01/03/2010 - 21:07

Cần trợ lực để công nghiệp nông thôn phát triển

Từ năm 2005 đến 2009, thông qua các chương trình khuyến công, nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX)... vùng nông thôn trên địa bàn TP Cần Thơ được nâng cao năng lực, tăng cường khả năng kinh doanh. Năm 2010, công nghiệp nông thôn (CNNT) thành phố phấn đấu đạt giá trị sản xuất khoảng 2.900 tỉ đồng, thu hút khoảng 25.000 lao động. Theo ngành chức năng thành phố, ngành CNNT thành phố cần nhiều trợ lực để hoàn thành mục tiêu đề ra và ngày càng phát triển.

Tiếp sức cho CNNT

Giai đoạn 2005- 2009, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương trên 1,3 tỉ đồng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Trung tâm Khuyến công) TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động trợ lực cho CNNT phát triển. Cụ thể: Hỗ trợ tổ chức, cá nhân khởi sự DN và nâng cao năng lực của các DN, cơ sở, HTX sản xuất CNNT. Hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao tay nghề và truyền nghề tiểu thủ công nghiệp cho trên 870 lao động nông thôn. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công TP Cần Thơ còn phối hợp với 20 DN, cơ sở, HTX xây dựng phòng trưng bày trên 300 sản phẩm đặc trưng của ngành công nghiệp TP Cần Thơ nhằm tạo điều kiện cho DN, cơ sở, HTX tiếp cận tìm kiếm thị trường, quảng bá và giới thiệu sản phẩm...

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công TP Cần Thơ, cho biết: Nhờ các hoạt động khuyến công, nhiều tổ chức, cá nhân, các cơ sở CNNT đã nắm vững hơn thủ tục thành lập DN; qua đó, càng nâng cao nhận thức về kinh doanh, ý tưởng kinh doanh, phân tích khách hàng tiềm năng, đối thủ cạnh tranh, nâng cao năng lực quản lý, xúc tiến thương mại... Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao tay nghề và truyền nghề tiểu thủ công nghiệp đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, tạo đầu ra và mở rộng thị trường làm tăng lợi nhuận của cơ sở CNNT và thu nhập của người lao động, góp phần giải quyết việc làm cho nguồn lao động nông nhàn và sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nông nghiệp.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH May xuất khẩu Phong Điền (xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ). 

Ngoài ra, để có thông tin phục vụ CNNT, TP Cần Thơ đã xuất bản trang tin Khuyến công Cần Thơ. Qua đó phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển CNNT đến các cơ quan, đơn vị, các cơ sở CNNT và trao đổi kinh nghiệm, phổ biến, thông tin về công nghiệp, tiến bộ kỹ thuật, thị trường, mô hình quản lý, thành tựu trong sản xuất... Đặc biệt, qua các kỳ hội chợ triển lãm đã giúp ngành công nghiệp Cần Thơ giới thiệu những thành tựu phát triển CNNT và ngành nghề truyền thống, tạo cơ hội cho cơ sở CNNT gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, đổi mới thiết bị công nghiệp, tìm kiếm đối tác, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường...

Còn nhiều khó khăn

Công ty TNHH May xuất khẩu Phong Điền, tọa lạc tại xã Trường Long, huyện Phong Điền, được thành lập vào năm 2007. Từ tháng 7 - 2009 đến nay, Công ty đã trực tiếp ký kết các hợp đồng xuất khẩu trực tiếp hàng may mặc sang thị trường Đức. Hiện Công ty có khoảng 120 máy may công nghiệp phục vụ cho nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có khoảng 30 máy hoạt động do thiếu lao động. Bà Nguyễn Thị Diệu Hiền, Quản lý Công ty TNHH May xuất khẩu Phong Điền, cho biết: Từ khi thành lập đến nay, chưa bao giờ DN hoạt động hết công suất. Mỗi công nhân, dù được hỗ trợ tiền cơm trưa khoảng 300.000 đồng/tháng và tiền lương theo sản phẩm từ 650.000 - 1.600.000 đồng/tháng nhưng vẫn không thu hút và giữ chân được lao động nông thôn. Không những thế, tình trạng thiếu hụt lao động vào các vụ mùa, lễ Tết, đám tiệc trong xóm, ấp... khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn, không thể chủ động trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là thực trạng, là khó khăn của các DN, các cơ sở CNNT trên địa bàn thành phố.

Để giải quyết tình trạng này, bà Hiền kiến nghị: Các ban, ngành, đoàn thể cấp phường xã ở nông thôn, nhất là Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... cần tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên... là lao động nông thôn nên trực tiếp tham gia vào các cơ sở CNNT. Qua đó, một mặt, tạo thêm thu nhập, mặt khác góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Ngoài vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công TP Cần Thơ, cho biết: Xuất phát từ những đặc điểm của TP Cần Thơ là một đô thị trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thị trấn rất ít, địa bàn để được kinh phí khuyến công hỗ trợ theo Nghị định số 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển CNNT bị hạn chế. Bởi đối tượng áp dụng của nghị định này là các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp tại huyện, thị xã, thị trấn và xã như: DN nhỏ và vừa thành lập, hoạt động theo Luật DN nhà nước; DN nhỏ và vừa thành lập, hoạt động theo Luật DN; HTX thành lập, hoạt động theo Luật HTX; hộ kinh doanh cá thể theo Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2000 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh...

Trong khi đó, kinh phí khuyến công hằng năm có tăng, đặc biệt năm năm 2009 kinh phí khuyến công địa phương 581 triệu đồng, tăng gần 3 lần so với năm trước nhưng so với yêu cầu hỗ trợ đề án khuyến công còn hạn chế (nhất là các nội dung về mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ cơ sở CNNT ứng dụng thành tựu công nghệ mới vào quy trình sản xuất, cũng như hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại các huyện). Mặt khác, cơ sở CNNT ít có cơ hội tham gia xuất khẩu trực tiếp, thường phải qua nhiều khâu trung gian tại các địa phương khác (TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai) nên việc nắm bắt về nhu cầu khách hàng, mẫu mã, chất lượng, giá cả hàng hóa... ảnh hưởng đến lợi nhuận của cơ sở CNNT và sự phát triển nghề tiểu thủ nghiệp tại địa phương. Không chỉ vậy, theo ông Hòa, bộ máy khuyến công của thành phố được thành lập đảm bảo yêu cầu quy định. Tuy nhiên, đội ngũ công chức, viên chức hoạt động chưa đều tay, còn những hạn chế nhất định; cán bộ làm công tác khuyến công huyện phải kiêm nhiệm nhiều công tác khác; mạng lưới khuyến công viên ở cơ sở không được phân công, không có chế độ chính sách... Những điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của công tác khuyến công, phát triển CNNT trên địa bàn thành phố.

Tiếp tục trợ lực để CNNT phát triển

Theo kế hoạch của thành phố, năm 2010, công tác khuyến công tập trung huy động các nguồn lực nhằm hỗ trợ tổ chức, cá nhân phấn đấu đạt giá trị sản xuất CNNT là 2.900 tỉ đồng, thu hút 25.000 lao động CNNT, nhằm tạo bước đột phá về xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập lao động nông thôn.

Ông Nguyễn Xuân Hòa cho biết thêm: Thành phố sẽ động viên và huy động các nguồn lực khuyến khích, hỗ trợ tổ chức, cá nhân khởi sự DN, cơ sở CNNT đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực quản lý, năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu trực tiếp hàng hóa CNNT. Hoạt động khuyến công sẽ tập trung hỗ trợ các đề án khuyến công tạo bước đột phá cho bước phát triển ngành phù hợp với cơ cấu và định hướng của thành phố là thành phố công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Song song đó, thành phố sẽ khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển CNNT, khôi phục, phát triển nghề truyền thống, làng nghề... có lợi thế về tiềm năng, thế mạnh; các nghề sử dụng nguồn nguyên liệu, nguồn lao động tại chỗ góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, đảm bảo hài hòa với ngành kinh tế khác.

Để góp phần đạt được mục tiêu và định hướng nêu trên, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương (khoảng 940 triệu đồng) thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động ngành CNNT như: hỗ trợ cá nhân khởi sự DN, tăng cường khả năng kinh doanh; hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao tay nghề và truyền nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn; hỗ trợ CNNT lập dự án đầu tư mở rộng sản xuất, di dời DN, cơ sở vào khu công nghiệp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết