03/08/2024 - 15:10

Cập nhật thông tin, quy định của thị trường và cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu từ các hiệp định EVFTA và RCEP 

(CT) - Ngày 2-8, Văn Phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Văn Phòng SPS Việt Nam) phối hợp Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị tăng cường thực thi các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) trong hiệp định EVFTA, RCEP và các giải pháp thực hiện. Hội nghị được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh và kết nối trực tuyến với nhiều điểm cầu trong cả nước.

Hiện sầu riêng của nước ta đã được xuất khẩu mạnh sang một số nước tham gia RECP, nhất là thị trường Trung Quốc. Trong ảnh: thu mua sầu riêng phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tại một vựa trái cây ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt là EVFTA có hiệu lực từ 1-8-2020. EVFTA được dự báo giúp tạo cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang EU, nhất là xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm và thủy sản. Còn Hiệp định Ðối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Australia và New Zealand bắt đầu có hiệu lực từ 1-1-2022. RCEP tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới và được kỳ vọng xóa bỏ tới 90% thuế quan trong vòng 20 năm giữa các thành viên. RECP giúp Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu và tiếp cận tốt hơn với các thị trường tiêu dùng lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia... Tại hội nghị, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành và đơn vị có liên quan đã cập nhật, cung cấp các thông tin về các quy định SPS của các  nước tham gia EVFTA và RCEP. Thông tin về những cơ hội, thách thức và những vấn đề cần quan tâm thực hiện khi xuất khẩu sang các thị trường này. Qua đó, giúp doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân tham gia chuỗi sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm và thủy sản nâng cao nhận thức và hành động nhằm tạo ra các sản phẩm đáp ứng tốt các yêu cầu và quy định của các thị trường nhập khẩu. Hội nghị cũng dành nhiều thời gian để các đại biểu trao đổi, thảo luận nhằm làm rõ các khó khăn mà các đơn vị, doanh nghiệp còn gặp phải khi xuất khẩu vào khu vực RCEP và EVFTA để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Các đại biểu cũng thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm giúp nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và phát triển các hoạt động sản xuất gắn với bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản và thực phẩm, thủy sản để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.

Tham dự hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, thị trường xuất khẩu tại nhiều nước tham gia RCEP và EVFTA vốn là các thị trường rất khó tính, nhất là EU và Nhật Bản. Trong khi đó, các thị trường này thường xuyên và liên tục có những sự điều chỉnh về quy định SPS và các rào cản kỹ thuật. Tới đây, bên cạnh việc tiếp tục quan tâm tập huấn, cập nhật kịp thời các thông tin và quy định của thị trường, ngành chức năng cần tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong liên kết sản xuất, phát triển các vùng nguyên liệu và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và chế biến đảm bảo các tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu thị trường. Tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và mở rộng, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu sang các  thị trường...

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

 

Chia sẻ bài viết