19/03/2021 - 10:10

Chẩn đoán bệnh Parkinson bằng xét nghiệm qua da 

Các nhà khoa học Anh vừa phát triển một xét nghiệm đột phá chẩn đoán hội chứng liệt rung (bệnh Parkinson) dựa vào các hợp chất trên bề mặt da. Tiến bộ này hứa hẹn giúp chẩn đoán căn bệnh thoái hóa thần kinh đơn giản hơn và không gây đau đớn.

Bác sĩ lấy mẫu bã nhờn từ lưng các đối tượng nghiên cứu để xét nghiệm.

Kỹ thuật được phát triển bởi các chuyên gia tại Ðại học Manchester, hoạt động bằng cách phân tích các hợp chất có trong bã nhờn - chất nhờn bao phủ và bảo vệ da - và xác định những thay đổi ở người bệnh Parkinson. Bã nhờn rất giàu các phân tử giống như lipid (chất béo) và là một trong những chất lỏng sinh học ít được nghiên cứu trong việc chẩn đoán bệnh. Trong khi đó, người bị Parkinson được ghi nhận tiết nhiều bã nhờn hơn bình thường - tình trạng được gọi là tăng tiết bã nhờn.

Nhóm nghiên cứu do Giáo sư Perdita Barran dẫn đầu từng phát hiện rằng, các hợp chất dễ bay hơi trên da có thể được sử dụng để chẩn đoán bệnh Parkinson. Trong nghiên cứu mới, kỹ thuật khối phổ có độ phân giải cao đã được sử dụng để xác định dấu hiệu hóa học phức tạp trong bã nhờn của những người bị Parkinson, qua đó phát hiện những thay đổi nhỏ khi bệnh tiến triển. Phân tích chi tiết cho thấy quá trình xử lý lipid và ti thể ở những người bị Parkinson cũng thay đổi. Trong khi đó, các vấn đề về ti thể - “nhà máy” năng lượng của các tế bào - là một trong những dấu hiệu nổi bật của bệnh Parkinson.

Ðể kiểm chứng, các chuyên gia đã tuyển 500 người mắc và không mắc bệnh Parkinson, sử dụng các mẫu bã nhờn lấy từ phần lưng trên của họ để phân tích. Bằng các phương pháp khối phổ khác nhau, 10 hợp chất hóa học trong bã nhờn đã được xác định tăng hoặc giảm ở những người bị Parkinson. Ðiều này cho phép các nhà khoa học nhận diện những người bị Parkinson với độ chính xác lên tới 85%.

Kỹ thuật xét nghiệm Parkinson qua da “đầu tiên trên thế giới” này được đánh giá không chỉ hữu ích trong chẩn đoán mà còn giúp theo dõi sự tiến triển của bệnh một cách chính xác, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí. Bằng cách này, các nhà nghiên cứu có thể ứng dụng để đánh giá hiệu quả các phương pháp điều trị thử nghiệm mới hướng tới làm chậm, ngăn chặn hoặc đảo ngược bệnh Parkinson.

Công bố kết quả trên tạp chí Nature Communications, nhóm nghiên cứu cho biết họ sẽ tiếp tục tinh chỉnh xét nghiệm nhằm nâng cao độ chính xác và tiến tới sử dụng nó trong điều trị tình trạng suy nhược thần kinh này.

HOÀNG ÐIỂU (Theo SciTechDaily)

Chia sẻ bài viết