân quyền ở châu Phi “nổi đóa”, đồng thời cảnh báo rằng chủ nghĩa bảo hộ và tích trữ vaccine sẽ chỉ góp phần kéo dài đại dịch.

Bởi vậy, các nước châu Phi rất khó có thể tự mua vaccine cho riêng mình. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia châu Phi áp đặt các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Corona, đồng thời dựa vào “cứu tinh” Covax, sáng kiến vaccine toàn cầu nhằm đẩy mạnh tiến trình cung cấp vaccine COVID-19 cho những người dân thuộc đối tượng cần thiết nhất trên toàn thế giới. Tuy nhiên, công tác bàn giao vaccine của cơ chế Covax bị tạm hoãn sau khi Ấn Ðộ áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với vaccine AstraZeneca khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này không có dấu hiệu sụt giảm. Do đó, chưa tới 60 triệu liều vaccine đã được chuyển tới châu Phi trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5. Dẫu vậy, ngay cả khi mọi thứ được diễn theo đúng kế hoạch, giới chức Covax nói rằng từ đây đến tháng 10, họ không thể cung cấp hơn 200 triệu liều vaccine cho châu Phi, vốn chỉ đủ để tiêm đầy đủ cho khoảng 7% dân số
lục địa đen.

Chiến lược tiêm không rõ ràng

Ngay cả khi vaccine được chuyển đến, một số quốc gia châu Phi đã phải vật lộn để phân phối chúng, bởi ngay từ đầu, nhiều nước đã thiếu quy hoạch, kinh phí, lực lượng lao động, hệ thống bảo quản vaccine cũng như kế hoạch tiêm chủng cho công dân.

Thời báo New York (Mỹ) cho hay, sau khi lô vaccine đầu tiên được chuyển đến hồi tháng 12 năm ngoái, các nhà khoa học và nhà hoạt động ở Nam Phi, nơi bị COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhất châu Phi khi đó, đã lên tiếng chỉ trích chính phủ vì không có chiến lược triển khai tiêm chủng rõ ràng. Tại Kenya, khi giới chức nước này chuẩn bị nhận lô vaccine đầu tiên vào tháng 3, các nhân viên tuyến đầu than thở rằng họ không biết đăng ký hoặc tiêm vaccine ở đâu. Ðáng nói là, sau khi tạm dừng triển khai kế hoạch tiêm vaccine ban đầu do lo ngại xuất hiện tình trạng đông máu sau tiêm vaccine, Cộng hòa Dân chủ Congo đã cho đi 1,3 triệu trong số 1,7 triệu liều vaccine AstraZeneca mà nước này nhận được từ Covax, bởi không thể bảo quản trước khi chúng hết hạn.

Mặt khác, nhiều người châu Phi tỏ ra do dự trong việc tiêm vaccine. Theo đó, khoảng 68% số người được hỏi bày tỏ lo ngại về tính an toàn của vaccine trong một nghiên cứu ở 15 quốc gia do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi công bố vào tháng 3. Ðáng lo ngại, hơn một nửa số người được khảo sát cho biết “không biết rõ hoặc không có thông tin gì về vaccine”. Tại Malawi, các chuyên gia y tế cho hay sự hoài nghi về vaccine đã góp phần làm chậm công tác phân phối vaccine. Còn ở Senegal, nhiều người dân do dự tiêm vaccine bởi các nền tảng truyền thông xã hội đầy rẫy thông tin sai lệch về vaccine.

Ngày 16-7, Mỹ thông báo nước này sẽ vận chuyển 25 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho châu Phi với những lô đầu tiên đến 3 nước là Burkina Faso, Djibouti và Ethiopia. Trong những tuần tiếp theo, tổng cộng sẽ có 49 quốc gia châu Phi được nhận vaccine của các hãng J&J, Moderna hoặc Pfizer/BioNTech.  Mặc dù đối mặt với làn sóng mới bùng phát dịch COVID-19, nhưng hiện chưa đến 3% dân số châu Phi được tiêm mũi vacccine phòng bệnh đầu tiên. Cho đến nay, chỉ có 18 triệu người ở lục địa có 1,3 tỉ người này đã được tiêm phòng đầy đủ. (TTXVN)

HOÀNG NAM

Chia sẻ bài viết