01/08/2021 - 08:16

Chất thép của nhà văn Sơn Tùng 

Nhà văn Sơn Tùng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, được trao Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng. Ông là tấm gương sáng về bản lĩnh, nghị lực, phẩm chất, lý tưởng cách mạng và sự nghiệp văn chương, mà nổi bật là tác phẩm về Bác Hồ “Búp sen xanh”. Ông vừa ra đi tuần qua, ở tuổi 93, nhưng chất thép trong cuộc sống, chiến đấu và lao động nghệ thuật của ông mãi được nhớ đến.

Nhà văn Sơn Tùng. Ảnh: Vĩnh Khánh

Nhà văn Sơn Tùng, tên thật là Bùi Sơn Tùng, sinh ngày 8-8-1928 tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, trong một gia tộc nổi tiếng hiếu học. Từ năm 18 tuổi, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, bắt đầu với công việc tuyên truyền viên của phòng thông tin, ngành văn hóa tỉnh Nghệ An và các phong trào kháng chiến tại Liên khu 4. Năm 21 tuổi ông được kết nạp Ðảng. Sau đó, được đào tạo tại Trường Ðại học Nhân dân. Là người ham học từ nhỏ, môi trường học tập mới giúp ông phát huy khả năng viết lách và rèn bản lĩnh thuyết trình tại các cuộc họp và các buổi diễn đàn, phục vụ cho công tác tuyên huấn mà ông được giao.

Năm 1962, ông nhận nhiệm vụ mới: phóng viên Báo Tiền Phong, theo sở nguyện của bản thân và yêu cầu của tòa soạn. Càng dấn thân vào công tác báo chí, ông càng khao khát chuyển tải những thông tin chiến sự cũng như niềm tin sẽ chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước. Năm 1965, ông thường xuyên có mặt tại tuyến lửa Khu 4, từ cầu Hàm Rồng, đến Truông Bồn, ngã ba Ðồng Lộc, Quảng Bình, Quảng Trị... Năm 1967, ông cùng các đồng nghiệp xung phong vào chiến trường miền Ðông Nam Bộ, bằng cách đi xuyên Trường Sơn. Ði đến đâu ông nghiêm túc ghi chép từng sự kiện nóng hổi, chịu khó lặn lội phát hiện những câu chuyện từ lớn đến nhỏ với những nhân vật điển hình, chuyển tải thành hàng trăm tin ngắn, tin tường thuật, ghi nhanh, phóng sự... 

*

*      *

Nhà văn Sơn Tùng khẳng khái mà chân thành, nghiêm túc mà gần gũi; nên được nhiều người yêu mến. Tố chất ấy, đã làm nên một nhân cách nhà báo, nhà văn, thi sĩ Sơn Tùng. 

Tôi còn nhớ vào một buổi chiều tháng 3-1976, chương trình ca nhạc của Ðài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu bài hát mới “Gửi em chiếc nón bài thơ” nhạc của Lê Việt Hòa, phổ thơ Sơn Tùng, do nghệ sĩ Kiều Hưng trình bày. Bài hát thấm đẫm tình yêu quê hương và con người xứ Nghệ, đầy lạc quan trong không khí đất nước hòa bình, được thể hiện bằng giọng hát truyền cảm, nên cả đơn vị chúng tôi rất yêu thích bài hát ấy. Thế rồi, không ít người chép lại bài hát đó, phổ biến cho những người lính chúng tôi cùng hát. Sau đó dự thi văn nghệ quần chúng Khu 4. Những lời thơ da diết qua nhạc, đến bây giờ vẫn in đậm trong tôi:

“Em gửi cho anh chiếc nón bài thơ xứ Nghệ

Mang hình bóng quê hương

Dệt vào đây trăm mến ngàn thương

Nón bài thơ, em đội nón bài thơ đi đón ngày hội mới

Nước non ta nay một dải

vẹn tròn như chiếc nón bài thơ...”

Tôi còn khâm phục, ngưỡng mộ nhà văn Sơn Tùng ở nỗ lực phi thường để chiến thắng bệnh tật, thương tích; ngưỡng mộ sức lao động nghệ thuật và sự sáng tạo của ông qua các tác phẩm văn học.

Vào một buổi sáng tháng 4-1971, nhà báo Sơn Tùng khi ấy đã đi sâu vào căn cứ địa Tà Nốt ở chiến khu D (tỉnh Tây Ninh). Căn cứ bị pháo địch, một mảnh pháo nhọn sắc đã xuyên qua đầu ông, khuôn mặt và cuốn sổ tay đang ghi chép đỏ một màu máu. Một cán bộ đã kịp thời cõng ông vào trạm phẫu thuật tiền phương cấp cứu. Ông trở thành thương binh nặng 1/4 từ đấy. Dẫu bị tổn thất lớn về sức khỏe, nhưng ông vẫn không bi quan chán nản, vẫn nuôi dưỡng sức viết trên chiếc bàn nhỏ, trong căn nhà nhỏ ở khu tập thể Văn Chương (Hà Nội). Từ năm 1974 trở đi, nghiệp văn của ông bắt đầu với những thành công trọn vẹn. 

Ðiều đặc biệt của nhà văn Sơn Tùng là ông dành ưu tiên sưu tầm, khám phá và xây dựng nhiều tác phẩm về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong 21 tác phẩm của ông đã in thành sách, có 13 tác phẩm viết về Bác Hồ, với nhiều thể loại khác nhau. Ðặc biệt là tiểu thuyết “Búp sen xanh” được tái bản hơn 30 lần và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Cuốn sách này có đề tựa của Thủ tướng Phạm Văn Ðồng: Chúng ta có một khẩu hiệu rất đúng, rất hay: “Chủ tịch Hồ Chí Mĩnh vĩ đại, sống mãi trong sự nghiệp chúng ta”. Ðúng như vậy, Hồ Chủ Tịch sống mãi trong những tư tưởng và tình cảm lớn, trong toàn bộ hoạt động cách mạng của nhân dân Việt Nam ta, của mọi người chúng ta. Ðồng thời Hồ Chủ Tịch cũng sống mãi trong những tác phẩm văn học nghệ thuật, có giá trị diễn tả cuộc đời đã trở thành lịch sử đẹp nhất, và vẻ vang nhất của dân tộc Việt Nam ta”.

Tôi đã nhiều lần đọc “Búp sen xanh”, lần nào cũng vẹn nguyên bồi hồi xúc động như lần đọc đầu tiên. Bởi đằng sau câu chữ mộc mạc là tình yêu da diết dành cho gia đình, dòng họ, xóm làng của Bác Hồ thời thơ ấu. Lần giở từng trang trong tiểu thuyết này, thấy thú vị vì nhà văn Sơn Tùng đã “giải mã” về vận nước, vận nhà và đời sống kinh tế xã hội của mảnh đất Kim Liên, quê hương của Bác. Hiếm có một tiểu thuyết nào về Bác lại giống như một thiên truyện ký. Bằng lối dẫn chuyện hấp dẫn, khi những nhân vật chính đều là những nhân vật thật. Từ thân phụ Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu Hoàng Thị Loan, anh Khiêm, chị Thanh, hay cụ Hoàng Xuân Ðường... đều được khắc họa bằng những chi tiết sống động, qua biểu đạt ngôn ngữ và hình tượng, đầy ắp sự kiện. Tác phẩm “Búp sen xanh” được trân trọng đón nhận bởi nhà văn Sơn Tùng đã có thời gian dài tìm hiểu, ghi chép công phu; lại có kiến thức tích lũy về lịch sử, vốn sống văn hóa vùng miền và văn hóa dân tộc; mới đạt được đỉnh cao ấy.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thay mặt Ðảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng. Ảnh: thethaovanhoa.vn

Nhắc đến cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Sơn Tùng, không thể không nhắc tới sự tận tụy hy sinh thầm lặng của bà Phan Thị Hồng Mai, nguyên là y tá cứu thương, đã từng chăm sóc cho ông trong chiến tranh, sau này trở người vợ thủy chung, cùng ông vượt qua bệnh tật. 

Với nhà văn Sơn Tùng, sống cống hiến thì cuộc đời mới có ý nghĩa. Ông thường xuyên tâm niệm quan điểm sống của nhân vật Paven trong “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai Ostrovsky (1904-1936): “Cái quý nhất của con người là cuộc sống. Ðời người chỉ sống có một lần, phải sống làm sao cho khỏi xót xa ân hận, bởi những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn về dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để đến khi nhắm mắt, xuôi tay ta có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho cách mạng, cho sự nghiệp đấu tranh và giải phóng loài người”.

Bây giờ nhà văn Sơn Tùng đã về cõi vĩnh hằng. Mọi người vẫn mãi nhớ những câu chuyện về cách ông đã sống và những tác phẩm ông đã viết.   

Nhà văn Sơn Tùng có các tiểu thuyết “Vườn nắng”“Lõm”... về chiến tranhCác truyện lịch sử về Trần Phú, Nguyễn Hữu Tiến… Để lại ấn tượng nhất là tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, như loạt tiểu thuyết “Búp sen xanh”, “Bông sen vàng”, “Trái tim quả đất”; truyện ký: “Bác về”, “Nguyễn Ái Quốc qua ký ức một bà mẹ Nga”… Cuối năm 1987 ông viết kịch bản phim “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng”, đến năm 1990 được dựng phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, đạo diễn Long Vân.

Thơ của nhà văn Sơn Tùng nổi bật có bài “Gửi em chiếc nón bài thơ” (sáng tác năm 1955, được nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc sau ngày đất nước thống nhất) và “Cửa sổ xanh” (1971). 

Năm 2011, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Phan Thế Cải 

Chia sẻ bài viết