09/12/2024 - 08:41

Câu chuyện phân luồng học sinh sau THCS 

Phân luồng học sinh sau THCS là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhằm góp phần tạo sự cân đối về cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều điều phải bàn.

Một buổi học của sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập - Xóa mù chữ - Phổ cập giáo dục TP Cần Thơ, một trong những khó khăn của thành phố là công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học các trường trung cấp còn hạn chế. Nguyên nhân là cha mẹ học sinh, học sinh chưa nhận thức đúng về mục đích, ý nghĩa của công tác phân luồng. Tại cuộc kiểm tra, công nhận phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2023 đối với TP Cần Thơ của Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuối tháng 10-2024, ông Tiêu Minh Dưỡng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, nhận định thời gian qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cùng ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức ký kết thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp phổ thông. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tích cực tăng cường tư vấn hướng nghiệp; tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh… nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh học sinh. Dù vậy, tỷ lệ học sinh theo học nghề chưa đảm bảo yêu cầu.

Thực tế, học sinh vừa tốt nghiệp THCS chỉ mới 15 tuổi, lứa tuổi mà theo nhiều phụ huynh là “ăn chưa no, lo chưa tới”, nên họ băn khoăn khi cho con em mình theo học trường nghề, trường trung cấp. Anh Nguyễn Trung Kiên (huyện Cờ Đỏ), cho biết: Tuyển sinh lớp 10 vừa rồi, cháu tôi không trúng tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập. Gia đình dự định cho cháu vừa học nghề, vừa học văn hóa ở một trường nghề tại trung tâm quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Song, vì nhà xa, cháu còn nhỏ nên gia đình quyết định cho cháu học trung tâm giáo dục thường xuyên ở huyện”. Còn chị Nguyễn Phan Thanh Thủy (quận Ninh Kiều) cho rằng: “Những cháu không đủ điều kiện trúng tuyển vào lớp 10 công lập sẽ khó có đủ năng lực để vừa học nghề, học văn hóa một cách tốt nhất”.

Theo các nhà chuyên môn, tâm lý chuộng bằng cấp của xã hội và học sinh thiếu thông tin về nhu cầu thị trường lao động cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong khi đó, TP Cần Thơ hiện có 69 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 14 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp; đặc biệt, có 11 trường được lựa chọn đầu tư với 41 ngành nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và cấp quốc gia. Đây là điều kiện mở ra cơ hội để học sinh học nghề. Vì thế, để thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các ban ngành hữu quan cũng như đẩy mạnh tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ nhà trường, phụ huynh.

Bài, ảnh: NG. NGN

 

Chia sẻ bài viết