05/04/2018 - 14:36

Cần tuân thủ lịch thời vụ trong sản xuất lúa 

Những năm gần đây, nông dân sản xuất lúa trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Do vậy việc chấp hành nghiêm lịch thời vụ là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo hiệu quả và hạn chế thiệt hại trong sản xuất.

Nông dân Vĩnh Thạnh làm đất chuẩn bị xuống giống lúa hè thu 2018.

Để cây lúa tăng trưởng tốt

Huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ thời gian qua rất quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, dần hoàn thiện hệ thống đê bao, thủy lợi, giúp nông dân chủ động tưới tiêu và sản xuất được 3 vụ lúa/năm. Nhờ đó, một số nơi, nông dân tranh thủ gieo sạ sớm làm thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa ngắn lại nhưng vô tình phá vỡ khung thời vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh, dịch hại di trú từ trà lúa này sang trà lúa khác, khiến tốn kém nhiều chi phí. Điển hình như: Vụ lúa đông xuân 2016-2017, do mực nước lũ thấp, nên nhiều nông dân ở xã Vĩnh Bình xuống giống sớm hơn lịch thời vụ khoảng hai tuần. Một số diện tích ảnh hưởng của mưa cuối vụ nên tốn nhiều chi phí cấy giặm, nhưng năng suất chỉ đạt 6-6,5 tấn/ha. Vụ thu đông 2017, những diện tích xuống giống trong tháng 7 năng suất cũng không cao (chỉ khoảng 5,5 tấn/ha), vì cả thời điểm gieo sạ và thu hoạch đều gặp mưa gió làm cây lúa bị đổ ngã. Không những thế, chi phí đầu tư vụ này cũng cao hơn do sâu, bệnh gây hại, tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch cao và chất lượng hạt lúa cũng bị giảm. Trong khi đó, bà con nông dân trong khu vực ấp G2, H2, xã Thạnh An xuống giống đồng loạt vào giữa tháng 8-2017 - thời tiết rất thích hợp vì nắng nhiều vào lúc mới gieo, cấy; đến giai đoạn trổ bông vào giữa tháng 10 thì ít mưa, giúp cây quang hợp tốt tạo ra số hạt chắc trên bông nhiều và thu hoạch lại đúng vào khoảng giữa tháng 11 trời lại ít mưa cũng là yếu tố giúp năng suất đạt 6,5 tấn/ha. Ông Phạm Thái Hùng, nông dân ấp H2, cho biết: “Mấy vụ gần đây theo dõi thời tiết và lịch thời vụ của ngành nông nghiệp, tôi nhận thấy nếu gieo sạ đúng lịch khuyến cáo, thời tiết thuận lợi, lúa ít bị sâu bệnh tấn công nên nhẹ công chăm sóc, thu hoạch năng suất đạt cao, nhiều thuận lợi”.

Theo ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh, năng suất lúa được quyết định bởi các yếu tố: số bông trên một đơn vị diện tích, số hạt và tỷ lệ hạt chắc trên một bông và trọng lượng của 1000 hạt lúa. Vì vậy, để đạt được năng suất cao, cùng với việc chọn giống, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật ngay từ đầu vụ thì việc xuống giống đúng lịch thời vụ là một trong những yếu tố quyết định. Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Gieo sạ đúng lịch thời vụ, thời tiết thuận lợi sẽ giúp cây lúa tăng trưởng tốt, hấp thụ đầy đủ dinh dưỡng nhờ lá quang hợp tốt, từ đó tăng cường sức đề kháng, hạn chế được sâu bệnh, dịch hại tấn công nên lúa trổ say bông, tỷ lệ hạt chắc cao. Đồng thời, khi cây lúa khỏe, ít đổ ngã và còn giảm thất thoát trong quá trình thu hoạch lúa”.

Cần tuân thủ lịch thời vụ

Nông dân huyện Vĩnh Thạnh đang tập trung thu hoạch rộ lúa đông xuân 2017 - 2018. Theo số liệu từ ngành nông nghiệp, tính đến trung tuần tháng 3, toàn huyện đã thu hoạch được gần 20.000ha, tương đương 80% diện tích gieo sạ. Thống kê cho thấy, năng suất trung bình đạt 8,4 tấn/ha lúa tươi), cao hơn vụ đông xuân năm trước khoảng 1,5 tấn/ha. Giá lúa cũng đang ở mức cao, đối với giống Jasmine 85 giá từ 5.300 - 6.000 đồng/kg, nếp từ 6.000 - 6.300 đồng/kg… Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, người trồng lúa vẫn còn lời từ 25 - 30 triệu đồng/ha. Như vậy, có thể nói, vụ này nông dân thắng lớn vì “trúng mùa, được giá”.

Trở lại vụ lúa đông xuân 2017-2018, ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh căn cứ vào tình hình triều cường, điều kiện thời tiết để xây dựng lịch xuống giống phù hợp. Theo đó, huyện tập trung xuống giống làm 2 đợt: Đợt 1: vào giữa cuối tháng 11-2017, chủ yếu các xã Nam Cái Sắn. Đợt 2 vào nửa đầu tháng 12, áp dụng cho các xã phía Bắc Cái Sắn và phần diện tích còn lại của các xã Nam Cái Sắn chưa xuống giống trong đợt 1. Nhờ tuân thủ lịch thời vụ cộng với thời tiết thuận lợi đã góp phần quan trọng giúp ngành nông nghiệp và nông dân sản xuất thắng lợi… Để giúp nông dân sản xuất thắng lợi vụ lúa hè thu, ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh cũng chủ động xây dựng lịch xuống giống cũng chia làm 2 đợt. Cụ thể: Đợt 1 vào nửa cuối tháng 3-2018 và đợt 2 khoảng đầu tháng 4. Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Nông dân nên căn cứ vào tình hình thực tế để xuống giống sớm hoặc muộn hơn vài ngày nhưng phải đảm bảo nguyên tắc “gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng”, không để xảy ra tình trạng trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa khác nhau và đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa từ 3 tuần”.

Vụ hè thu lúa phát triển trong môi trường có nhiều bất lợi do yếu tố môi trường, sâu bệnh. Vì vậy, để hạn chế thiệt hại do thời tiết, sâu bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất, ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh đề nghị các địa phương cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ tránh tình trạng mạnh ai nấy làm dẫn đến nguy cơ rủi ro cao. Ngành cũng khuyến cáo nông dân, trước khi xuống giống cần chuẩn bị đồng ruộng thật kỹ và áp dụng các biện pháp kỹ thuật ngay đầu vụ, từ khâu làm đất, chọn giống, quá trình chăm sóc, bảo vệ lúa trong từng giai đoạn đến khi thu hoạch, nhất là kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” giúp cây lúa phát triển khỏe mạnh, góp phần đạt tối ưu về năng suất và chất lượng.

Bài, ảnh: Minh Hải

Chia sẻ bài viết