09/09/2008 - 20:59

Cảng Cái Cui - Những bất cập cần sớm tháo gỡ

Cảng Cái Cui được đầu tư xây dựng từ năm 2002 với kỳ vọng khi hoàn thành, cùng với hệ thống giao thông bộ, hàng không được nâng cấp, cầu Cần Thơ sẽ biến Cần Thơ thành trung tâm luân chuyển hàng hóa của ĐBSCL. Chính vì vậy, khi xong giai đoạn 1, sau nhiều lần cân nhắc, lãnh đạo TP Cần Thơ đã xin ý kiến Chính phủ giao cảng Cái Cui về Tổng Công ty Hàng hải (TCTHH) Việt Nam để đơn vị chuyên ngành này quản lý, khai thác và đầu tư mạnh hơn. Việc bàn giao chính thức từ cuối năm 2007, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đầu tư thêm, còn nguồn vốn do ngân sách địa phương đầu tư cũng chưa được quyết toán!

BÀN GIAO ĐỂ PHÁT TRIỂN... CHẬM HƠN!

Cảng Cái Cui được xếp vào nhóm cảng biển thứ 6 của cả nước. Công trình được Chính phủ ưu tiên đầu tư, được đề cập trong Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, để góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Khi có thông tin về việc Cần Thơ bàn giao cảng Cái Cui cho đơn vị khác quản lý khai thác, nhiều địa phương xung quanh và người dân bức xúc cho rằng: “Thành phố có miếng bánh ngon mà không dùng hay sợ quản lý không nổi mà giao cho người khác?”. Qua thực tế hoạt động của cảng Cái Cui, những bức xúc này càng nhân lên... Nhưng thực tế không phải vậy. Sở dĩ, UBND thành phố quyết định giao cảng Cái Cui về cho TCTHH Việt Nam là vì tầm quan trọng của cảng này. Sau khi dự án Cảng Cái Cui cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, UBND TP Cần Thơ đã xin chủ trương Chính phủ cho phép bàn giao cho đơn vị TCTHH Việt Nam quản lý vì có chuyên môn, kinh nghiệm, vốn liếng nhiều có khả năng đầu tư hiệu quả, phát huy thế mạnh của cảng nhằm phát triển mạnh hơn, nhanh hơn. Bởi Cảng Cái Cui không chỉ phục vụ cho Cần Thơ mà cả ĐBSCL...”.

 Cảng Cái Cui đang tồn tại nhiều bất cập. Ảnh: THANH LONG

Thế nhưng, từ ngày bàn giao 21-12-2007 đến nay đã hơn 8 tháng, không thấy TCTHH Việt Nam đầu tư thêm như cam kết. Thực tế cho thấy, từ lúc bàn giao đến nay việc đầu tư thiết bị, hạ tầng của những giai đoạn tiếp theo càng chậm (dự án vốn đã kéo dài). Một vấn đề nữa là chuyện quyết toán công trình này cho địa phương đã hơn 8 tháng, nhưng TCTHH Việt Nam vẫn chưa quyết toán cho địa phương? Trong biên bản bàn giao, bên nhận (TCTHH Việt Nam) cam kết sẽ chuyển số vốn mà địa phương đã đầu tư vào dự án là 86,4 tỉ đồng (lấy tròn số) trên tổng số 139,7 tỉ đồng đã đầu tư cho dự án (53,3 tỉ còn lại là vốn trái phiếu Chính phủ). Các chứng từ chi đã được Kho bạc Nhà nước TP Cần Thơ đối chiếu phù hợp. Trong buổi làm việc vào đầu tháng 9 vừa qua, Tổng Giám đốc TCTHH Việt Nam Mai Văn Phúc, cho rằng: “Do chưa có kết quả kiểm toán (mới kiểm toán 7/8 gói thầu), nên TCTHH Việt Nam không thể quyết toán cho địa phương, khi nào có kết quả sẽ quyết toán ngay...”. Nếu vịn vào lý do này, thì TCTHH Việt Nam cũng phải tạm ứng cho địa phương một phần, vì số vốn thực chi hoàn toàn cụ thể, việc còn lại là đối chiếu với các nhà thầu thi công. Nếu nói chưa kiểm toán xong, chỉ cần một đơn vị thi công không chấp nhận kết quả kiểm toán, thì đợi tới bao giờ TCTHH Việt Nam mới quyết toán cho địa phương? Trong khi đó, vốn đầu tư xây dựng cơ bản ở địa phương luôn thiếu hụt, gặp rất nhiều khó khăn...

CHẬM QUYẾT TOÁN: CÀNG KHÓ!

Ai có dịp đi qua cảng Cái Cui mới thấy cảnh bất hợp lý của một cảng được quy hoạch lớn nhất vùng với bãi chứa gỗ dăm khổng lồ (từ gỗ tràm xay ra). Trên cảng, chỉ có vài cần cẩu quơ quơ... Trong buổi làm việc đầu tháng 9 vừa qua, lãnh đạo TP Cần Thơ cũng chia sẻ với lãnh đạo TCTHH Việt Nam về những khó khăn khách quan do luồng Định An bị bồi lắng, tàu trọng tải lớn không vào được...; đồng thời, hối thúc TCTHH Việt Nam tiếp tục đầu tư giai đoạn tiếp theo, để mau chóng hình thành cảng đúng như quy hoạch về qui mô, tính chất của công trình này. UBND thành phố cũng thống nhất cho TCTHH Việt Nam mở rộng diện tích cảng lên 20 - 40 ha nữa, nếu có nhu cầu. Đây có thể xem là thiện chí và kỳ vọng của TP Cần Thơ về cụm cảng này luôn trong tư thế rất sẵn sàng.

Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo nạo vét luồng Định An sâu 5-6m, rộng 200-300m để tàu 20.000 tấn ra vào tạo cơ sở cho cảng Cái Cui phát triển. Đồng thời, vẫn tiếp tục dự án đào kinh Quan Chánh Bố. Cửa Trần Đề cũng lên phương án nạo vét, nguồn cát lấy lên phục vụ san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng ở các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh, TP Cần Thơ; nếu còn thừa sẽ lập phương án bán cho nước ngoài...

Về vấn đề quyết toán công trình, lãnh đạo TP Cần Thơ khẳng định: TCTHH Việt Nam phải khẩn trương quyết toán công trình này cho địa phương. Vì nguồn ngân sách đầu tư vào đây là không nhỏ, trong khi nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản ở địa phương hiện nay vô cùng khó khăn. Nếu TCTHH Việt Nam không thực hiện, TP Cần Thơ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị giao lại Cảng Cái Cui cho TP Cần Thơ tiếp tục đầu tư khai thác. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đến TP Cần Thơ sẵn sàng bỏ vốn đầu tư mở rộng cảng này để khai thác...

Trong khi đó, theo báo cáo của Cảng Cái Cui, từ đầu năm đến nay, lượng hàng hóa bốc xếp qua cảng đạt khoảng 1 triệu tấn. Nếu tính bình quân 15.000 đồng mỗi tấn (hàng container cao hơn nhiều), thì nguồn thu không phải là ít - hiệu quả của cảng này đã được phát huy. Ai cũng có thể hiểu rằng, nếu chậm quyết toán cho Cần Thơ, tính lãi suất 1,5%/tháng, với 86,4 tỉ đồng, thì TCTHH Việt Nam đã hưởng lợi được một số tiền không nhỏ. Phải chăng, vì lý do này mà TCTHH Việt Nam cố tình dây dưa chưa chịu quyết toán (?)

PHƯƠNG VY

Chia sẻ bài viết