* Điều tra: KHANG MINH
Cũng như tại nhiều tỉnh, thành khác, trên địa bàn TP Cần Thơ từng xuất hiện nhiều công ty bán hàng đa cấp với nhiều mặt hàng như: soong nồi, nước rửa chén, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... Sau một thời gian hoạt động với nhiều chiêu thức lôi kéo, mở rộng mạng lưới bán hàng, hình thức bán hàng đa cấp tạm lắng xuống... Tuy nhiên, thời gian gần đây trên địa bàn TP xuất hiện kiểu bán hàng cũng tương tự như hình thức bán hàng đa cấp nhưng hiện đại và tinh vi hơn, lôi kéo nhiều bạn trẻ, trong đó có không ít sinh viên tham gia. Kiểu bán hàng này núp bóng dưới tên gọi rất “kêu” là: sàn giao dịch thương mại điện tử...
5,2 triệu đồng mua được một gian hàng... ảo
 |
Thầy Mạch Châu An, chuyên viên Phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Cần Thơ đang cập nhật thông tin về hình thức bán hàng đa cấp để đăng lên website của trường nhằm tuyên truyền cảnh báo cho sinh viên. Ảnh: V.TRUNG |
Trong vai sinh viên sắp ra trường muốn tìm việc làm có thu nhập cao, chúng tôi đến công ty T.M (quận Cái Răng) để tìm cơ hội. Khác với lời giới thiệu của một nhân viên lúc mới quen là “đang xây trụ sở tới 5 tầng lầu”, đây chỉ là một căn nhà 1 trệt, 1 lầu với vài cái bàn và gần chục cái ghế. Tiếp chúng tôi là cô nhân viên tên K.. Sau khi hỏi thăm qua loa, cô K., cho chúng tôi xem một số phóng sự về lễ khai trương sàn giao dịch thương mại điện tử mà theo cô là từng được phát trên các đài truyền hình lớn của Việt Nam. Thấy chúng tôi gật gù, cô K. vào thẳng vấn đề: “Chỉ cần đóng 5,2 triệu đồng làm thành viên, anh sẽ có một tài khoản sử dụng mãi mãi. Khi là thành viên các anh sẽ được mua: giày, dép, quần áo, sim, card điện thoại... trên website của công ty em với giá gốc. Thậm chí có thể được giảm giá từ 10-50%”. Tuy nhiên, điều hấp dẫn nhất là người tham gia dễ dàng kiếm tiền từ việc tuyển dụng thành viên mới. Cô K., cho biết thêm: “Nếu các anh giới thiệu được 1 người tham gia sàn giao dịch sẽ được thưởng 1,5 triệu đồng, giới thiệu 2 người các anh có 3 triệu đồng cộng thêm tiền thưởng 320.000 đồng vì giới thiệu được 1 cặp”.
Thấy chúng tôi có vẻ khó tin, cô K., nhờ một đồng nghiệp đưa chúng tôi lên lầu gặp Chủ tịch Hội đồng quản trị (CTHĐQT). Phòng của CTHĐQT chừng 10m2, nhưng là chỗ làm việc của 3 người: CTHĐQT, Giám đốc và Thư ký. Sau cái bắt tay thân tình, ông D. (CTHĐQT) mời chúng tôi ngồi xuống trao đổi. Cũng như cô K., ông D. mang ra một tờ giấy và bắt đầu phân tích tính khả thi của việc làm ăn hiện tại. Ông D. nói : “Anh trước đây cũng bán hàng đa cấp nhưng thấy nó lỗi thời nên nhảy qua đây. Em xem nè. Chưa đầy 5 tháng anh đã có hàng trăm triệu đồng trong tay rồi”. Để tăng tính thuyết phục, ông D. bật máy vi tính và đăng nhập vào website ....t.com.vn. Sau khi đăng nhập, chúng tôi thấy dưới tên ông D. là một danh sách 150 nick (tương đương 150 người). Ông D. thuyết phục tiếp: “Anh vào hồi đầu tháng 2 năm nay đã thành công như vậy. Em tính xem, khi mời mỗi khách hàng tham gia, anh được hưởng 1,5 triệu đồng thì 150 người anh có được bao nhiêu tiền? Chưa tính tiền “cặp” nữa đó em. Em chần chừ đăng ký là mất cơ hội...”. Nghe chúng tôi than không có tiền, ông D. giới thiệu chúng tôi qua trò chuyện với bà giám đốc tên T.,, đang ngồi sau lưng cách chừng hai bước chân. Bà T. khoảng 40 tuổi, giọng nhỏ nhẹ, không cần chúng tôi hỏi đã sốt sắng “chia sẻ” kinh nghiệm làm ăn sau cái bắt tay điệu nghệ: “Chị trước đây cũng là công chức nhà nước, lãnh lương ba cọc ba đồng nên “nhảy” ra đây làm...”. Chúng tôi bảo cũng muốn tham gia nhưng ngặt nỗi gia đình cho chưa tới 1,5 triệu đồng/tháng, thì bà T. bày cách: “Em cứ vay “nóng” 5 triệu đồng, mỗi tháng đóng tiền lời có bao nhiêu đâu. Em giới thiệu cỡ 4 người là gỡ vốn được rồi”. Chúng tôi gật đầu lia lịa, hứa sẽ về nhà xin tiền mang đến sau vài ngày nữa. Bước xuống lầu ra về, chúng tôi sửng sốt trước cảnh tượng hàng chục bạn trẻ dù trời sẩm tối vẫn ngồi chờ nghe nhân viên K. “tư vấn” !?
Phải nhờ một người quen giới thiệu, chúng tôi mới vào được công ty T.H ở đường THN. Bởi lẽ lần đầu chúng tôi đến, cô tiếp tân của công ty đã chặn ngay ở cửa, cho biết: “Các anh ở công ty đi công tác hết rồi. Anh muốn vào trong thì phải có người trong này giới thiệu mới được”. Quy luật của công ty này là nhân viên sẽ tìm “con mồi” ngoài đường và làm quen. Sau một thời gian kết thân, các nhân viên sẽ gợi mở chuyện muốn làm ăn lớn và rủ rê “con mồi” tham gia. Nếu “con mồi” đồng ý, nhân viên mới đưa về công ty để thuyết phục. Một số nhân viên còn cho đăng cả thông tin tuyển người trên một vài trang web như: canthoinfo.com, thongtincantho.vn,...Nơi những người cần việc dễ dàng đọc được.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trụ sở công ty này là một căn hộ thuê lại nhưng người tiếp chúng tôi (tự giới thiệu tên Tân, sinh viên năm thứ 4 đại học) cho biết là “cơ ngơi của công ty em”. Không phân tích vòng vo như ở công ty T.M, nhân viên Tân thẳng thắn đề nghị: “Anh bỏ 1,2 triệu đồng để đăng ký một “bàn” (gian hàng) trên trang web của công ty em. Nếu tuyển được nhiều người mua thêm các “bàn” kế tiếp anh sẽ được trả hoa hồng”. Tuy nhiên, nếu đăng ký thành viên chúng tôi chỉ được khuyến mãi 6 tháng quảng cáo miễn phí. Sau 6 tháng, chúng tôi phải trả tiền cho công ty nếu có nhu cầu quảng cáo tiếp. Điểm khác biệt của công ty T.H với các công ty khác là cách tính điểm, tuyển được 1 người sẽ được cộng 50 điểm, đủ 200 điểm người tuyển dụng sẽ được thưởng 2 triệu đồng. Hình thức “nâng cấp”, thưởng riêng... thì không khác gì với công ty T.M, tuy nhiên phí tham gia làm thành viên ở đây có phần “mềm” hơn - bởi như lời Tân thì “Số tiền ít như thế người ta mới tham gia vào nhiều”. Như ở công ty T.M, đến khi chúng tôi hẹn về nhà xin tiền rồi quay lại thì cậu nhân viên tên Tân mới chịu dừng lại buổi tư vấn, mà theo cậu là “ngày nào cũng có người”.
Những chiêu lừa “đội lốt” sàn giao dịch thương mại điện tử?
Sàn giao dịch thương mại điện tử hay còn gọi là mua bán hàng trực tuyến xuất hiện ở Việt Nam gần chục năm nay. Hàng hóa sau khi thỏa thuận giá sẽ được gởi đến tận nơi ở khách hàng và tiền bạc sẽ được thanh toán qua tài khoản. Tuy nhiên, người tham gia sàn giao dịch phải trả phí thành viên và một khoản phí cho món hàng sau khi giao dịch thành công. Hiện nay, tại Cần Thơ, có rất nhiều công ty tuyển dụng thành viên với các mức phí khác nhau. Bên cạnh đó, người tham gia còn nhận được những lời hứa như được học các lớp huấn luyện kỹ năng sống, ngoại ngữ, tin học, du lịch... Những lời hứa hấp dẫn này đã khiến một số sinh viên “dở khóc, dở cười” sau khi tham gia. Bạn N.V.T (sinh viên Trường Đại học Tây Đô) cho biết: “Tôi từng tham gia một sàn giao dịch với phí đăng ký 3 triệu đồng. Khi mua hàng, mẫu mã thì giống trên mạng nhưng chất lượng thì dở vô cùng. Chiếc áo thun tôi mua 300 ngàn đồng, mặc chưa được 3 lần đã bạc màu, bung chỉ...”. Bạn V.V.T. (năm 2 - Đại học Cần Thơ) cũng bức xúc cho biết: “Mua hàng thì được giảm giá thật nhưng trên đó “treo” toàn hàng đắt tiền. Sinh viên nghèo như tôi thì mua sao nổi. Thấy họ giới thiệu quá hấp dẫn nên tôi cũng gom góp tiền tham gia một sàn giao dịch nhưng chẳng mua được gì, không lẽ tiếp tay cho họ lừa đảo người khác để lấy lại tiền nên tôi đành chịu mất trắng tiền ăn mấy tháng...”. Có thể thấy, vấn đề đáng báo động là nhiều người lợi dụng các trang web bán hàng trực tuyến để nhằm lôi kéo “thành viên tuyển dụng thành viên” chứ không phải tạo ra “môi trường mua bán tiện lợi” cho mọi người như lời quảng cáo ban đầu. Hậu quả nặng nề hơn chính là một số sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tham gia với mong muốn có cơ hội kiếm thêm thu nhập trang trải việc học, đành mất trắng vì tin vào những lời dụ dỗ ngon ngọt.
Một số sinh viên, bạn trẻ không muốn “gom bạc lẻ” sau khi mất khoản tiền lớn đã quay sang “dụ” bạn bè, những người quen để được hưởng tiền hoa hồng. Vô hình trung, người bị lừa nếu không muốn chịu thiệt thì... phải trở thành kẻ lừa đảo. Cứ thế, số lượng người bị lừa tăng lên và cuối cùng những kẻ được lợi nhất là những kẻ kiểm soát các website núp bóng danh nghĩa “sàn giao dịch thương mại điện tử”. Anh Chánh, chủ một website bán hàng trực tuyến có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, “bật mí” với chúng tôi: “Việc lập các trang web để bán hàng trực tuyến hiện nay rất phổ biến. Theo đúng nghĩa giao dịch thương mại điện tử, các công ty chỉ thu phí thành viên vài trăm ngàn lúc mới vào. Riêng các cá nhân, doanh nghiệp muốn đăng ký gian hàng nhằm quảng cáo, giao dịch sản phẩm của mình chỉ tốn khoảng 500.000 - 1 triệu đồng tùy vào từng trang web. Sau thời gian thỏa thuận, nếu cá nhân, doanh nghiệp thấy công việc kinh doanh hiệu quả thì tái ký hợp đồng mới còn không thì chấm dứt hợp đồng”. Nói như anh Chánh thì mục đích của giao dịch thương mại điện tử là nơi dành cho những người có nhu cầu mua bán chứ không phải nơi kiếm tiền bằng cách lôi kéo người khác tham gia. Sàn giao dịch thương mại điện tử cũng không phải là nơi diễn ra việc tuyển người và chia hoa hồng sau khi “lừa đảo” nạn nhân.
Nhằm hạn chế tình trạng sinh viên bị lừa do cả tin tham gia vào các đường dây bán hàng đa cấp cũng như tiếp tay cho các đường dây này, thời gian qua, nhiều trường đại học, cao đẳng đã cảnh báo sinh viên tránh xa các công ty bán hàng đa cấp dưới mọi hình thức, gần đây nhất là dưới hình thức “sàn giao dịch thương mại điện tử”. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tường, Trưởng Phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Trên website của trường, chúng tôi đã đăng các thông báo cảnh báo sinh viên về tình trạng bán hàng đa cấp đang khéo léo ngụy trang dưới hình thức sàn giao dịch điện tử. Các thông báo này được gởi về các khoa, bộ môn để tuyên truyền cho sinh viên. Bên cạnh việc tuyên truyền chúng tôi cũng huy động lực lượng bảo vệ, Đội cờ đỏ, Xung kích ở ký túc xá theo dõi, bắt quả tang các cá nhân lôi kéo sinh viên bán hàng đa cấp. Nếu có đủ bằng chứng, đối tượng là sinh viên sẽ chịu mức kỷ luật nặng của nhà trường”.
Nghị định số 110/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp có quy định rõ: “Cấm việc cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp...”. Tuy nhiên, hình thức bán hàng đa cấp thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử hiện vẫn đang hoạt động dưới các hình thức tinh vi với những chiêu lừa mới. Vì vậy, các sinh viên, bạn trẻ cần đề cao cảnh giác với kiểu “lừa đảo có tổ chức” của loại hình đa cấp mới này để tránh mất tiền vì cả tin. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc nhằm ngăn chặn việc “bành trướng” của những công ty bán hàng đa cấp mang tính chất lừa đảo núp bóng dưới “mác” sàn giao dịch thương mại điện tử như hiện nay.