26/01/2018 - 17:08

Chàng trai đam mê thư pháp 

Ở tuổi 26, Huỳnh Đăng Khoa là Chủ nhiệm Hội quán nghệ thuật Việt- Chân- Thư (thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh Sóc Trăng), ông chủ quán không gian thư pháp và trà đạo tại TP Sóc Trăng và là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp TP Cần Thơ. Thành công bước đầu của chàng trai trẻ chính nhờ vào sự học hỏi không ngừng khi quyết tâm chọn lối đi  theo đam mê nghệ thuật.

Huỳnh Đăng Khoa trình diễn nghệ thuật viết chữ thư pháp tại Chương trình biểu diễn nghệ thuật do UBND TP Cần Thơ tổ chức tại Khách sạn Nesta.

Những ngày cận Tết, Khoa tất bật với công việc. Hôm thì Khoa về Sóc Trăng, khi lại chạy lên Cần Thơ để tham gia thiết kế sân khấu, đạo cụ cho chương trình văn hóa, lễ hội chuẩn bị mừng xuân Mậu Tuất. Sau nhiều lần trò chuyện qua điện thoại, tôi cũng gặp được chàng trai trẻ này khi Khoa vừa từ quê nhà đến Cần Thơ để chuẩn bị cho chương trình biểu diễn nghệ thuật ở Thiền viện Trúc lâm Phương Nam. Khoa đùa: “Mùa này là thời điểm chạy sô, cực nhưng vui lắm!”.

Huỳnh Đăng Khoa quê ở tỉnh Sóc Trăng. Từ nhỏ, Khoa đã thích vẽ. Mỗi khi đi học về, Khoa cứ miệt mài với giấy, bút chì, bút màu. Những bức vẽ của Khoa thường được thầy, cô khen ngợi. Năm học lớp 11, Khoa tham gia cuộc thi vẽ tranh với chủ đề Biến đổi khí hậu (do một tổ chức phi chính phủ về bảo vệ môi trường của Đức phát động và tài trợ) dành cho học sinh THPT ở Việt Nam. Kết quả, Khoa đoạt giải Nhất cuộc thi.

Nói về “mối duyên” với hội họa, Đăng Khoa bộc bạch: “Vẽ đã thấm sâu vào máu của tôi rồi”. Vì vậy, sau hơn một năm theo học ngành sân khấu điện ảnh, Khoa bỏ học và quyết tâm thi vào ngành hội họa Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ. Có năng khiếu cộng với nỗ lực học hỏi, và sẵn sàng thích trải nghiệm để rèn luyện bản thân, Khoa đã gặt hái được những thành công nho nhỏ ngay khi còn là sinh viên. Vừa học, Khoa vừa vẽ thuê, viết thư pháp, tham gia thiết kế sân khấu cho những chương trình văn hóa, biểu diễn nghệ thuật ở tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ. Sau khi tốt nghiệp, chàng họa sĩ trẻ này lại chọn thư pháp để đưa nghệ thuật đến gần hơn với mọi người. Câu lạc bộ Thư pháp TP Cần Thơ đã phối hợp với Bảo tàng Cần Thơ tổ chức Phố Ông Đồ đầu tiên ở TP Cần Thơ vào năm 2013. Phố Ông Đồ cũng được Câu lạc bộ Thư pháp của Khoa đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Hiện tại, Khoa cùng các cộng sự độc lập tổ chức Phố Ông Đồ vào mỗi dịp lễ hội.

Huỳnh Đăng Khoa còn được các đơn vị, tổ chức tin tưởng giao thiết kế sân khấu, chương trình biểu diễn văn hóa văn nghệ tại quê nhà và TP Cần Thơ. Đặc biệt, đối với những chương trình biểu diễn nghệ thuật cho cộng đồng, Khoa hỗ trợ thiết kế và tham gia miễn phí. Khoa cho biết: “Tôi còn phải học hỏi nhiều hơn nữa đối với nghệ thuật thư pháp”. Theo Khoa, để những nét chữ có hồn, người viết phải thật sự tĩnh tâm và để cả tâm trí vào chữ đang viết. Bên cạnh nắm bộ chữ cơ bản, Khoa đang cố gắng tìm tòi để có bộ chữ thư pháp riêng mang phong cách cá nhân khi cho chữ.

Nói về những dự định cho năm mới, Huỳnh Đăng Khoa chia sẻ: “Hiện tại, tôi đang kết nối để giới thiệu thư pháp tại những chương trình biểu diễn nghệ thuật để ngày càng có nhiều người biết đến môn nghệ thuật này và trân quý nét chữ thư pháp. Đặc biệt là thế hệ trẻ có thể học để giữ gìn hình ảnh ông đồ ngồi trên phố cho chữ như một nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam”.

Bài, ảnh: THẢO MỘC

Chia sẻ bài viết