12/07/2020 - 11:00

Cập nhật phương pháp phòng, chống đuối nước 

Trong 6 ngày từ 6-7 đến 11-7-2020, tại Cần Thơ, 110 học viên là những chuyên viên, cán bộ, giáo viên, hướng dẫn viên các ngành giáo dục, thể thao, đoàn thanh niên... đến từ các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, đã được hướng dẫn những phương pháp mới về bơi an toàn, phòng chống đuối nước. Lớp tập huấn thuộc chương trình thí điểm dạy trẻ em học bơi phòng chống đuối nước 2020, do Vụ Thể dục thể thao (TDTT) quần chúng, Tổng cục TDTT, phối hợp với các địa phương tổ chức.

Các học viên tham gia lớp tập huấn, thực hành các kỹ năng bơi. 

Tại lớp tập huấn, các chuyên gia, giảng viên đã phổ biến cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, hướng dẫn viên của các tỉnh, thành nhiều phương pháp mới, bổ ích về dạy bơi, truyền đạt kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước, kỹ năng sơ cấp cứu. Sau giờ lý thuyết, các học viên được trực tiếp thực nghiệm tại hồ bơi Công an TP Cần Thơ với những bài tập dạy bơi hiệu quả, những phương pháp cứu hộ dưới nước... Tham gia lớp tập huấn xuyên suốt từ ngày đầu, anh Nguyễn Hoàng Minh - chuyên viên Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Qua lớp tập huấn này, chúng tôi tiếp thu nhiều phương pháp mới về cứu đuối, cũng như các phương pháp giảng dạy mới rất dễ hiểu, có thể triển khai hiệu quả ở cơ sở”.

TP Cần Thơ có 64 người tham gia tập huấn, trong đó nhiều giáo viên được ngành giáo dục cử tham dự nhằm triển khai giảng dạy tại các trường học. Anh Trần Tường Thắng, chuyên viên Phòng Công tác chính trị - tư tưởng, Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ, cho biết: “Các phương pháp giảng dạy mới phù hợp hơn khi vận dụng những dụng cụ sẵn có như dây, sào, thau... để cứu đuối. Ðiều này rất phù hợp để vận dụng giảng dạy ở cơ sở. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn hướng dẫn hoàn thiện các kỹ thuật bơi. Qua lớp học này, chúng tôi có thể nắm chắc hơn các kiểu bơi”. Phụ trách giảng dạy lớp tập huấn này, giảng viên Phạm Văn Tuân, Phó trưởng Khoa Thể thao dưới nước Trường Ðại học TDTT TP Hồ Chí Minh, nói: “Lớp tập huấn chủ yếu hướng dẫn cho học viên các phương pháp trò chơi vừa chơi vừa học, có thể giúp các em học sinh dễ tiếp thu. Từng xảy ra những vụ kéo nhau đuối nước rất thương tâm, thế nên cần phải hiểu được các phương pháp cứu đuối gián tiếp bằng dây, bằng sào để đảm bảo an toàn, tránh vấn nạn này”. Lớp tập huấn còn trang bị cho học viên các phương pháp xuống nước an toàn, các phương pháp giảng dạy về kỹ thuật bơi, các phương pháp sơ cấp cứu, hồi sức tim, phổi...

Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em nhằm hướng tới mục tiêu giúp các em không chỉ biết cách phòng chống đuối nước, mà còn phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí dưới nước, phát triển năng khiếu môn bơi, nâng cao sức khỏe, thể lực, hoàn thiện nhân cách, phòng, chống bệnh tật. Ông Ðinh Trọng Lương, chuyên viên Vụ TDTT quần chúng, Tổng cục TDTT, đánh giá: “Các học viên tham gia lớp tập huấn thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, qua đó nắm vững kiến thức phòng, chống đuối nước. Họ sẽ là những người truyền đạt lại, giúp trẻ em hiểu biết về tác dụng, lợi ích của việc học bơi, nguyên nhân đuối nước, những nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, nguyên tắc an toàn khi đi bơi, cách phòng ngừa, cách cứu đuối đúng cách… Ngay cả những ai chưa biết bơi, nếu nắm vững kiến thức phòng chống đuối nước thì cũng phần nào biết phòng ngừa đuối nước, giảm thiểu tai nạn”.

Ở Việt Nam hiện nay chưa có văn bản cụ thể hướng dẫn về tiêu chí, tiêu chuẩn công nhận trẻ em biết bơi. Vì vậy, mỗi đơn vị, địa phương đã tự đặt ra những quy định khác nhau để kiểm tra, đánh giá kết quả phổ cập bơi cho trẻ em. Một số địa phương quy định trẻ em biết bơi là bơi được 20m đối với học sinh tiểu học, bơi được 25m đối với học sinh THCS. Một số địa phương khác quy định trẻ em bơi được 50m trở lên được coi là biết bơi. Tuy nhiên, để có sự thống nhất chung, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai thí điểm đánh giá chung dựa trên kết quả kiểm tra các kỹ năng bơi, kỹ năng nổi ngửa, đứng nước, lặn nước, kỹ năng tự cứu, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng cứu đuối an toàn và kiến thức phòng, chống đuối nước.

Bài, ảnh: NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết