16/09/2019 - 07:02

Chàng trai trẻ mê kinh doanh và sửa đàn  

Ở căn nhà cho thuê nhỏ, nằm trên đường Trần Ngọc Quế, thuộc phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, anh bạn trẻ Mai Văn Hùng miệt mài bên hàng trăm cây đàn guitar. Có đàn mới chờ lắp ráp, lên dây; có đàn cũ của khách chờ sửa chữa. Nhiều người quen biết Hùng đã từng tỏ ra bất ngờ khi biết anh bạn trẻ này sẵn sàng cất tấm bằng kỹ sư xây dựng để theo đuổi đam mê khám phá, tìm hiểu và kết nối “độ rung” chuẩn cho những cây đàn guitar.

Hùng sửa đàn cho khách.

►Duyên nợ với đàn guitar

Hùng sinh năm 1992, ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Năm học lớp 10, lần đầu tiên Hùng được cầm cây đàn guitar cũ ở nhà nội. Cảm giác thích thú món nhạc cụ này quay trở lại và được dịp thỏa mãn khi Hùng thi đậu Cao đẳng ngành xây dựng dân dụng, đi học ở Cần Thơ và ở nhờ nhà cậu ruột, một người thích chơi đàn guitar. Nhờ được làm bạn với cây đàn của cậu, Hùng dần khám phá được từng chi tiết của nhạc cụ này và hiểu cách lắp ráp thế nào để dây đàn có thể rung ra tiếng nhạc. Vậy là, cây đàn cũ ở nhà ông bà nội được Hùng tận dụng, vừa làm dụng cụ học đàn, vừa là “vật mẫu” để Hùng tập tành sửa chữa suốt những năm học Cao đẳng. Lúc đầu, Hùng tự xem cách sửa đàn qua các trang mạng internet, rồi theo chỉ dẫn của người quen, Hùng tìm tới chỗ sửa đàn chuyên nghiệp. Để hiểu thật rõ về đàn guitar, Hùng còn tìm đến xưởng làm đàn ở TP Hồ Chí Minh, xem quy trình làm đàn chuyên nghiệp.

“Sau 1 năm đi làm đúng chuyên ngành xây dựng, tôi quay trở lại Cần Thơ học liên thông Đại học ngành Kỹ thuật công trình xây dựng ở Trường Đại học Cần Thơ. Mong muốn được thỏa mãn đam mê và hơn hết là muốn có tiền học đại học, tôi hiện thực hóa ý tưởng mua đàn về bán qua mạng xã hội” - Hùng kể. Với sự hỗ trợ nhiệt tình từ những người bạn, bao gồm cho mượn vốn và hỗ trợ chỗ trưng bày ở một góc xưởng tranh trên đường 3 Tháng 2, ngày 12-12-2014 Hùng chính thức khai trương bán đàn. Khi đó, anh bạn trẻ này vừa vào học đại học được hơn 2 tháng. Sau 6 tháng cầm cự chỉ đủ tiền trả mặt bằng, Hùng bắt đầu có thu nhập từ công việc bán đàn. Vậy là, sau giờ học, có điều kiện theo đuổi sở thích và đam mê trong thời gian dài đã khiến mục tiêu ngành nghề của cuộc đời Hùng thay đổi. Sau tốt nghiệp Đại học hơn nửa năm, Hùng mở cửa tiệm chuyên bán và sửa đàn guitar chuyên nghiệp ở đường Trần Ngọc Quế (ngã ba dưỡng lão) và theo đuổi nghề mình yêu thích cho đến nay.

Hùng lên dây cho đàn. Ảnh: Mỹ Tú

Trong không gian cửa tiệm nhỏ, khá chật hẹp, Hùng càng thêm hạnh phúc khi có sự đồng hành, ủng hộ của vợ, người đã thầm yêu thích tiếng đàn của Hùng và luôn ủng hộ, động viên Hùng theo đuổi đam mê trước khi gật đầu về chung một nhà.

►Kỹ thuật của người thợ

Cầm cây đàn guitar trong tay, Hùng diễn giải về những yếu tố ảnh hưởng đến độ rung của dây đàn và âm thanh phát ra. “Thường, người chơi đàn dùng thuật ngữ action để chỉ khoảng cách giữa dây đàn với mặt phím. Nếu action quá cao, người chơi sẽ khó bấm, chơi lâu sẽ dễ mỏi và đau tay; ngược lại, action quá thấp, nghĩa là dây đàn quá gần mặt phím, dây ít có không gian để rung dẫn đến độ ngân thấp và còn có thể gây ra tiếng rè khi chơi đàn do dây chạm vào phím khi rung”- Hùng hướng dẫn một trong những quy tắc dùng đoán bệnh liên quan đến dây đàn. Ngoài các kỹ thuật về độ cao, độ căng chuẩn, khi lên dây đàn, người thợ còn phải chú ý đến thói quen chơi đàn hoặc sở thích, độ phù hợp của dây đàn với người chơi để điều chỉnh hợp lý nhất theo yêu cầu người chơi.

Không chỉ là dây đàn, người chơi tìm đến Hùng nhờ hỗ trợ với rất nhiều sự cố hư hỏng trên cây đàn như: cong cần đàn, rè phím, nứt gãy cần, bể thùng đàn hay bung nan thùng đàn, bung ngựa, lược đàn, gãy khóa,… Tùy trường hợp, Hùng tìm cách sửa chữa, khắc phục sao cho phù hợp, đem lại hiệu quả tốt nhất nhưng ít tốn kém nhất. Hùng chia sẻ: “Để sửa đàn hiệu quả, không nhất thiết người thợ phải chơi đàn thật giỏi mà chỉ cần hiểu rõ đàn và cảm âm tốt. Đôi khi chỉ cần gảy lên vài nốt nhạc hoặc gõ nhẹ vào thùng đàn đã có thể “chẩn đoán” được những căn “bệnh” không thể nhìn thấy bằng mắt”. Góc làm nghề sửa đàn của Hùng chỉ vỏn vẹn chừng 2m2, nhưng đó cũng là không gian thu hút năng lượng sáng tạo và đam mê của chàng trai trẻ. Rất nhiều dụng cụ hỗ trợ sửa đàn là do Hùng tự chế. Cứ chịu khó tìm hiểu, đặt hết tâm sức vào việc mình muốn làm thì tự nhiên sẽ sáng tạo hơn”, Hùng khẳng định. Một cây đàn mắc lỗi khoảng cách giữa dây và phím quá cao, dây căng, khiến người chơi khó bấm. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, Hùng quyết định mài ngựa đàn. Thao tác nhanh nhạy, thuần thục, chỉ trong thời gian ngắn, Hùng đã mài xong ngựa, lắp vào vị trí và căng dây để tiếp tục kiểm tra lại lần nữa. Hoặc một cây đàn bị gãy đầu cần, Hùng khéo léo mài giũa, dán keo rồi sơn phết lại, để cần đàn nhìn y như mới. Tùy lỗi nhiều hay ít, nhẹ hay nặng, mỗi cây đàn sửa xong, Hùng nhận tiền công dao động trên dưới 100.000 đồng.

Ngoài sửa đàn, Hùng nhận lắp bộ thu âm và hiệu chỉnh âm thanh cho đàn (còn gọi là EQ), giúp đưa âm thanh ra loa đạt độ chuẩn tốt hơn; nhận đặt hàng một số loại nhạc cụ, trong đó có nhạc cụ chuyên nghiệp, giá trị cao.

Căn tiệm của Hùng tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng có hàng trăm cây đàn guitar các loại và nhiều nhạc cụ khác như: đàn ukulele, mandolin, trống cajon, đàn violin, harmonica, sáo,… thu hút nhiều người đam mê âm nhạc. Trong đó, có cả những bác lớn tuổi tới sửa đàn, sẵn tiện ngắm nghía nhiều loại nhạc cụ mới, hay các bạn sinh viên tập tành chơi đàn guitar và cả nhiều bạn trẻ nước ngoài mê đàn tìm tới hỏi mua. Để hỗ trợ khách hàng, Hùng thuê thầy dạy đàn cơ bản trong 2 tháng cho những vị khách mới mua đàn và muốn học đàn. Dù vẫn chưa phát triển được như mong muốn nhưng được sống trong không gian tràn ngập niềm đam mê, được tiếp xúc với người cùng sở thích và có thu nhập ổn định, với Hùng, mục tiêu của cuộc sống đã đạt được.

Bài, ảnh: Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết