06/06/2018 - 10:41

Cây ớt phát triển trên đất Thạnh Tiến 

Vài năm trở lại đây, diện tích trồng ớt phát triển khá mạnh ở xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Trung bình mỗi công ớt cho lợi nhuận gấp 2 - 3 lần so với cây lúa. Thế nhưng thu nhập từ loại cây trồng này cũng lắm thăng trầm do phụ thuộc vào yếu tố thời tiết và thị trường tiêu thụ…   

Năm 2014, anh Nguyễn Văn Tựu, ấp Phụng Phụng, xã Thạnh Tiến chuyển đổi 1ha đất trồng lúa sang trồng ớt chỉ thiên. Vụ đầu tiên, sau khi trừ chi phí, anh thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Thấy mô hình có hiệu quả, nên anh Tựu gắn bó với cây trồng này cho tới nay. Anh Tựu cho biết: "Từ khi chuyển từ trồng lúa sang trồng ớt đến nay, gia đình tôi có thu nhập ổn định, cuộc sống khấm khá".

Thu hoạch ớt ở xã Thạnh Tiến.

Từ vài hộ ban đầu tận dụng bờ đê, đất bờ trồng ớt kiếm thêm thu nhập và nhận thấy loại cây trồng này có triển vọng, nên nhiều hộ đã mạnh dạn đưa cây ớt xuống ruộng thay cho cây lúa. Theo các hộ trồng ớt, một vụ ớt kéo dài khoảng 6 tháng, tính từ lúc trồng đến khi cho trái là 3 tháng và thu hoạch được 3 đợt trái (3 cổ ớt); mỗi cổ thu hái nhiều đợt, khoảng 4 - 5 ngày thì trái chín một lần. Nếu trúng mùa, mỗi công có thể cho năng suất từ 2-2,5 tấn ớt tươi. Hiện, giá ớt tươi được các thương lái thu mua từ 18.000-20.000 đồng/kg, tùy loại. Với mức giá này, người trồng ớt có thể thu lợi nhuận từ 15-20 triệu đồng/công. Dù vậy, vốn đầu tư cho 1 công ớt cũng khá cao, từ 15 - 18 triệu đồng, bao gồm: chi phí lên liếp, mua màng phủ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trả nhân công thu hái… Ông Phạm Văn Thuận ở ấp Phụng Phụng trồng 6 công ớt. Năm trước gia đình ông thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Vụ ớt năm nay, gia đình ông đang thu hoạch cổ ớt đầu tiên. Ông Thuận cho biết: "Năm nay do thời tiết bất lợi, mưa sớm nên có một số cây bị chết nhát, thối trái. Nhưng bù lại ớt có giá, nếu giá cả ổn định, nông dân chúng tôi phấn khởi lắm".

Mô hình trồng ớt ở xã Thạnh Tiến còn góp phần tạo việc làm cho hàng chục lao động nữ với mức thu nhập từ 150 - 200 ngàn đồng/ngày. Chị Võ Thị Thùy Linh, ấp Qui Lân 6, xã Thạnh Quới, nói: "Tới mùa, chúng tôi rủ nhau đi lãnh hái ớt cho chủ ruộng, trung bình mỗi người hái được từ 40-50kg, tiền công 4.000 - 5.000 đồng/kg. Tùy theo cổ ớt, thu nhập cũng được 150.000 - 200.000 đồng/ngày, đến cuối vụ cũng được 6 - 7 triệu đồng".

Theo lãnh đạo xã Thạnh Tiến, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa các mặt hàng nông sản, địa phương khuyến khích nông dân chuyển đổi áp dụng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao để tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất sản xuất. Hiện toàn xã đã chuyển đổi được hơn 34ha đất trồng lúa sang trồng hoa màu theo hình thức xen canh và chuyên canh, trong đó cây ớt chiếm hơn 22ha, chủ yếu bà con trồng giống ớt chỉ thiên, tập trung nhiều ở ấp Phụng Phụng. Tuy nhiên, thu nhập từ loại cây trồng này cũng lắm thăng trầm do phụ thuộc thị trường, giá ớt có thời điểm tăng cao đến 70.000-90.000 đồng/kg nhưng nhiều lúc chỉ khoảng trên dưới 10.000 đồng. Nhiều nông dân cho rằng, nếu giá ớt thấp hơn 12.000 đồng/kg, chắc chắn bà con sẽ thua lỗ. Ông Lê Phước Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Tiến, cho biết: "Mô hình trồng ớt đang phát triển khá mạnh ở địa phương, giúp cho bà con nông dân có thêm nhiều lựa chọn trong canh tác. Sắp tới, xã sẽ chỉ đạo các ban ngành phối hợp với ngành nông nghiệp tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, biện pháp quản lý, phòng trừ dịch hại thường xuất hiện trên cây ớt để giúp bà con canh tác đạt hiệu quả, giảm bớt rủi ro". Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần quan tâm hơn đến việc phát triển diện tích phù hợp, liên kết, tổ chức tốt khâu tiêu thụ, sơ chế sản phẩm… giúp cây ớt chắc rễ trên vùng đất này.

Bài, ảnh: Minh Hải

Chia sẻ bài viết