25/03/2011 - 08:52

Căng thẳng leo thang tại Yemen

Người biểu tình ở Sanaa, đòi phế truất Tổng thống Saleh. Ảnh: AFP

Những người biểu tình tại Yemen đã tuyên bố trên các phương tiện truyền thông rằng sẽ có hàng trăm ngàn người xuống đường, tiến về dinh tổng thống ở Thủ đô Sanaa vào hôm nay 25-3, nhằm phế truất Tổng thống Ali Abdullah Saleh. Trong khi đó, Tân Hoa xã của Trung Quốc đưa tin hôm 23-3, một vụ nổ rất lớn, có thể là một quả bom được ném vào trạm kiểm soát quân sự tại giao lộ al-Baja ở quận Khour Maksar, thành phố Aden ở miền Nam Yemen. Ít nhất 2 người đã thiệt mạng và 9 người khác bị thương trong các vụ đụng độ giữa người biểu tình và những người ủng hộ Tổng thống Saleh ở Nam Yemen đêm 23-3.

Những người phản đối chính phủ đã tập trung cắm trại biểu tình ở hầu hết các tỉnh thành tại Yemen, kể cả Thủ đô Sanaa, từ giữa tháng 2 tới nay, đòi phế truất ngay lập tức Tổng thống Saleh, người nắm quyền suốt 33 năm qua ở quốc gia Vùng Vịnh này. Ông Saleh đã nỗ lực làm dịu làn sóng chống đối khi đưa ra hàng loạt nhượng bộ, trong đó mới nhất là vào sáng 23-3, khi ông chấp nhận sáng kiến hòa giải mà phe đối lập đã đề xuất hồi tháng trước. Tuy nhiên, lực lượng phản đối chính phủ cho rằng hành động của ông Saleh đã quá trễ và yêu cầu ông phải từ bỏ quyền lực mà không có bất kỳ thương lượng nào.

Thời báo New York của Mỹ cho rằng nền tảng chính trị của ông Saleh đã bắt đầu sụp đổ, với việc nhiều quan chức chính phủ và tướng lĩnh quân đội ngả về phía người biểu tình sau khi hàng chục người thiệt mạng trong tuần rồi. Sự liên kết của ông Saleh với hàng trăm bộ tộc ở phía Bắc Yemen cũng trở nên lỏng lẻo, uy thế của ông ngày càng suy yếu.

Trong thời gian nắm quyền, ông Saleh đã quản lý nhiều bộ tộc Yemen bằng cách chống lưng cho những “trụ cột”, tức lựa chọn cẩn trọng các thủ lĩnh bộ tộc để cấp tiền và vũ khí, đưa họ vào những vị trí quan trọng trong chính phủ. Với chính quyền Saleh, sự trung thành của các thủ lĩnh này đảm bảo sự ủng hộ của những người đi theo họ. Tuy nhiên, nó cũng làm suy yếu các thủ lĩnh khác trong cùng một bộ tộc, và những thủ lĩnh ở các bộ tộc khác, làm phát sinh sự đố kỵ và bất đồng.

Theo nhiều nhà quan sát, trong số hàng chục ngàn người biểu tình cả ngày lẫn đêm ở Sanaa, phần lớn là dân ở các bộ tộc đến từ nhiều vùng nông thôn ở Yemen. Đa phần trong số họ không có việc làm, nên họ tuyên bố sẽ cắm trại ở Sanaa cho tới khi ông Saleh từ bỏ quyền lực. Majid Mohagary, một người biểu tình của bộ tộc Sinhan – nơi xuất thân của ông Saleh, cho rằng tổng thống đã cấp tiền nuôi dưỡng các “tiểu vương” chứ không phải để lo cho dân. Đó là vấn đề mấu chốt dẫn tới tình hình bất ổn ở Yemen.

N. KIỆT (Theo NYT, THX, AFP)

Trước tình hình bất ổn ở Yemen, nhiều nước đã khuyến cáo hoặc sơ tán công dân của họ đến nơi an toàn. Văn phòng đối ngoại Anh ngày 23-3 ra thông báo kêu gọi công dân nước này rời khỏi Yemen ngay lập tức. Ngày 22-3, tập đoàn dầu khí OMV của Úc cũng thông báo giảm số lượng nhân viên ở Yemen và yêu cầu nhân viên hạn chế đi lại. Nhà sản xuất dầu DNO International của Na Uy hoạt động tại Yemen cũng chuyển 10 nhà quản lý tới Dubai (UAE). Đại sứ quán Philippines ở Sanaa khuyên công dân nước này tại Yemen ở lại nhà vào những ngày cuối tuần này nhằm tránh các cuộc xung đột có thể xảy ra.


Chia sẻ bài viết