17/05/2012 - 21:21

Châu Âu tính toán “cái giá” của việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone

“Cái giá” cho sự ra đi của Hy Lạp khỏi Eurozone có thể lên tới 1.000 tỉ USD. Ảnh: Readonline.org

Chính phủ Anh đang gấp rút chuẩn bị để đối phó với tình huống xấu nhất là Hy Lạp rời bỏ khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sau khi Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo “châu Âu đang tự xé nhỏ mình ra”.

Anh đang hết sức lo lắng việc rời bỏ khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) của Hy Lạp sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nước này. Theo dự đoán của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Tài chính Anh, sự rút lui có sắp đặt trước của Hy Lạp sẽ gây ra sự tổn thất tương đương 2% giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone. Tuy nhiên, sự “chia tay” bất ngờ và trong tình trạng hỗn loạn sẽ đẩy mức tổn thất lên đến 5% GDP, tương đương 1.000 tỉ USD.

Trong bài phát biểu trước khi đến Mỹ dự hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G-8), Thủ tướng Anh David Cameron nhận định Eurozone “hoặc là phải liên hiệp lại hoặc là chờ tan rã” và nhấn mạnh các lãnh đạo châu Âu phải lựa chọn ngay chứ không thể chần chừ. Theo Thủ tướng Cameron, với con đường thứ nhất, châu Âu sẽ có một khối đồng tiền chung ổn định và thành công với những ngân hàng được huy động vốn dồi dào, một hệ thống chia sẻ gánh nặng tài chính cùng một chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ hiệu quả. Ngược lại, châu lục này sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ to lớn. Thủ tướng Cameron khẳng định ông sẽ làm mọi thứ để bảo vệ hệ thống kinh tế và tài chính của Anh.

Các quan chức thuộc Ngân hàng Trung ương, Bộ Ngân khố và Cơ quan Dịch vụ Tài chính của Anh đã soạn ra những kế hoạch với giả thuyết việc Hy Lạp rời bỏ đồng euro sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu không thua gì sự phá sản của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ năm 2008. Với việc kêu gọi Hy Lạp tổ chức bầu cử sớm vào ngày 17-6, ông Mervyn King - Giám đốc Ngân hàng Trung ương Anh - tiết lộ ngân hàng này sẽ thực hiện một số bước để kích thích sự phát triển nếu các nhà hoạch định chính sách châu Âu không giải quyết được các cuộc khủng hoảng nợ. Ông nhận định: “Eurozone đang tự xé nhỏ mình ra mà không có giải pháp nào cụ thể”.

Theo báo The Guardian của Anh, tình trạng rút vốn hàng loạt đã xảy ra với Hy Lạp kể từ khi nhiều người thấy rõ liên minh cầm quyền không thể được hình thành sau cuộc bầu cử sớm hồi đầu tháng này. Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias cho biết người dân đổ xô rút tiền khỏi ngân hàng do lo sợ Hy Lạp sẽ vỡ nợ và sẽ rút chân khỏi Eurozone. Chỉ sau một tuần kể từ ngày bầu cử 6-5, tổng cộng gần 5 tỉ USD đã được rút khỏi các ngân hàng nước này. Ông Charles Dallara - Giám đốc điều hành Viện Tài chính Quốc tế - nhận định tiền đang “chảy” khỏi Hy Lạp một cách nhanh chóng do sự bấp bênh của tương lai chính trị. Tuy nhiên, ông cho rằng tình hình có thể ổn định một khi chính quyền tái xác nhận rằng Hy Lạp sẽ không rời khỏi Eurozone. Ông dự báo thiệt hại để lại cho các nước thành viên Eurozone một khi Hy Lạp ra đi sẽ vô cùng to lớn.

TRIẾT VĂN (Theo Guardian)

Tây Ban Nha lo bị loại khỏi thị trường quốc tế

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy vừa kêu gọi “bảo vệ khẩn cấp cho dự án đồng euro” khi cho rằng Madrid có nguy cơ bị loại khỏi các thị trường quốc tế bởi chi phí vay mượn “phi mã”. Ông Rajoy đề nghị các lãnh đạo châu Âu công khai hỗ trợ “các nước đang mắc nạn” giữa lúc nhiều lo ngại rằng ảnh hưởng lan truyền từ Hy Lạp có thể gây nên cuộc khủng hoảng “có thể thấy trước” trong ngành ngân hàng Tây Ban Nha và sau đó là một gói cứu trợ dành cho xứ sở bò tót.

Thủ tướng Rajoy nói Madrid có nguy cơ sẽ không thể vay mượn hoặc vay mượn với mức giá vô cùng cao trừ khi có thể giảm số nợ công và lấy lại được sự tín nhiệm của thị trường. Sau khi nhiều người tiên đoán rằng khối các nước sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) sẽ tan vỡ, ông Rajoy đề nghị các nhà lãnh đạo châu Âu nên đưa ra một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ về dự án bảo vệ đồng euro cũng như khẳng định về tính bền vững của công nợ ở tất cả các thành viên đang bị “săm soi” tại thời điểm này.

THUẬN HẢI (Theo Telegraph)

 

“Cái giᔠcho sự ra đi của Hy Lạp khỏi Eurozone có thể lên tới 1.000 tỉ USD. Ảnh: Readonline.org

Chia sẻ bài viết