08/07/2013 - 21:24

Cầu tải trọng nhỏ- nỗi lo lớn của doanh nghiệp

Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn TP Cần Thơ rất bức xúc vì hạ tầng giao thông bộ của thành phố chưa đồng bộ. Các cầu trên tuyến quốc lộ tải trọng nhỏ, chỉ từ 15-24 tấn, xe container chở hàng hóa, nhất là hàng hóa xuất nhập khẩu, khó lưu thông qua lại.

      Cầu có tải trọng 15 tấn trên đường quốc lộ 91B.

Nhiều năm qua, TP Cần Thơ nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng nhất là các tuyến đường huyết mạch đi qua TP Cần Thơ như quốc lộ 91B, đường Nam sông Hậu, đường Võ Văn Kiệt… nhưng đến nay hệ thống giao thông vận tải của thành phố còn nhiều bất cập. Theo các DN, cầu Trà Nóc đang là cản trở lớn cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Hàng hóa xuất khẩu từ khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ), hay từ tỉnh An Giang, Kiên Giang về cảng Cần Thơ đều qua cầu Trà Nóc, trong khi cầu Trà Nóc chỉ có tải trọng 24 tấn. Năm 2007, nhiều DN đã "kêu cứu" vì tình trạng tải trọng cầu nhỏ, gây khó khăn cho DN trong vận chuyển hàng hóa. Thời điểm đó, cầu Trà Nóc với trọng tải cho phép qua cầu là 20 tấn, mà 1 container tải trọng cả hàng hóa phải từ 22-30 tấn. Vì vậy, DN xuất khẩu hàng thủy sản đông lạnh phải vận chuyển bằng xe lạnh nhỏ và chở nhiều lần đến cảng Cần Thơ để xếp vào container. Do đó, chất lượng hàng hóa không được đảm bảo, đặc biệt là đối với hàng hóa đông lạnh; làm tăng thêm nhân lực, chi phí và thời gian cho chuyển tải hàng hóa. Trước bức xúc của nhiều doanh nghiệp, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ đã gửi Công văn đến Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ nâng cấp hoặc đầu tư một cầu cặp với cầu hiện hữu có tải trọng trên 30 tấn để phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của DN. Tuy nhiên, đến năm 2010, cầu Trà Nóc mới được nâng cấp lên 24 tấn. Với tải trọng như vậy, các xe container qua lại cầu Trà Nóc vẫn gặp khó khăn.

Tại buổi tọa đàm "Gặp gỡ chính quyền với doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ" mới đây, ông Huỳnh Trung Quang, Tổng giám đốc Công ty Thép Tây Đô, KCN Trà Nóc, cho rằng Thép Tây Đô gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển phôi thép và thép thành phẩm vì TP Cần Thơ có nhiều cầu tải trọng chỉ 15-24 tấn, còn sắt thép là "siêu trường, siêu trọng". Nhu cầu thị trường ĐBSCL mỗi năm cần 600.000 tấn thép xây dựng, nhưng hằng năm công ty chỉ cung cấp cho thị trường khoảng 10%. Mặc dù Nhà máy Thép Tây Đô có công suất 120.000 tấn/năm và đã có mặt 18 năm tại ĐBSCL nhưng hằng năm nhà máy hoạt động chỉ đạt 50% công suất thiết kế. "Mặt hàng thép là siêu trường, siêu trọng, trong khi đó, cầu Trà Nóc cho phép tải trọng chỉ có 24 tấn, nếu tính xe tải không thì tải trọng đến hơn 10 tấn rồi, còn đâu chở hàng hóa"- ông Quang bức xúc.

Trên địa bàn thành phố, nhiều con đường rộng thênh thang nhưng cầu thì nhỏ hẹp và tải trọng nhỏ. Đơn cử như đoạn quốc lộ 91B, từ đường 3 Tháng 2- Nguyễn Văn Cừ nối dài có 3 cầu (số 1,2,3), tuyến đường từ Cần Thơ đi Kiên Giang, An Giang có đến 3 cầu nhưng đều có tải trọng 15 tấn, xe container chở hàng khó mà qua được. Ông Phan Thành Tiến, Giám đốc Cảng Cần Thơ, cho biết luồng lạch sông Hậu đang mắc cạn, còn đường bộ các xe tải lớn không qua cầu được, nên mấy năm gần đây cảng Cần Thơ gặp nhiều khó khăn, thiếu hàng bốc xếp, phải đi bốc xếp thuê cho nhiều nơi.

Về việc cầu, đường tải trọng không đồng bộ, thành phố đã nhiều lần kiến nghị lên Bộ Giao thông vận tải, nhưng đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết thỏa đáng. Ông Lê Quang Phượng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ, cho rằng, các cầu Trà Nóc trên quốc lộ 91 và cầu số 1,2, 3 trên quốc lộ 91B do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, thành phố không thể làm gì được. Thiết nghĩ, TP Cần Thơ là trung tâm giao thương và công nghiệp của ĐBSCL, do vậy đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, giúp thông thương hàng hóa là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển.

Bài, ảnh: HUỲNH BIỂN

Chia sẻ bài viết