28/01/2009 - 09:07

Cất cánh cùng Cần Thơ...

Đã không ít dịp đến Sân bay Cần Thơ, nhưng chưa lần nào tôi được đứng trên tầm cao để nhìn toàn cảnh một sân bay quốc tế trong tương lai! Lần này, niềm mong ước của tôi đã được toại nguyện: Đứng trên nhà ga vừa mới xây xong, toàn cảnh Sân bay Cần Thơ là một không gian bao la, ánh bình minh rọi xuống rạng ngời như báo hiệu những điều tốt lành đang đến…

Kỹ sư Trần Kiêm Thành, đại diện giám sát chủ đầu tư Cụm cảng Hàng không miền Nam, nói như khoe: “Đây chỉ là nhà ga tạm thôi. Nhà ga quốc tế đang xây kia kìa, nó hoành tráng, hiện đại hơn rất nhiều lần!”. Nói xong, anh chỉ tay về hướng bốn cây cần cẩu ép cọc chuyên dùng to đùng, cao ngất ngưởng đang thi nhau làm nhiệm vụ với những âm thanh phát ra đinh tai nhức óc. “Cuối tháng 12-2008, sân bay vận hành bay thử nghiệm, nếu không có chỉnh sửa nhiều về kỹ thuật thì chuyến bay thương mại Cần Thơ – Hà Nội và ngược lại sẽ chính thức được khai thác. Đến lúc đó, mỗi ngày sẽ có hàng trăm hành khách đến nhà ga này, không khí nơi đây sẽ náo nhiệt hơn nhiều...” – anh Thành nói. Trong niềm say sưa, hào hứng kể về công trình Sân bay Cần Thơ, không biết tự lúc nào câu chuyện của kỹ sư Trần Kiêm Thành đã lái sang chuyện về những người đã tham gia xây dựng công trình này từ buổi ban sơ.

... Là người con của vùng đất miền Trung, nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, anh Thành lại gắn bó “máu thịt” với vùng châu thổ Cửu Long này. Công trình đầu tiên mà anh tham gia là xây dựng Sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó, hơn 3 năm tham gia thi công Sân bay Rạch Giá (Kiên Giang) đã giúp anh “rèn” thêm nghề nghiệp và gắn bó hơn với con người - vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long. Và công trình Sân bay Cần Thơ đã thật sự gắn chặt anh với thành phố trẻ này suốt 4 năm qua. Anh Thành bảo: “Có lẽ mình có duyên với vùng đất đồng bằng. Mình đã lấy vợ, có con trên mảnh đất này, giờ Cần Thơ đã là nơi an cư lạc nghiệp. Mình sẽ còn “cắm trụ” ở đây lâu dài, bởi ngoài cuộc sống đời thường, tới đây sau khi hoàn thành giai đoạn 1, Sân bay Cần Thơ sẽ tiếp tục được thi công mở rộng giai đoạn 2, rồi giai đoạn 3!”. Từ thực tế cuộc sống, lao động trên mảnh đất Cần Thơ, trên công trình xây dựng Sân bay Cần Thơ, anh Thành càng thấm thía và tâm đắc với hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” ... Anh nói rằng, được cùng đồng nghiệp tham gia xây dựng Sân bay Cần Thơ là niềm tự hào và hãnh diện vô cùng. Mỗi chiều, khi đi làm về, nhất là khi gần đây trên truyền hình, báo chí thường xuyên cập nhật thông tin về công trình thì những người bạn, những người hàng xóm hay sang nhà anh hỏi thăm đủ thứ chuyện. Anh tự hào kể: “Công trình này hoàn toàn do đội ngũ kỹ sư, công nhân người Việt mình đảm nhiệm hết, nên tất cả công việc đều thuộc như lòng bàn tay. Mình rất vui khi thấy nhiều người quan tâm đến tiến độ thực hiện công trình, đến công việc, sức khỏe của anh em trên công trình”.

Chiều cuối năm, tiết trời se se lạnh... Mặt trời phả nắng xuống làm sáng rực cả công trường, những vệt nắng trải dài trên đường băng óng ánh như những lượn sóng giữa biển trời bao la. Nhìn từ trên cao, dáng hình của những tốp công nhân thật nhỏ bé trên một công trường mênh mông. Những ngày này, trên công trường luôn có hơn 500 công nhân làm việc. Hàng trăm xe lu, ô tô tải, các thiết bị chuyên dùng vận hành liên tục. Ai nấy đều tất bật, vội vã như chạy đua với thời gian. Kỹ sư Lương Bảo Toàn, Đội trưởng thi công thuộc đơn vị Cienco 6, tâm sự: “Mọi người đang ra sức thi đua lao động vì biết rằng chủ đầu tư đã cam kết với Chính phủ là phải hoàn thành và đưa Sân bay Cần Thơ vào hoạt động trước Tết Nguyên đán, tuyệt đối không được chậm tiến độ. Có một điều ai cũng ngầm hiểu, được tham gia thi công công trình, với giá trị hàng ngàn tỉ đồng chỉ đứng sau cầu Cần Thơ, nên ai cũng cảm thấy tự hào. Đây sẽ là “cổng trời” của miền Tây Nam Bộ, đón bè bạn năm châu đến giúp ĐBSCL cất cánh trong tương lai...”.

Trò chuyện với chúng tôi, công nhân Nguyễn Phi Hoàng cho biết đã gắn bó với công trình này hơn 3 năm. Gia đình anh ở Đồng Nai nhưng anh rất ít khi về thăm. Hoàng mong ước giản dị: “Anh em đang ra sức phấn đấu hoàn thành công việc theo đúng tiến độ đề ra. Phải hoàn thành để đến hai mươi Tết sẽ được đơn vị cho nghỉ sớm về quê vui xuân với ông bà, cha mẹ, vợ con!”... Trong không khí thi đua lao động nước rút, hơn 2 tháng qua, anh em công nhân, kỹ sư đã phải chia ca, tăng giờ làm việc mỗi ngày lên 14 - 15 giờ, hay tổ chức làm 3 ca cho kịp tiến độ... Họ phải làm bù trước, sợ mưa bão đến bất chợt sẽ rơi vào thế bị động không thể thi công được. Ai cũng vất vả, nhưng đều có chung quyết tâm hoàn thành công trình đúng tiến độ. Họ hiểu rất rõ: Cùng với Cầu Cần Thơ, Sân bay Cần Thơ được Đảng, Nhà nước, người dân Cần Thơ và ĐBSCL kỳ vọng sẽ tạo động lực mới đưa vùng đất giàu tiềm năng này tăng tốc trên con đường công nghiệp hóa- hiện đại hóa...

*

* *

Mặt trời từ từ lặn xuống. Đường băng Sân bay Cần Thơ trong giai đoạn hoàn tất như nối dài tận chân trời. Từng tốp công nhân trở về lán trại ăn cơm chiều. Nghỉ ngơi một lúc để phục hồi sức lực họ lại chuẩn bị vào ca mới- trải thảm những đoạn nhựa còn lại. Trong không khí bữa cơm chiều ấm cúng, bất chợt, tôi nhớ hình ảnh chiếc máy bay của ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, doanh nhân Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay cá nhân. Ông Đức đã trang bị cho mình một phương tiện để có thể di chuyển nhanh nhất, phục vụ công việc làm ăn trong thời buổi hội nhập quốc tế. Miền Tây mình cũng có lắm sân bay: Sân bay Cần Thơ, Sân bay Rạch Giá, Sân bay Cà Mau, Sân bay Phú Quốc. Doanh nhân miền Tây cũng chẳng thiếu những “đại gia” trong ngành thủy sản, nông sản, địa ốc, kinh doanh xuất nhập khẩu... Mai đây, khi Sân bay Cần Thơ đi vào hoạt động, rồi sẽ có những doanh nhân sử dụng máy bay riêng đến đây để bàn chuyện hợp tác, làm ăn, kinh doanh, du lịch... Tôi tin, đây không phải là chuyện xa vời!

Còn hiện tại, Sân bay Cần Thơ giai đoạn 1 đã hoàn thành, cầu Rạch Miễu đã thông xe, Cảng Cái Cui đã đi vào hoạt động. Sang năm 2010, cầu Cần Thơ sẽ xây dựng xong và đưa vào sử dụng. Lúc ấy, Sân bay Cần Thơ lại một lần nữa khánh thành để bay ra thế giới. Công trình Khí – Điện – Đạm Cà Mau đi vào khai thác, những tổ máy đầu tiên Nhà máy nhiệt điện Ô Môn cũng hòa vào lưới điện quốc gia. Rồi dự án nạo vét luồng Định An đang chuẩn bị khẩn trương, dự án đào kênh Quan Chánh Bố cận kề ngày thực thi; đường cao tốc Cần Thơ – TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ – Phnom Penh (Campuchia) cũng đang nằm trong kế hoạch ưu tiên đầu tư... Vậy là đường bộ, đường không, đường thủy đang trong thế “hiệp đồng tác chiến”. Tất cả vì sự cất cánh của ĐBSCL, của cả nước!

 Phối cảnh nhà ga quốc tế Cảng hàng không Cần Thơ. Công trình có giá trị 1.000 tỉ đồng
đang được thi công. Ảnh: T.K

Những cảm nhận đầy lạc quan của tôi như được nhân lên khi Giám đốc Cảng Hàng không Cần Thơ Phạm Mạnh Khiên vừa đi công tác về đã đóng vai trò “hướng dẫn viên” giới thiệu những trang thiết bị vừa lắp đặt xong tại nhà ga tạm, để chuẩn bị cho ngày bay thử nghiệm 22-12-2008. Theo thiết kế, dù đây là nhà ga tạm nhưng tổng giá trị đầu tư lên đến trên 25 tỉ đồng. Hành lang thiết kế lan can bằng inox, xung quanh được gắn kính có độ dày 5mm, độ chịu lực cao đảm bảo an toàn cho hành khách ngắm nhìn toàn cảnh sân bay. Nhà ga cũng bố trí phòng VIP dành cho khách hạng sang... Anh Khiên nói vui: “Với không gian rộng 2.500m2, cao 2 tầng, trang bị hệ thống máy điều hòa trung tâm, tìm một khách sạn ở Cần Thơ bằng diện tích này khó đấy. Khu này mà tổ chức một đám cưới quy mô 100 bàn thì thoải mái luôn, mỗi ngày chỉ đón vài trăm lượt khách thì nhằm nhò gì”.

Nhớ lại hồi tháng 7-2008, khi đến thăm công trường xây dựng Sân bay Cần Thơ, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn tỏ ra băn khoăn trước tiến độ thi công cùng những vướng mắc mà chủ đầu tư trình bày. Nhưng đến giờ này, khi hỏi về công trình Sân bay Cần Thơ, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tỏ ra phấn khởi: “Chúng tôi đại diện nhân dân Cần Thơ cảm ơn anh em công nhân, kỹ sư đã vượt qua khó khăn, vất vả để hoàn thành công trình đúng tiến độ. Tôi tin rằng, khi sân bay hoàn thành kết hợp với các công trình hạ tầng khác đang được đầu tư như cầu Cần Thơ, cảng Cái Cui, đường Nam sông Hậu và các công trình trải khắp vùng ĐBSCL... sẽ tạo ra sức mạnh tổng lực để thúc đẩy Cần Thơ - ĐBSCL cất cánh. Rồi mai đây, từng đoàn doanh nghiệp, du khách nước ngoài sẽ đáp những chuyến bay tại Cần Thơ để tham quan du lịch, hợp tác làm ăn, mở ra một giai đoạn mới cho Cần Thơ – ĐBSCL phát triển, hội nhập”.

Trong một lần gặp gỡ mới đây, kiến trúc sư Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty BMC chi nhánh ĐBSCL, cũng đã bày tỏ niềm vui chung về công trình này: “Khi cầu Cần Thơ hoàn thành, chuyện “đò giang cách trở” trên tuyến Quốc lộ 1 không còn nữa. Có Sân bay Cần Thơ, những doanh nhân như chúng tôi mỗi dịp ra Hà Nội không phải mất 4 – 5 giờ đồng hồ ngồi xe lên TP Hồ Chí Minh, rồi mới ngồi máy bay đi Hà Nội. Chúng tôi đỡ mất thời gian, công sức đi lại nhiều lắm. Sân bay sẽ góp thêm một động lực mới để chúng tôi phấn đấu, phát triển cùng vùng đất hiền hòa, thân thương này”.

* * *

... 2.400m đường băng của Sân bay Cần Thơ giai đoạn 1 đã hoàn thành. Trên công trường, những chiếc máy Kobe, những nhóm công nhân vẫn đang tiếp tục công việc. Đó chính là dự án mở rộng kéo dài đường hạ cất cánh thêm 600m nữa để đường băng dài 3.000m đảm bảo khai thác quốc tế cho các máy bay Boeing 777, Boeing 747 vào quý II-2010.... Giám đốc Phạm Mạnh Khiên báo tin vui: “Dù mới triển khai hơn 4 tháng, nhưng đến giờ công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn thành. Hơn 300 hộ dân phải di dời giải tỏa với diện tích gần 58ha đã nhận tiền đền bù gần 80%. Thành phố cũng đã có phương án xây dựng khu tái định cư ở phường Thới An Đông (quận Bình Thủy), tạo điều kiện thuận lợi nhất để Cảng hàng không Cần Thơ thi công mở rộng giai đoạn 2...”.

Bác Hai Hải, một lão nông ở phường Trà Nóc có đất nằm trong dự án kéo dài đường hạ cất cánh, bày tỏ: “Khi nghe đền bù giải tỏa, nói thiệt cũng lo. Nhưng bây giờ thấy đường băng làm quy mô quá, hiện đại quá. Nhà nước xây dựng sân bay phục vụ chung cho thành phố, cho đất nước, mình phải đóng góp chớ. Đời tôi chưa được đi máy bay lần nào. Hy vọng mai mốt đây tôi sẽ được leo lên chiếc máy bay mà nó cất cánh ngay trên mảnh đất của mình ngày nào, thì thiệt là quá đã!”.

Nhìn về hướng Nam, công trình đường Mậu Thân – Trà Nóc cũng lộ ra dáng dấp của một con đường quy mô, dù nó không thể hoàn thành đúng như kế hoạch. Nhưng tôi tin, khi nhìn những chuyến bay ở Sân bay Cần Thơ mỗi ngày cất cánh và hạ cánh, những người có trách nhiệm sẽ không thể nào đành lòng để công trình đường Mậu Thân – Trà Nóc kéo dài sự trì trệ. Nhìn đường băng dài thẳng tắp, những suy nghĩ của tôi cách nay một năm về tương lai của Sân bay Cần Thơ để đưa con gái tôi đi du học, vậy mà con gái chưa kịp đủ lớn, sân bay đã trở thành hiện thực, không còn là mơ ước nữa.

Tôi chợt nhớ lời nói của kỹ sư Trần Kiêm Thành là sẽ còn gắn bó với mảnh đất Cần Thơ lâu dài, để cùng với anh em công nhân, những trí thức trẻ ra sức xây dựng quê hương thứ hai của anh ngày càng phát triển, để TP Cần Thơ - ĐBSCL vươn mình lớn dậy, vượt qua sự tụt hậu, nghèo nàn...

Thiện Khiêm

Cảng hàng không Cần Thơ được khởi công xây dựng trên diện tích 268 ha. Tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng.

Trong đó, dự án đường hạ cất cánh (giai đoạn 2)  từ 2.400m kéo dài lên 3.000m x 45m đang tiếp tục thi công sẽ hoàn thành vào quý II-2010 (vốn đầu tư khoảng 800 tỉ đồng). Công trình nhà ga hành khách (nhà ga chính) đang được đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng, công suất 2 triệu khách/năm, tổng diện tích trên 20.000 m2 cũng hoàn thành cùng thời gian trên…

Cảng hàng không Cần Thơ đảm bảo năng lực vận tải tối đa trong điều kiện mới là 10 triệu hành khách/năm.

Dự kiến, kế hoạch khai thác gồm các đường bay nội địa: Cần Thơ – Hà Nội, Cần Thơ – Đà Nẵng, Cần Thơ – Cam Ranh và ngược lại (khi giai đoạn 1 hoàn thành). Đường bay quốc tế dự kiến: Cần Thơ đến Campuchia, Lào, Thái Lan, Singapore, Malaysia và ngược lại, khai thác và quý II-2010 (khi giai đoạn 2 hoàn thành).

Chia sẻ bài viết