25/04/2016 - 20:47

Sản phẩm đặc trưng vùng ĐBSCL

Cần trợ lực để mở rộng kênh bán hàng

Câu Lạc bộ Sản phẩm đặc trưng vùng ĐBSCL-MekongSP (trực thuộc chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ-VCCI Cần Thơ) tổ chức họp mặt hội viên với chủ đề "Phát triển bao bì sản phẩm hướng đến xuất khẩu và kênh bán hàng". Tại đây, các hội viên có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc đưa hàng vào siêu thị; tầm quan trọng của bao bì, nhãn mác; xây dựng và quảng bá thương hiệu; tìm hiểu nhu cầu thị trường để mở hướng đi cho các sản phẩm nông sản đặc trưng của vùng ĐBSCL…

Câu lạc bộ MekongSP được thành lập với mục đích tập hợp các sản phẩm đặc trưng và liên kết các doanh nghiệp, quảng bá hình ảnh và thương hiệu đặc sản vùng ĐBSCL (thực phẩm, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm tự nhiên) nhằm tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Theo Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ MekongSP, năm 2015, CLB có nhiều hoạt động nổi bật như: quảng bá hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam tại Hội chợ Gulfood (tổ chức ở Dubai); hỗ trợ doanh nghiệp tham gia gian hàng tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm 2015; tổ chức Hội thảo giao lưu cộng đồng doanh nghiệp; nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về bao bì, nhãn mác, thương hiệu... Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ MekongSP, cho biết: "Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu, song hoạt động của Câu lạc bộ còn gặp nhiều khó khăn. Đa số hội viên là doanh nghiệp nhỏ, sản xuất quy mô hộ gia đình nên tính cạnh tranh thấp, gặp nhiều cản ngại trong việc xây dựng kênh bán hàng, phát triển và quảng bá thương hiệu...".

Các sản phẩm đặc trưng vùng ĐBSCL trưng bày tại buổi họp mặt.

Là doanh nghiệp chuyên cung cấp sản phẩm cá ba sa tẩm gia vị sang thị trường Trung Quốc, bà Phan Gia Mẫn, Giám đốc Công ty TNHH Vạn Đạt, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Để thâm nhập thị trường Trung Quốc, bước đầu chúng tôi đầu tư nghiên cứu thị trường, đặc biệt là tìm hiểu thói quen tiêu dùng, khẩu vị của người dân Trung Quốc. Nắm bắt được những thông tin này giúp chúng tôi có phương án cung cấp hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường". Theo bà Phan Gia Mẫn, thị trường Trung Quốc đang chuộng sản phẩm cà phê, hạt ngũ cốc sấy giòn,… Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc rất ưa chuộng sản phẩm ngó sen đông lạnh. Đây là sản phẩm lợi thế của vùng ĐBSCL. Nếu doanh nghiệp có khả năng cung cấp sản phẩm này thì tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là rất lớn. Tuy nhiên, hiện ngó sen đông lạnh khó bảo quản lâu và khi rã đông không giữ được phẩm chất như ban đầu. Do đó, doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ để khắc phục những nhược điểm trên.

Liên quan đến vấn đề bảo quản sản phẩm xuất khẩu, theo ông Đinh Công Hoàng, Chủ nhiệm Tổ hợp tác Tàu hủ ky Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận nhãn hiệu tập thể "Tàu hủ ky Mỹ Hòa- Bình Minh". Hiện làng nghề truyền thống này của Vĩnh Long có 34 hộ, mỗi ngày sản xuất khoảng 3 tấn tàu hủ ky gồm nhiều loại như: tàu hủ ky miếng lớn, cọng khô, cọng non, ướp muối,… Tàu hủ ky có thể dùng làm nguyên liệu để chế biến thành nhiều món ăn cả chay lẫn mặn nên được thị trường miền Tây, miền Đông Nam Bộ ưa chuộng. "Chúng tôi mong muốn mở rộng thị trường cho sản phẩm tàu hủ ky vào các siêu thị và xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện tổ hợp tác cũng gặp khó trong việc bảo quản sản phẩm để xuất khẩu bởi tàu hủ ky chỉ có thể tồn trữ không quá nửa tháng"- ông Đinh Công Hoàng bày tỏ.

Bám sát chủ đề "Phát triển bao bì sản phẩm hướng đến xuất khẩu và kênh bán hàng", nhiều ý kiến tập trung thông tin về tiêu chuẩn và yêu cầu về bao bì nhãn mác khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu, đặc biệt là thị trường Úc; cách thức đưa hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc,… Bà Geraldine Pasqual, Cố vấn Tổ chức Hỗ trợ tình nguyện viên Úc, chia sẻ: "Thông tin về tiêu chuẩn nhãn mác thực phẩm đối với sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Úc được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Bởi thông tin về tiêu chuẩn nhãn mác thực phẩm mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với khách hàng. Trong đó, lợi ích giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp thể hiện ở việc giúp các nhà sản xuất, xuất khẩu, bán lẻ tuân thủ các quy định đặt ra. Lợi ích mang lại giữa doanh nghiệp với khách hàng đảm bảo người mua và người bán về sản phẩm bảo vệ sức khỏe người dùng và các thông tin dinh dưỡng. Đồng thời, giúp khách hàng xác định các thông tin về an toàn thực phẩm và thành phần dinh dưỡng (chất gây dị ứng, lượng chất béo trong khẩu phần, hướng dẫn và bảo quản sử dụng…)". Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp cùng ngành nghề cần liên kết chặt chẽ với nhau đặc biệt là khi ra thị trường nước ngoài, ưu tiên sử dụng những sản phẩm, dịch vụ của nhau để nâng đỡ nhau cùng trụ vững và phát triển trên đất khách.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ MekongSP, năm 2016, Câu lạc bộ MekongSP xác định tập trung vào 3 mục tiêu lớn: Phát triển kênh bán hàng, phát triển thương hiệu câu lạc bộ và hình ảnh hội viên, xây dựng tiêu chí cho sản phẩm đặc trưng của câu lạc bộ. "Sắp tới, bên cạnh việc quảng bá thương hiệu, cải tiến bao bì, nhãn mác sản phẩm cũng như đẩy mạnh kết nối giao thương, mở rộng kênh phân phối, giới thiệu sản phẩm... chúng tôi sẽ đầu tư và ứng dụng hệ thống thương mại điện tử. Đây là giải pháp tối ưu hỗ trợ hội viên mở rộng kênh bán hàng; tạo sự kết nối giúp sản phẩm địa phương tiếp cận với người tiêu dùng trong và ngoài nước dễ dàng hơn..."- ông Nguyễn Phương Lam nhấn mạnh.

Bài, ảnh: CHI MAI

Chia sẻ bài viết