Bài, ảnh: VĨNH THÔNG
Châu Ðốc là một đạo trấn thủ thời chúa Nguyễn, tỉnh lỵ tỉnh An Giang dưới triều Nguyễn, một tỉnh độc lập thời Pháp thuộc, hiện nay là thành phố trực thuộc tỉnh An Giang. Dù được khai phá khá muộn, nhưng trong suốt hàng trăm năm, đồng bào các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa vừa cùng nhau xây dựng và bảo vệ Châu Ðốc, vừa tích lũy và chia sẻ những giá trị văn hóa đặc sắc cho địa phương. Sau 265 năm từ khi Châu Ðốc đạo ra đời (1757-2022), vùng đất này đã trở thành trung tâm văn hóa quan trọng ở khu vực biên giới Tây Nam.
Làng bè Châu Đốc.
Lược sử vùng đất Châu Ðốc
Nam Bộ là nơi có cơ tầng văn hóa cổ, trong đó Châu Ðốc nằm trong phạm vi của nền văn hóa Óc Eo gắn liền với đế quốc Phù Nam tồn tại từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ VII. Sau khi Phù Nam suy vong, suốt nhiều thế kỷ, nơi đây không chỉ rơi vào tình trạng hoang vu, mà còn để lại khoảng trống khá dài về văn hóa.
Khoảng thế kỷ XVI, người Việt đến khai khẩn Nam Bộ. Những chính sách di dân của các chúa Nguyễn ở Ðàng Trong vào thế kỷ XVII-XVIII đã thúc đẩy công cuộc mở mang bờ cõi phương Nam được diễn ra nhanh chóng hơn với quy mô lớn. Năm 1699, Nguyễn Hữu Cảnh theo lịnh Minh Vương Nguyễn Phước Chu đưa quân đi kinh lý Chân Lạp, khi đó đã có người Việt sinh sống rải rác ven sông Tiền và sông Hậu. Năm 1757, đất Tầm Phong Long quy về Võ Vương Nguyễn Phước Khoát (trong đó có địa bàn tương ứng với tỉnh An Giang ngày nay). Tướng Nguyễn Cư Trinh thiết lập ba đạo trấn thủ là Châu Ðốc đạo, Tân Châu đạo và Ðông Khẩu đạo cùng thuộc dinh Long Hồ. Ðây là lần đầu tiên địa danh Châu Ðốc xuất hiện. Song, Châu Ðốc đạo bấy giờ chỉ có vai trò là đơn vị quân sự chứ chưa phải đơn vị dân sự. Khi đó, vùng đất biên cương còn hoang vu hẻo lánh, dân cư thưa thớt, nên chưa thiết lập chánh quyền hành chánh.
Ðến triều vua Gia Long, nơi đây vẫn còn quá thưa dân, được gọi là Châu Ðốc Tân Cương, thuộc trấn Vĩnh Thanh. Năm 1817, Nguyễn Văn Thoại được triều đình bổ nhiệm làm Trấn thủ Vĩnh Thanh. Trong thời gian trấn nhậm, ông đã thực hiện nhiều công tác quan trọng như đào kinh Vĩnh Tế, mở đường từ thành Châu Ðốc tới núi Sam, mở đường từ Châu Ðốc đến Phnom Penh (Campuchia), quy tụ dân chúng lập nhiều làng mạc, mở mang chợ Châu Ðốc... Những công trình ấy đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đất biên cương.
Năm 1832, vua Minh Mạng đổi đơn vị trấn ra tỉnh, tỉnh An Giang ra đời và là một trong lục tỉnh Nam Kỳ đầu tiên. Ðịa phận tỉnh An Giang thời đó tương ứng với địa bàn An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và một phần Ðồng Tháp ngày nay. Lúc này, thành Châu Ðốc thuộc tổng Châu Phú, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Ðây là tỉnh lỵ của tỉnh An Giang, nơi trú đóng của quan Tổng đốc An Hà (kiêm quản hai tỉnh An Giang và Hà Tiên). Trong giai đoạn tiếp theo, triều đình và nhân dân tiếp tục chú trọng công cuộc khai thác và xây dựng miền biên viễn.
Năm 1850, Nguyễn Tri Phương làm Kinh lược sứ Nam Kỳ đã đẩy mạnh khai hoang lập đồn điền vùng biên giới. Công việc đạt được những thành quả khá khả quan, đến năm 1854 đã lập được 21 đồn điền và đến năm 1856 đã lập được 159 thôn. Bên cạnh nông nghiệp, thương nghiệp cũng được quan tâm. Triều Nguyễn khá dễ dãi với thương nghiệp trên vùng đất mới, thậm chí có phần khuyến khích. Bởi lẽ, thương nghiệp phát triển sẽ tác động vào nông nghiệp, thúc đẩy nông dân sản xuất.
Năm 1867, Pháp chiếm ba tỉnh Tây Nam Kỳ. Các tỉnh cũ được chia thành các hạt, Châu Ðốc là một hạt. Năm 1900, đơn vị hạt đổi thành tỉnh, toàn Nam Kỳ bấy giờ có 21 tỉnh. Ðịa bàn tỉnh An Giang cũ của triều Nguyễn bị chia thành 5 tỉnh là Châu Ðốc, Long Xuyên, Sa Ðéc, Cần Thơ, Sóc Trăng. Năm 1913, Pháp thành lập các quận trực thuộc tỉnh. Tỉnh Châu Ðốc có bốn quận là Châu Phú (tỉnh lỵ), Tân Châu, Tịnh Biên, Tri Tôn và năm 1929 lập thêm quận Hồng Ngự.
Năm 1956, chính phủ Việt Nam Cộng hòa nhập hai tỉnh Long Xuyên và Châu Ðốc thành tỉnh An Giang (địa bàn thu hẹp hơn tỉnh An Giang triều Nguyễn), tỉnh lỵ đặt tại thị xã Long Xuyên. Chưa đầy mười năm sau, tỉnh An Giang lại bị chia thành hai tỉnh là An Giang và Châu Ðốc vào năm 1964.
Sau khi đất nước thống nhất, tỉnh An Giang được tái lập vào năm 1976, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Long Xuyên và Châu Ðốc là thị xã trực thuộc tỉnh. Năm 2013, thị xã Châu Ðốc trở thành thành phố và cũng là thành phố đầu tiên ở ÐBSCL không phải là tỉnh lỵ.
Cộng đồng dân cư Châu Đốc
Trên một không gian có cả đồng bằng bao la và núi non hùng vĩ, sự giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các tộc người đã đem lại cho vùng đất An Giang diện mạo văn hóa đa tộc người và đa tôn giáo rất đặc biệt. Châu Ðốc là một trong các trung tâm văn hóa lớn của tỉnh An Giang càng thể hiện rõ điều đó.
Có thể nhận định, người Việt (Kinh) đóng vai trò chủ đạo trong công cuộc khai mở và phát triển khu vực biên giới. Họ đã tích cực tham gia vào các công tác đào kinh, đắp đường, lập làng, cất chợ… được triển khai dưới triều Nguyễn. Song song với quá trình chinh phục đất mới, người Việt đã định hình nên những giá trị văn hóa đặc thù cho Châu Ðốc. Những năm 1785, khu vực trung tâm thành phố Châu Ðốc hiện nay được tộc họ Lê Công có nguồn gốc từ Thanh Hóa đến khai khẩn. Sau này, một gia tộc khác cũng tìm đến Châu Ðốc khá sớm, đó là dòng họ Nguyễn Khắc, con cháu của Thoại Ngọc Hầu.
An Giang giáp với Campuchia nên người Khmer cũng di cư đến. Tới đầu thế kỷ XX, toàn tỉnh Châu Ðốc có 26 làng của người Khmer thuộc 4 tổng. Ngày nay, số lượng người Khmer cư trú ở TP Châu Ðốc ít hơn hai huyện lân cận là Tịnh Biên và Tri Tôn. Người Chăm cũng có mặt và góp phần vào tiến trình phát triển của Châu Ðốc. Họ theo đạo Islam nên văn hóa có nhiều khác biệt so với người Chăm ở miền Trung. Dù người Chăm có sự cách biệt lớn với người Việt, Khmer, Hoa vốn theo Phật giáo; nhưng trong đời sống thường ngày họ vẫn hòa đồng. Người Hoa đến Châu Ðốc muộn hơn ba tộc người còn lại, vào khoảng đầu thế kỷ XVIII, chủ yếu là những người di cư từ các khu vực có đông người Hoa ở Nam Bộ như Ðồng Nai, Sài Gòn, Mỹ Tho, Hà Tiên… Ngoài ra, nơi đây còn có những gia đình người Hoa di cư từ Campuchia về. Hiện nay người Hoa cư trú đông đảo tại các phường Châu Phú A, Châu Phú B, Vĩnh Mỹ.
Từ buổi đầu đặt chân đến Châu Ðốc, các thế hệ tiền nhân đã vô cùng gian lao để chinh phục mảnh đất này. Cư dân các dân tộc Việt, Khmer, Chăm, Hoa đã chung tay xây đắp miền biên thùy. Thời chiến, họ cùng nhau ra trận để giữ gìn bờ cõi. Thời bình, họ cùng nhau sáng tạo và truyền lưu những giá trị tốt đẹp. Có thể nhận định, Châu Ðốc là vùng đất tiêu biểu cho sự đa dạng văn hóa ở Nam Bộ.
------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
UBND TP Châu Đốc (2015), “Điều kiện tự nhiên thành phố Châu Đốc”, www.chaudoc.angiang.gov.vn, 17/12/2015.
Lý Tùng Hiếu (2012), “Diện mạo văn hoá đa tộc người - đa tôn giáo ở An Giang qua khảo sát điền dã”, Tập san Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 56, tr. 25&40.
Lê Thị Diễm Thúy (2014), "Tiến trình văn hóa của các dân tộc Khmer, Chăm, Hoa ở vùng Tây Nam Bộ từ năm 1802 đến nay", Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, tr. 32.