14/06/2013 - 14:29

BÁC SĨ HÀ ANH TUẤN, TRƯỞNG KHOA HỒI SỨC TÍCH CỰC VÀ CHỐNG ĐỘC, BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG TP CẦN THƠ:

Cảnh giác với bệnh tiêu chảy do vi khuẩn E.coli kháng thuốc

Bác sĩ khám bệnh cho trẻ bị tiêu chảy tại Khoa Hồi sức tích cực  và Chống độc.

Thời gian gần đây, nhiều bà mẹ có con bị tiêu chảy rất lo lắng trước thông tin bệnh nhi bị bệnh tiêu chảy do E.coli kháng thuốc. Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, bác sĩ chuyên khoa II Hà Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết:

- Thời gian gần đây, bệnh tiêu chảy diễn biến rất phức tạp, số bệnh nhi nhập viện tăng nhanh. Các lứa tuổi, kể cả sơ sinh, nhũ nhi đều có trẻ bị tiêu chảy. Đặc biệt, trong thời điểm này, bệnh nhi tiêu chảy thường sốt rất cao, bông tím ngoài da…

E.coli là vi khuẩn đường ruột và là vi khuẩn có ích. Tuy nhiên, E.coli gây bệnh tiêu chảy là E.coli biến thể, gây bệnh cảnh nặng. Bệnh tiêu chảy do E.coli đã có từ lâu nhưng xuất hiện rải rác. Khoảng ba năm trở lại đây, trường hợp tử vong tăng lên, do điều trị bằng kháng sinh thông thường không hiệu quả. Vì thế năm 2012, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đã thực hiện đề tài về tình hình thuốc trong bệnh tiêu chảy cấp. Qua đó, phát hiện có nhiều ca bị tiêu chảy, nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn E.coli kháng với 7-8 loại kháng sinh cùng lúc, gây khó khăn trong điều trị. Tuy nhiên, không phải tất cả các ca bệnh tiêu chảy do E.coli đều nặng, tỷ lệ nặng rất ít (các ca nặng tập trung chủ yếu ở các bé bụ bẫm) nên phụ huynh không nên quá hoang mang, lo lắng. Nếu bị tiêu chảy thông thường, chỉ cần hạ sốt, bù nước, trẻ sẽ hết bệnh trong vài ngày. Trước đây, các ca nặng xuất hiện rải rác, 1-2 tháng mới gặp 1 ca, nhưng hiện nay, ngày nào cũng có. Tuần qua, bệnh viện tiếp nhận 3 ca tiêu chảy do E.coli kháng thuốc rất nặng, trên thể trạng trẻ bụ bẫm. Nhưng nhờ được điều trị kịp thời nên các cháu qua cơn nguy hiểm.

* Thưa bác sĩ, tiêu chảy do E.coli kháng thuốc nguy hiểm ra sao? 

- E.coli xâm nhập cơ thể trẻ em qua đường tiêu hóa, gây bệnh cảnh nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, đưa đến suy thận cấp, suy hô hấp, viêm cơ tim, tử vong nhanh chóng. Đặc biệt nguy hiểm là bệnh này diễn biến rất nhanh, chỉ trong vài giờ. Để chẩn đoán bệnh nhi có bị E.coli kháng thuốc không, bác sĩ cấy phân, cấy máu và làm kháng sinh đồ. Tuy nhiên, phải 3 ngày mới có kết quả. Vì thế, nếu chờ kết quả mới điều trị thì đã quá muộn.Vì thế dựa vào triệu chứng ban đầu, bác sĩ kinh nghiệm có thể nhận định bệnh nhi bị tiêu chảy nặng hay nhẹ, để có phác đồ điều trị sớm, chính xác.

* Làm sao phân biệt trẻ bị tiêu chảy thông thường và tiêu chảy do E.coli kháng thuốc, thưa bác sĩ ?

- Nếu bị tiêu chảy thông thường thì trẻ không sốt, không ói, vẫn ăn uống, chơi bình thường. Nếu bệnh nhân bụ bẫm, sốt cao không hạ, tiêu chảy nhiều, da tay chân nổi bông tím, bứt rứt, môi khô, gan to… đó là các dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy nặng, ngay từ đầu phải điều trị kháng sinh đặc hiệu, cao cấp. Hiện nay, nếu bệnh nhi điều trị đúng tuyến thì bảo hiểm y tế chi trả các loại kháng sinh cao cấp.

* Ngoài tiêu chảy do E.coli kháng thuốc là thể nặng, tiêu chảy còn những loại vi khuẩn, vi- rút nào nặng? Biểu hiện khác với tiêu chảy do E.coli kháng thuốc như thế nào?

- Tiêu chảy do vi khuẩn tả, lỵ, thương hàn, rotavirus… cũng gây những bệnh cảnh nặng nhưng biểu hiện khác nhau. Ví dụ, tiêu chảy do vi khuẩn tả, bệnh nhi thường có biểu hiện mất nước rất nặng, mắt trũng sâu, da khô, ói, ỉa nhiều, phân trắng như nước vo gạo. Trong khi đó, tiêu chảy do vi khuẩn lỵ, bệnh nhi có biểu hiện mót rặn nhiều, phân không nhiều nhưng lẫn đàm máu…Với tiêu chảy do vi khuẩn thương hàn, thường xuất hiện ở trẻ lớn, tiêu chảy không nhiều nhưng sốt cao, bụng trướng đau, môi khô…Còn nếu tiêu chảy do rotavirus thì trẻ ói nhiều, sốt cao, sau khi hết ói bắt đầu qua tiêu chảy, phân toàn nước…Từ những biểu hiện trên và dựa vào kinh nghiệm, các bác sĩ có hướng điều trị kịp thời cho trẻ.

* Thưa bác sĩ, khi nào trẻ bị tiêu chảy phải nhập viện?

- Nếu trẻ bụ bẫm, da  tay chân nổi bông tím, bứt rứt, khó chịu, tiêu chảy nhiều, sốt, ói… thì có thể bị tiêu chảy nặng. Người nhà cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa nhi để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu trẻ bị tiêu chảy thông thường, nhẹ, chỉ cần điều trị ngoại trú. Người nhà cần chú ý cho trẻ uống nước đầy đủ, thức ăn hợp vệ sinh, dễ tiêu, lỏng, chia làm nhiều bữa… để trẻ không bị mất nước, mất sức. Nếu trẻ bị sốt thì hạ sốt, lau mát cho trẻ.

* Trẻ bị tiêu chảy do E.coli kháng thuốc có thể tái lại lần 2 không?

- Vi khuẩn E.coli không miễn nhiễm vĩnh viễn, vì thế, nếu trẻ đã bị một lần vẫn có thể tái phát. Bệnh này không có vắc-xin phòng bệnh, hiện nay vắc xin phòng bệnh tiêu chảy chỉ phòng được tiêu chảy do rotavirus, thương hàn. Vì bệnh tiêu chảy lây qua đường tiêu hóa (phân – miệng), nên muốn phòng bệnh, chủ yếu thực hiện vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, ăn uống hợp vệ sinh.

* Xin cảm ơn bác sĩ !

H.Hoa (Thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết