20/12/2010 - 09:36

Giáo dục trung cấp chuyên nghiệp ở TP Cần Thơ

Cần xây dựng một chương trình đào tạo sát hợp

Giáo dục Trung cấp chuyên nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng. Tuy nhiên thời gian qua, ở TP Cần Thơ dường như chưa được đầu tư thỏa đáng, thiếu sự quan tâm đúng mức cho bậc học này, dẫn đến công tác đào tạo thiếu tính toàn diện, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố...

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ tại hội nghị tổng kết đánh giá 10 năm phát triển giáo dục chuyên nghiệp (2001-2010) trên địa bàn thành phố được tổ chức vào ngày 16 -12-2010, cho thấy: 10 năm qua, giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) ở TP Cần Thơ đã có sự phát triển về qui mô, chất lượng và hiệu quả. Trường lớp, cơ sở đào tạo bậc học GDCN đã tăng lên đáng kể (từ 2001 đến 2011). Nếu như năm 2001, TP Cần Thơ chỉ có 6 trường Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) thì hiện nay, mạng lưới trường đào tạo trung cấp chuyên nghiệp đã có 17 trường. Trong đó, có 10 trường TCCN, 3 trường TCCN trực thuộc Trung ương, 7 trường TCCN ở các quận, huyện trong thành phố. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 5 trường cao đẳng có đào tạo TCCN, trong đó có 3 trường cao đẳng của địa phương và 2 trường của Trung ương. Ở bậc đại học, thành phố cũng có 2 trường đại học có đào tạo bậc TCCN. Điều đặc biệt ở TP Cần Thơ là hệ thống các trường TCNN tư thục đã góp phần không nhỏ vào việc đào tạo nguồn lực cho thành phố. Trong số 7 trường TCCN đã có 5 trường tư thục. Ngoài các trường chuyên nghiệp, hệ thống các trường nghề cũng thu hút một lượng lớn học sinh cho bậc học trung cấp.

 Học sinh Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ trong giờ thực hành. Ảnh: Trường cung cấp.

Trường lớp, cơ sở đào tạo TCCN tăng đã thu hút không chỉ học sinh ở thành phố mà cả ở các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào học ngày càng tăng. Cụ thể ở năm học 2001-2002, tổng số học sinh được đào tạo trung cấp là 2.463 người, trong đó, hệ chính quy có 1.916 người, hệ vừa làm vừa học có 447 người. Đến năm học 2010-2011, số lượng học sinh học trung cấp đã tăng lên 6.170 người, trong đó, có 5.284 học sinh TCCN, 497 học viên vừa làm vừa học. Số lượng và chất lượng giáo viên cũng ngày một phát triển. Năm học 2001-2002, giáo viện toàn bậc học TCCN chỉ có 326 người, trong đó, có 2 tiến sĩ, 27 thạc sĩ. Đến năm học 2010-2011, số lượng giáo viên toàn bậc học này đã tăng lên 893 người, trong đó, có 14 tiến sĩ và 220 thạc sĩ.

Thực tế trong những năm qua, công tác đào tạo TCCN đã chuyển biến tích cực, tốc độ đào tạo đã được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các khu vực. Tuy nhiên, một bộ phận người dân trong xã hội chưa nhận thức đúng về nhu cầu lao động của xã hội, thích “làm thầy hơn làm thợ” nên chưa quan tâm nhiều đến bậc học này. Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ, cho biết: “Nhiều phụ huynh không muốn cho con em mình học TCCN do chưa đánh giá đúng vai trò, chức năng của bậc học này. Từ suy nghĩ đó, không ít học sinh không tha thiết học tập khi đã vào trường nên có thái độ học tập không nghiêm túc”. Bên cạnh đó, công tác phân luồng học sinh sau khi học xong THCS chưa được thực hiện mạnh mẽ nên chất lượng đầu vào của TCCN khá thấp. Vì vậy hằng năm, hầu hết các đơn vị đều tuyển sinh không đủ chỉ tiêu dù còn rất nhiều đối tượng không tham gia học tập bất kỳ một hình thức nào sau khi tốt nghiệp THCS, THPT.

Ông Nguyễn Văn Ấu, Phó Hiệu trưởng Trung tâm Đại học Tại chức Cần Thơ, trăn trở: “Giáo dục TCCN cũng là một bậc học nhưng những năm qua chưa hề có một chương trình mục tiêu nào đầu tư căn cơ, có chiều sâu để các trường mở rộng ngành, nghề, thu hút học sinh”. Công bằng mà nói, bậc học này vẫn có những đầu tư nhất định. Tuy nhiên, sự đầu tư đã qua mang tính nhỏ lẻ, thiếu qui mô nên chưa đáp ứng được yêu cầu về mặt chất lượng để đào tạo ra một lực lượng lao động có tay nghề cao. Nhiều trường có cơ sở vật chất nhỏ, ít ngành nghề, thiếu trang bị hiện đại để học sinh có thể thí nghiệm, thực hành. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, học sinh không tiếp cận được máy móc trang thiết bị ở các doanh nghiệp nên phải đào tạo lại cho phù hợp. Các trường, các cơ sở đào tạo TCCN cũng không tạo được một mối liên hệ vững chắc với doanh nghiệp để đào tạo có địa chỉ, theo nhu cầu của doanh nghiệp....

Nhiều nhà chuyên môn cũng rất trăn trở về việc phân cấp quản lý nhà nước ở các trường TCCN, bởi cách quản lý như hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập, chồng chéo. Một số trường chỉ chú trọng đến số lượng tuyển sinh nên thực hiện không đúng quy trình về tuyển sinh và liên kết đào tạo do trường này trực thuộc bộ này, trường kia, trường thuộc Sở GD&ĐT, trường khác lại trực thuộc UBND thành phố... Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, chính sự chồng chéo này ảnh hưởng rất lớn đến công tác quy hoạch, tuyển sinh cũng như định hướng đào tạo của các địa phương. Phải thừa nhận rằng, UBND TP Cần Thơ rất quan tâm đến bậc học này nên hằng năm luôn dành một nguồn kinh phí khá lớn để các trường tuyển sinh, đào tạo học sinh ở hệ TCCN sau tốt nghiệp THCS nói riêng và TCCN nói chung. Tuy nhiên, rất nhiều trường đã tuyển không đủ chỉ tiêu. Ngoài nguyên nhân do tâm lý của phụ huynh và ngành nghề ở bậc học này ít, không đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Nguyên nhân khác là còn do các trường không được Bộ GD&ĐT phân bổ chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu. Ông Nguyễn Ngọc Lợi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ chia sẻ: “Năm học 2010-2011, trường đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh gần 2.000 học sinh hệ TCCN cho các ngành nhưng Bộ chỉ chấp thuận 1.000 chỉ tiêu”.

Nhìn chung, 10 năm qua, giáo dục TCCN ở TP Cần Thơ đã và đang khẳng định được vai trò của mình trong sự phát triển giáo dục chung của toàn thành phố. Thế nhưng, theo ông Hoàng Ngọc Vinh, để giáo dục TCCN ở TP Cần Thơ phát triển nhiều hơn trong thời gian tới, ngành giáo dục cần xây dựng một chương trình đào tạo sát hợp hơn nữa với định hướng phát triển của TP Cần Thơ; đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ, đào tạo hệ vừa làm vừa học để nâng cao chất lượng đối với lực lượng động này.

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết