28/05/2010 - 20:43

Cậu học trò nghèo, bệnh tật !

Đó là Lê Thành Công, ở khu vực Hòa Thạnh A (phường Thới Hòa, quận Ô Môn, TP Cần Thơ). Từ khi lọt lòng mẹ, em đã mang trong người di chứng chất độc màu da cam, trí não phát triển chậm so với các bạn cùng trang lứa. Dù vậy, em vẫn khao khát được cắp sách đến trường, dẫu biết con đường phía trước lắm khó khăn, chông gai...

Em Lê Thành Công (bé Tí) đang chăm sóc cho người cha bị bệnh tâm thần và bệnh tai biến mạch máu não. 

“15 tuổi đời, nhưng cơ thể của Lê Thành Công gầy ốm, xanh xao, gương mặt thì nhăn nheo trông hốc hác, già trước tuổi. Do cơ thể đèo đẹt, chậm phát triển, nên bà con lối xóm thường gọi Công là bé Tí. Anh cứ đi thêm một đoạn nữa là tới nhà của bé Tí rồi” - chị Dương Thị Mỹ, người dân ở khu vực Hòa Thạnh A, cho biết. Đến nơi, trước mắt chúng tôi là căn nhà trống huơ trống hoác, với nhiều lỗ thủng được che chắn bằng tấm cao su hay chiếc áo mưa cũ. Tí đang loay hoay chăm sóc cho người cha bị bệnh tâm thần và tai biến mạch máu não nặng. Nói với chúng tôi, giọng Tí nghẹn ngào: “Hổm rày, bệnh tình của ba con trở nặng. Những khi trời nắng nóng, ba cứ rên la, không thèm ăn uống mà cứ đòi đi tắm hoài...”. Vừa dứt lời, Tí quay sang lấy khăn nhúng vào thau nước, rồi nhanh nhẹn lau khắp cơ thể của ba. Ngày mấy bận, sáng, trưa, chiều tối, em đã quen với việc chăm sóc cha dù mệt nhọc vẫn bậm môi, không một lời than vãn. Tí bộc bạch: “Nghe mẹ kể, lúc trước em bị bệnh liên miên. Trong những đêm em không ngủ được thì ba thức suốt đêm, ngồi cạnh bên quạt đến khi nào em chợp mắt mới thôi. Khi lớn lên, em đòi đi học thì cũng chính ba đã đồng ý và ủng hộ. Nhớ đến hình ảnh này, em càng thương ông nhiều hơn”...

Tí là con út của anh Lê Văn Tiễn và chị Nguyễn Thị Đẹt. Cuộc sống của gia đình em sẽ không đến nỗi nào, giá như anh Tiễn không lâm vào cảnh bệnh tật... Chị Đẹt kể: “Ngày trước, anh Tiễn tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Sau đó thì giải ngũ trở về nhà. Lúc đó, anh Tiễn khỏe mạnh, siêng năng và cần cù lao động. Ai mướn gì, ảnh cũng làm. Khi rảnh tay, ảnh đi giăng câu, thả lưới bắt cá, để tôi đi chợ bán, kiếm tiền mua gạo”. Những tưởng cuộc sống của gia đình Tí sẽ sống êm đềm, hạnh phúc. Thế nhưng, khoảng 3 năm trở lại đây, bỗng dưng anh Tiễn phát bệnh, từ sáng đến chiều tối cứ nói năng lảm nhảm, có khi cười cười, nói nói một mình. Thấy có gì khác thường, chị Đẹt đưa anh đi khám bệnh thì được các bác sĩ điều trị cho biết, anh mắc chứng tâm thần. Kể từ đó, nguồn lao động chính trong nhà không còn, chị Đẹt bắt đầu lao vào cuộc mưu sinh vất vả, một mình gánh vác chuyện gia đình từ trong ra ngoài. Chị Đẹt cho biết: “Ngày trước, tôi còn tranh thủ đi bán vé số dạo, kiếm lời được vài chục ngàn đồng, mua từng lon gạo đắp đổi qua ngày. Từ ngày anh Tiễn trở bệnh nặng, tối ngày cứ rong chơi, tôi đi bán vé số mà trong lòng thấp thỏm, lo âu”. Cuộc sống của gia đình chị Đẹt càng thắt ngặt, túng thiếu hơn, khi anh Tiễn mắc thêm chứng bệnh tai biến mạch máu não. Nhà không ruộng vườn, để có tiền lo thuốc thang, điều trị bệnh cho chồng, chị Đẹt phải đi vay mượn của bà con, hàng xóm. Trước hoàn cảnh bi đát của gia đình chị Đẹt, bà con láng giềng thương tình cho vài lon gạo hay mớ cá, bó rau... Nhưng, họ cũng chẳng dư dả gì mấy, nên không thể giúp đỡ được mãi...

Không riêng anh Tiễn bị bệnh, hiện nay sức khỏe của Tí cũng yếu dần. Những khi trời trở gió, em bị đau nhức khắp cơ thể, nhất là ở cánh tay trái. Mỗi lần như vậy, em chỉ biết ngồi lẳng lặng ở một góc khuất trong nhà khóc thầm cho số phận của mình... Bệnh tật hành hạ thể xác, gia đình gặp khó khăn, nhưng Tí vẫn không chùn bước. Năm nay, Tí học lớp 6, Trường THCS Châu Văn Liêm. Ngày ngày, Tí lội bộ khoảng 2 cây số đến trường học. Mỗi bước chân đi, Tí tự nhủ mình sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để vượt lên nghịch cảnh. Do mang trong người di chứng chất độc màu da cam em học hành không giỏi lắm, nhưng năm nào Tí cũng được lên lớp. Ước mơ của Tí sẽ tiếp tục được đến trường, sau này trở thành thầy giáo. Thế nhưng, con đường phía trước mà Tí đang đi vẫn đầy khó khăn, chông gai. Vì thế, rất cần được sự sẻ chia, giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần của những nhà hảo tâm, để giúp em có điều kiện học hành, thắp thêm niềm mơ ước...

Bài, ảnh: Nguyên Bửu

Chia sẻ bài viết