07/05/2020 - 23:49

Cánh cung lúa gạo 

Năm ngoái, các doanh nghiệp xuất khẩu hơn 6,14 triệu tấn gạo, thu về hơn 3 tỉ USD... Năm nay, xuất khẩu và dự trữ khiến nhiều doanh nghiệp rối tung. Thực ra kho dự trữ quốc gia chỉ mua khoảng 190.000-200.000 tấn gạo và  khoảng 80.000 tấn lúa để “tích cốc phòng cơ”.

Thu mua lúa dọc biên giới Tây Nam.

Dự trữ và nội trị

Hiệp hội Lương thực Việt Nam trấn an: Tổng lượng gạo còn trong kho của các doanh nghiệp đến thời điểm này hơn 1,9 triệu tấn. ĐBSCL có 268.000ha lúa thu hoạch trong tháng 4 và tháng 5; Sản lượng lúa khoảng 2 triệu tấn lúa. Tháng 6 là thời điểm thu hoạch rộ lúa hè thu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh trong 10 năm thực hiện đề án An ninh lương thực, 12 chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Trong đó, sản lượng lúa tăng từ 39,17 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn, bình quân lương thực đầu người tăng từ 497kg/năm lên trên 525 kg/năm. 

Tuy vậy, nỗi ám ảnh mất an ninh lương thực vẫn lởn vởn, nhiều doanh nghiệp chết khổ khi phải dừng giao hàng theo hợp đồng chỉ vì việc điều hành lúa gạo không có Big data đáng tin cậy để cơ quan hữu trách ra quyết định chính xác, kịp thời.

“Đánh giá an ninh lương thực của một vùng hay quốc gia là chuyện khá phức tạp, nhưng tựu trung có hai yếu tố cơ bản”, theo các doanh nghiệp lúa gạo ở ĐBSCL:

1/ Tính sẵn có và ổn định của nguồn cung lương thực, liên quan việc cân đối cung cầu lương thực, mức lương thực bình quân đầu người và khả năng dự trữ an toàn trong 1 – 2 vụ thu hoạch.

2/ Khả năng và nhu cầu về lương thực của toàn dân. Tính đến việc sử dụng lương thực của hộ gia đình, bao gồm: tính lượng calo/ người/ngày, mức chi tiêu (tối thiểu) và mức thu nhập (tối thiểu) của một người trong một ngày, tỷ lệ người nghèo trong xã hội, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em, và sự quan tâm phụ nữ có thai và nguồn thanh toán, để có thể trang trải mức chi tiêu đảm bảo được dinh dưỡng cần thiết.

Trong khi đó quy định: Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó và những quy định “nội trị” liên quan đến định mức thu hồi, khi xay lúa dự trữ sau khi khấu trừ chi phí, chất lượng gạo thành phẩm sau khi xay lúa dự trữ (gạo 20 % tấm, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định tại TCVN 5644: 2008 gạo trắng); thời gian lưu kho… nhưng khi người có gạo tại cảng lại không có quota, người có quota lại không có gạo muốn xí phần giành hạn ngạch, đơn vị trúng thầu nhưng muốn ký hợp đồng thì ký, không thì thôi…việc dự trữ và xuất khẩu nhiều kịch tính, đẩy nghịch lý tới cao trào. Mọi quy định có vẻ như chỉ là phần khung, thiếu “phần mềm” để kiểm soát mọi tình huống.

Động trong trạng thái tĩnh


Người trồng lúa cần sự bình yên.

Trong những bài giảng về kinh tế thời nhà Nguyễn dạy rằng Triều Nguyễn phát triển đồn điền, doanh điền và khuyến khích khẩn hoang, số lúa nộp vào kho Nghĩa Sương được ấn định tỷ lệ lúa thu hoạch theo hạng đất- là cách kiểm soát sản lượng từ gốc là làng xã.

Nghĩa Sương (có tài liệu ghi Nghĩa Thương) là những kho lúa ở các tỉnh và phủ huyện. Khi gạo đắt thì bán ra, khi gạo rẻ thì đong lại dự trữ, có thể cho vay, thu lợi được bao nhiêu thì cấp dưỡng cho binh đinh và người nghèo. Thời Minh mạng bắt quan lại các tỉnh phải xuất lúa giống ở kho cho dân nghèo vay để làm mùa sau, một cách giảm bớt khó khăn cho năm sau.

Trong Việt Nam Phong Tục, Cử nhân Phan Kế Bính đã lục sao lại điều ước Nghĩa Sương của xã Đề Kiều, tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc), cho thấy chuẩn mực từ làng. Mỗi làng dự trữ một số lúa được ấn định, trên mức ấn định đó Nghĩa Sương được bán lấy tiền gởi kho bạc. Khi dân làng cần mua lúa lúc giáp hạt, Nghĩa Sương lại bán ra, giá hạ hơn giá chợ. Khi dân làng bán lúa, Nghĩa Sương mua theo giá chợ, không phải bán giá rẻ. Khi dân làng cần mua, không phải chịu giá đắt. Như vậy kho Nghĩa Sương vừa ưu tiên giúp đỡ dân làng vừa có thể tìm cơ hội mua bán với bên ngoài để sinh lợi cho làng.

Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng – vị quan thanh liêm- thân sinh Đức bà Từ Dụ (thông gia vua Minh Mạng và là ông ngoại Vua Tự Đức) - Khi giữ chức Điền Tuần Quan được biết đến như Thần nông “ba bị”- với ba bao hạt giống để phát cho dân nghèo và hướng dẫn họ cách trồng tỉa, người nghèo quá được tư cấp gạo; tới khi nhậm chức Thượng thư bộ Lễ (1813) kiêm quản Khâm thiên giám (1815), ông lo lập Xã Thương (kho lúa lo cứu đói cho dân).

Từ thời vua Minh Mạng, luật xử tội tử với những quan lại gian dối với dân hoặc làm khó dân trong việc làm nông và dự trữ lúa gạo. Vua Thiệu Trị, trong 21 năm trị vì ( từ 1820–1841) đã thực hiện cải cách toàn diện từ trong triều tới làng xã, luật lệ nghiêm minh, chấn chỉnh giềng mối. Kho lúa Nghĩa Sương có thể vay tiền của các nhà phú hào, kỳ hạn thanh toán sau ba năm. Nghĩa Sương có thể vay lúa giúp cho dân nghèo, sau ba năm trả lại cho các chủ ruộng cho vay lúa, tiền lúa tính theo thời giá. Năm Tự Đức thứ 18, tài liệu nói về Nghĩa Sương, không chỉ là luật lệ liên quan đến kho lúa mà còn là thước đo liêm chính từ làng và bài toán sinh lợi cho làng.

Từ nền tảng Nghĩa Sương, khi người Pháp đô hộ, các nhà kinh doanh không mất nhiều công sức tổ chức lại ngành hàng lúa gạo. Họ đặt ngân hàng, lập nhà máy xay xát, kho trữ tại cảng vào chuỗi cung ứng là có nguồn gạo xuất khẩu tức thì.

Quỹ dự trữ gạo ASEAN

Quỹ dự trữ gạo 787.000 tấn từng là nội dung nghị sự của các Bộ trưởng Thương mại ASEAN họp tại Vientiane, Lào, cách đây 10 năm. Trên thực tế, 3 năm sau đó, khi Trung Quốc mua gạo với số lượng tăng dần lên ở cả Thái Lan, Việt Nam, Campuchia… mục tiêu này khó thực hiện do giá cả luôn biến động. Năm 2008, nhóm các nước khu vực sông Mekong (Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar) dự định phối hợp kiểm soát giá gạo trên thị trường theo mô hình kiểm soát giá dầu của các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC). 

Ngay khi ý tưởng này còn phôi thai, theo WB, năm 2010, Việt Nam dư tới 6,8 triệu tấn gạo, nhưng giá gạo đã tăng 46% trong sáu tháng cuối năm 2010 và những tháng đầu năm kế tiếp con số này đã tăng lên hơn 52% do chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào như phân bón thuốc bảo vệ thực vật tăng cao. Đối với Thái Lan, Myanmar, giá gạo tăng do chi phí vận chuyển tăng cao.

Biến động giá cùng với những ý kiến chưa thống nhất về nguyên tắc cơ bản: cơ cấu sản phẩm thu mua, nguồn- thời điểm dự trữ, lượng dự trữ tối ưu; cách bình ổn giá gạo, giảm áp lực lạm phát và tránh nạn đầu cơ, chi phí, giá mua, giá bán, các khoản hao hụt và cách chia sẻ những chi phí; các biện pháp kết hợp thúc đẩy phát triển nông nghiệp... Nhiều vấn đề kiểm soát rủi ro được mở rộng tới mức không tóm lại được.

Trong khi đó, Ma Wenfeng, nhà phân tích của Beijing Orient Agri-business Consultant ở Bắc Kinh, cho rằng, bất kỳ sự gia tăng đột biến nào về giá thực phẩm đều có thể dẫn đến bất ổn xã hội. Do đó, Trung Quốc coi đảm bảo nguồn cung thực phẩm là ưu tiên hàng đầu. 

Báo cáo tháng 3-2020 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo: sản lượng gạo niên vụ 2019/2020 của Trung Quốc là 146,7 triệu tấn (tổng nhu cầu nội địa ở ngưỡng 143 triệu tấn) trong khi sản lượng gạo tồn kho niên vụ 2019/2020 của Trung Quốc (khoảng 117,7 triệu tấn, chiếm tới gần 70% lượng gạo tồn kho toàn cầu).

Đối với các thương nhân quốc tế, dự trữ gạo của Trung Quốc là bàn đạp tiến công, là cánh cung để hướng tới mục tiêu xác định. Họ linh hoạt chọn thời điểm mở bán với giá rất thấp. Các công ty xuất khẩu có nhiều cơ hội, trong đó mua gạo xả kho dự trữ bán sang thị trường châu Phi hay ở đâu đó có lợi nhất. Niên vụ 2018/2019, nước này đã xuất khẩu 2,5 triệu tấn gạo. Dự đoán niên vụ 2019/2020, Trung Quốc sẽ xuất khẩu 3,3 triệu tấn gạo để vươn lên vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới. Trong lúc đại dịch, Trung Quốc mạnh tay mua vào (theo chuẩn và giá gạo dự trữ). Các thương nhân quốc tế cho rằng Trung Quốc nhập khẩu gạo mới – dự trữ và xuất khẩu- theo mục tiêu tăng cường ảnh hưởng của Chính phủ. 

Campuchia muốn xây hệ thống kho dự trữ công suất khoảng 1,2 triệu tấn, Trung Quốc sẵn sàng cho vay 300 triệu USD để xây dựng. Trong 2 tháng qua, Campuchia đã xuất khẩu 136.499 tấn gạo, trong đó Trung Quốc mua 37,43% lượng gạo từ nước này. Thương nhân Trung Quốc luôn đi theo dòng vốn cho vay từ Chính phủ Trung Quốc tới các thị trường, dự trữ để tăng cường ảnh hưởng trên thị trường lúa gạo chứ không chỉ vì người dân Trung Quốc thích ăn gạo mới.

Bài, ảnh: CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết