09/11/2011 - 21:57

Cầu Ngang
Thêm mùa tôm bội thu

Vụ nuôi tôm sú 2011, trong khi nhiều nông dân ở nhiều địa phương ĐBSCL lao đao do tôm nuôi bị chết hàng loạt thì ở vùng nuôi tôm sú của huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) tiếp tục thắng lớn. Hàng ngàn nông dân lãi ròng từ 100 đến 500 triệu đồng, cá biệt xã Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Tây có hàng chục nông dân trở thành tỉ phú.

Niềm vui trúng mùa của nông dân vùng tôm Cầu Ngang. 

Vụ nuôi tôm sú năm 2011, trong khi tại nhiều địa phương ở các tỉnh ĐBSCL tôm nuôi bị chết hàng loạt mà chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu thì người nuôi tôm ở huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) phấn khởi thêm vụ nuôi tôm sú trúng lớn. Ông Dương Tấn Đởm, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cầu Ngang phấn khởi: “Đến thời điểm này nông dân trong huyện đã thu hoạch dứt điểm 4.646 ha diện tích nuôi tôm sú năm 2011. Trong 6.464 lượt hộ thả nuôi có gần 90% hộ có lãi, sản lượng thu hoạch hơn 13.550 tấn. Riêng xã nông thôn mới Mỹ Long Nam có 911 hộ thả nuôi trên diện tích 720 ha. Trong đó, có hơn 50% diện tích nuôi theo hình thức công nghiệp. Năng suất bình quân ở hình thức nuôi bán công nghiệp đạt 3-3,5 tấn/ha; nuôi công nghiệp đạt 5-6 tấn/ha; cá biệt có một số hộ nuôi công nghiệp năng suất đạt từ 8-12 tấn/ha. Tổng sản lượng thu hoạch đến nay đạt 4.400 tấn, tăng gần 1.000 tấn so năm 2010, tỷ lệ hộ nuôi có lãi chiếm 94%. Đặc biệt, có hàng chục hộ thu lãi từ 1 đến 3,5 tỉ đồng.

So với nhiều địa phương vùng ngập mặn ven biển ĐBSCL, nghề nuôi tôm sú ở các xã ven biển huyện Cầu Ngang phát triển vào năm 1998. Từ một vùng đất đai hoang hóa, nhiễm mặn, sản lượng tôm nuôi những năm đầu 1999 chưa đạt quá 100 tấn/năm, vậy mà chỉ hơn 10 năm phát triển vùng đất này trở thành “mỏ tôm” của tỉnh Trà Vinh. Nông dân Mai Chí Cường, xã Mỹ Long Nam, một trong những tỉ phú tôm vùng này, kể: “Con tôm sú đã giúp nhiều hộ nông dân vùng quê nghèo này đổi đời. Riêng gia đình tôi 5 năm qua, năm nào cũng lợi nhuận hơn 500 triệu đồng từ nuôi tôm sú. Đặc biệt vụ tôm sú 2010 và 2011, với diện tích nuôi 3 ha mỗi năm tôi lãi hơn 1,2 tỉ đồng”.

Về Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Tây, Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang vào những ngày trung tuần tháng 10- 2011, tôi như lạc giữa rừng tôm rộng hàng ngàn héc-ta đang vào vụ thu hoạch rộ. Nông dân Nguyễn Duy Sen, 44 tuổi, xã Mỹ Long Nam, một trong những tỉ phú thắng lớn vụ tôm 2011, chia vui: “Tôi nuôi tôm sú cách đây 8 năm, nhưng năm 2005 mới chính thức nuôi công nghiệp theo qui trình ao nổi. Vụ này tôi thả nuôi 700.000 con giống, gồm 9 ao (3,6ha). Nhờ nuôi mật độ thưa khoảng 17 con/m2, nên tôm đạt cỡ 25 con/kg, trừ chi phí vụ này lãi hơn 2 tỉ đồng”.

Tuy nghề nuôi tôm sú ở Cầu Ngang phát triển chậm hơn so các địa phương khác, bù lại nông dân nuôi tôm Cầu Ngang rất năng động trong việc tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật. Đúc kết kinh nghiệm 5 năm liền trúng tôm, có được kết quả như hiện nay là nhờ nông dân áp dụng quy trình nuôi tôm sú ít thay nước hoặc cấp nước bổ sung kết hợp sử dụng men vi sinh, chế phẩm sinh học... nhằm ổn định môi trường nước ao nuôi, không gây cho tôm bị sốc. Đây là quy trình được nhiều người nuôi tôm ở huyện Cầu Ngang ứng dụng đạt hiệu quả cao, năng suất từ 6 - 7 tấn/ha/vụ, một số vùng nuôi đạt “kỷ lục” lên đến 10 - 12 tấn/ha/vụ. Kỹ sư Đỗ Quốc Phong, Trung tâm khuyến Nông, khuyến ngư Trà Vinh, “chuyên gia” phụ trách kỹ thuật vùng nuôi tôm sú Cầu Ngang, cho biết: Nhờ ứng dụng kỹ thuật nuôi tôm ao nổi kết hợp với nuôi tôm sạch bằng chế phẩm sinh học, men vi sinh nên nhiều năm liền vùng tôm Cầu Ngang thắng lớn. Ưu điểm của mô hình nuôi tôm ao nổi là không đào sâu nên phèn tiềm tàng không tác động xấu đến ao nuôi. Nuôi ao nổi hơn hẳn ao chìm truyền thống (đào sâu 1 đến 1,5 mét) là nông dân chủ động từ trong cải tạo ao hồ, quản lý môi trường đến thu hoạch. Ngoài ứng dụng qui trình nuôi theo khoa học, thành công trong nghề nuôi sú ở Cầu Ngang còn có thêm yếu tố liên kết cộng đồng. Đến nay, huyện Cầu Ngang đã thành lập được 10 câu lạc bộ, tổ hợp tác nuôi tôm và một hợp tác xã nuôi tôm, với hơn 100 thành viên, diện tích hơn 150 ha mặt nước ao nuôi. Ông Dương Tấn Đởm, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cầu Ngang, nhận định: Hiệu quả nuôi tôm cộng đồng cho lợi nhuận cao gấp 20 - 25% so với hộ cá thể. Ưu thế của mô hình nuôi tôm cộng đồng là diện tích ao nuôi tôm của các hộ thành viên liền kề nhau nên thuận lợi để cán bộ khoa học kỹ thuật hướng dẫn xây dựng ao nuôi đúng qui trình kỹ thuật. Khi mua tôm giống với số lượng nhiều, câu lạc bộ tìm mua đến tận cơ sở sản xuất và đem xét nghiệm để chọn giống chất lượng cao, nhưng chi phí vẫn thấp hơn hộ cá thể. Bên cạnh đó, định kỳ hàng tuần, cán bộ kỹ thuật còn hỗ trợ các thành viên xử lý môi trường nước, phòng ngừa dịch bệnh và chăm sóc tôm nuôi an toàn.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 - TP Hồ Chí Minh là người có công khởi xướng mô hình nuôi tôm sú công nghiệp tại tỉnh Trà Vinh, từng khuyến cáo: Người nuôi tôm nên liên kết cộng đồng lại với nhau nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cộng đồng bảo vệ môi trường và chia sẻ lợi ích... Vì thế, để nghề nuôi tôm phát triển bền vững, người nuôi tôm Cầu Ngang không nên chạy theo “lực hút” của lợi nhuận, không ỷ lại về kinh nghiệm thành công đã qua rồi “xé rào” nuôi tôm trái vụ. Cộng đồng quyền lợi, cộng đồng trách nhiệm, sẻ chia khó khăn, có vậy “mỏ vàng” tôm sú mới phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Đình Cảnh

Chia sẻ bài viết